Hành trình đầu tư có trách nhiệm ở Dragon Capital

Việc chủ động phát triển năng lực, thường xuyên cập nhật các chính sách, quy trình trên thế giới để có sự chuẩn bị, duy trì hệ thống hiệu quả, tham vấn cùng với các công ty, bên thứ ba và các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu ESG là cách mà quỹ đầu tư Dragon Capital thoát ra khỏi hai chữ tuân thủ để tiến tới quản trị rủi ro và tìm kiếm được những cơ hội mới trên hành trình đầu tư có trách nhiệm.

Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp, Dragon Capital

Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp, Dragon Capital

Là một người đã dành hơn 10 năm chịu trách nhiệm đối với các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong số 16 năm làm việc tại quỹ đầu tư Dragon Capital, ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp của quỹ này cho biết, chủ đề ESG hiện đang rất “nóng” tại Dragon Capital cũng như trong ngành đầu tư tài chính.

Mặc dù có rất nhiều tên gọi khác nhau nhưng định nghĩa đầu tư có trách nhiệm rất đơn giản là làm sao tích hợp các yếu tố ESG trong quy trình ra quyết định đầu tư và sau đó tích cực thực hiện các quyền của cổ đông.

“ESG, phát triển bền vững hay đầu tư có trách nhiệm - nghe định nghĩa thì đơn giản nhưng lại rất khó tiếp cận”, ông Vinh nói trong hội thảo “Tư duy lãnh đạo và thực thi quản trị hiệu quả về biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững” do Deloitte Việt Nam, Dragon Capital và Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) phối hợp tổ chức.

Đồng tình với nhận định của Warren Buffett rằng phải mất tới 20 năm để xây dựng danh tiếng nhưng chỉ tốn 5 phút để phá hỏng nó, ông Vinh cho rằng tất cả lãnh đạo doanh nghiệp cần phải chú trọng quản trị rủi ro, doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm càng cao.

“ESG và các yếu tố bền vững bao gồm một loạt vấn đề có khả năng ảnh hưởng đến danh tiếng của công ty. Quản lý hiệu quả các hoạt động phát triển bền vững và công bố thông tin ESG hiện sẽ là một lợi thế cạnh tranh”, ông Vinh nói.

Theo “làn sóng đầu tư có trách nhiệm”, các quỹ trước khi đầu tư vào doanh nghiệp sẽ cân nhắc cả thông tin tài chính và phi tài chính, trong đó thông tin phi tài chính như ESG là quan trọng hơn cả.

Trong khi đó, các nhà đầu tư tại Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế và thách thức như thiếu thông tin đáng tin cậy về môi trường và xã hội, việc công bố thông tin ESG chưa được thực hiện nghiêm túc, việc đánh giá rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu tương đối mới. Bên cạnh đó, các chính sách và quy định về công bố thông tin ESG cần có hướng dẫn rõ ràng và có chế tài nhằm tăng cường sự tuân thủ.

Trong khi thị trường chứng khoán chủ yếu hiện nay là nhà đầu tư cá nhân, chiếm hơn 80% hoạt động giao dịch, các nhà đầu tư tổ chức đóng một vai trò quan trọng trong việc vận động, đối thoại và giúp các doanh nghiệp cải thiện hoạt động theo thông lệ tốt.

Ông Vinh kể lại, thời điểm mới vào Dragon Capital, ông thấy chỉ mới có trụ cột môi trường. Những năm sau đó, quỹ vẫn tiếp tục “loay hoay” ở việc tuân thủ.

“Tôi rất tâm đắc từ khóa chủ động. Doanh nghiệp phải tiến tới chủ động để thoát ra khỏi tuân thủ, quản trị được rủi ro và tìm kiếm cơ hội”, ông Vinh nói.

Từ năm 2015, Dragon Capital đã cải tiến chính sách ESG và phát triển khung đánh giá ESG mới dành cho các công ty mới niêm yết với ba trụ cột về môi trường, xã hội và quản trị. Quỹ có bộ phận chuyên môn về ESG với 7 thành viên, bao gồm cả lãnh đạo chủ chốt, có nhiệm vụ phân tích, theo dõi và cập nhật danh mục và xếp hạng ESG. Mới đây, quỹ cũng tuyển thêm chuyên viên ESG và dự kiến tiếp tục mở rộng.

