Hành trình để được UNESCO vinh danh

Ngày ấy, tôi được giao làm nhiệm vụ Trưởng Ban Xây dựng hồ sơ quốc gia Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ để đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đoàn công tác của Việt Nam cùng các đại biểu dự kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ tại Paris (Pháp) xét Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ảnh tư liệu)

Đoàn công tác của Việt Nam cùng các đại biểu dự kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ tại Paris (Pháp) xét Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ảnh tư liệu)

Nhận trách nhiệm với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Phú Thọ, tôi cùng các cán bộ nghiên cứu của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nay là Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, anh chị em tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số cán bộ địa phương bắt đầu một hành trình có thể nói là vất vả. Nào là kiểm kê khoa học, lấy ý kiến đồng thuận của người dân ở các di tích thờ cúng Hùng Vương trong tỉnh, nào tìm hiểu kinh nghiệm của nước ngoài khi họ có một tín ngưỡng tương tự… Chỉ riêng tiếp cận nguồn tài liệu viết về thời kỳ Hùng Vương đã là một công việc lớn, đầy khó khăn. Trong nước thì không khó khăn vì trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương. Nhưng tài liệu ở nước ngoài lại là một công việc phức tạp, từ tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh.

Theo thói quen mà chúng tôi đã thực hiện với các hồ sơ quốc gia trình UNESCO, chúng tôi đề nghị tỉnh Phú Thọ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại, nghiên cứu trường hợp Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam. Nội dung của hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế nên Ban tổ chức đã nhận được 130 tham luận của các tác giả gửi đến. Các nhà khoa học ở nước ngoài, nhất là ở Trung Quốc tham gia rất nhiều. Ban tổ chức đứng trước một khó khăn, phải có ca bin dịch tiếng Trung, bên cạnh hai ca bin quen thuộc dịch tiếng Anh và tiếng Việt. Lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất trong cuộc đời làm quản lý khoa học, tôi quyết định một hội thảo khoa học quốc tế có 3 ca bin dịch: Việt, Anh, Trung.

Cũng qua tham luận của một vài nhà khoa học ở Trung Quốc, tôi biết về tín ngưỡng thờ Bulotho (Bố Lạc Đà) của người Choang ở tỉnh Quảng Tây. Cuối tháng 3.2012, tôi cùng một nhóm cán bộ của viện cùng một cán bộ của Viện Hán Nôm sang Quảng Tây tham gia hội thảo quốc tế và