Ba năm trước, HĐQT Dragon Capital đã đặt 3 câu hỏi cho nhóm ông Vinh: Đâu là những rủi ro về biến đổi khí hậu trong danh mục đầu tư, đâu là trách nhiệm về khí thải nhà kính trong danh mục đầu tư, và các tác động đến đa dạng sinh học trong danh mục đầu tư là gì. Chính ba câu hỏi này đã kích hoạt hàng loạt khởi xướng cho các hoạt động đầu tư có trách nhiệm tại quỹ này.

Để quản trị rủi ro, Dragon Capital đã chủ động đào tạo phát triển năng lực, thường xuyên cập nhật các chính sách, quy trình trên thế giới để có sự chuẩn bị, duy trì hệ thống hiệu quả, và tham vấn cùng gia với các công ty, bên thứ ba và các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu ESG.

Từ việc chỉ tuân thủ về ESG sang quản lý rủi ro, quỹ đã nhận thấy được nhiều cơ hội trong các năm gần đây ở các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, cung cấp nước sạch, nông nghiệp và sản xuất thực phẩm bền vững, sản xuất thành phần protein côn trùng, thảo dược, giáo dục, thị trường carbon và tín dụng đa dạng sinh học.

Theo ông Vinh, có sáu cách tiếp cận về đầu tư có trách nhiệm.

Thứ nhất là loại trừ một số ngành nghề, hay thoái vốn tại một số công ty nhằm tránh rủi ro cao về xã hội & môi trường và nhằm gắn kết tốt với giá trị của nhà đầu tư.

Thứ hai là tích hợp và phân tích các yếu tố ESG như là một phần cơ bản trong quyết định đầu tư.

Thứ ba là có chiến lược tập trung tham gia đối thoại trực tiếp với các công ty về các vấn đề ESG. Sử dụng quyền sở hữu công ty để thúc đẩy và khuyến khích lãnh đạo công ty thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Ba cách tiếp cận này được xem là giúp quản trị rủi ro ESG.

Ở cấp độ thứ tư, tiêu chí đầu tư là nhắm vào các ngành nghề hoặc những công ty có kết quả và chỉ tiêu ESG được đánh giá là tốt hơn so với các công ty khác cùng ngành nghề.

Lên cấp độ thứ năm, tiêu chí đầu tư là tập trung vào các chủ đề cụ thể về xã hội hoặc phát triển bền vững, ví dụ như đầu tư vào ngành năng lượng sạch, bất động sản xanh. Các quỹ có thể đầu tư theo từng chủ đề một hoặc kết hợp nhiều chủ đề.

Thứ sáu là có chiến lược đầu tư với mục đích là tạo ra các ảnh hưởng tích cực cho xã hội và môi trường.

Ba cách tiếp cận sau được xem là các cơ hội về ESG.

Từ tám tiêu chuẩn hoạt động môi trường và xã hội của IFC, các nhà đầu tư sẽ đánh giá doanh nghiệp dựa trên 3 yếu tố: sự cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp trong vấn đề thực hiện ESG, việc tuân thủ và cách đối thoại (công bố thông tin, chuyển tải thong tin và sự sẵn sàng tham gia chia sẻ và tham vấn).

Đề cập đến sáu cách tiếp cận này, ông Vinh nhấn mạnh khái niệm “nhuộm xanh” hay trong ngành marketing còn dùng từ “tẩy xanh”, dành cho các nhà đầu tư nói rất nhiều về ESG nhưng thực chất không làm. Hiện nay, châu Âu đang thúc đẩy chuẩn mực công bố thông tin ESG và các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu để chống nhuộm xanh.

Ông cho rằng hiện chưa có quỹ nào thực sự tập trung đầu tư có trách nhiệm nhưng trong tương lai, khoảng 4-5 năm tới, sẽ trở thành xu hướng lớn trong khu vực.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hanh-trinh-dau-tu-co-trach-nhiem-o-dragon-capital-1663401741980.htm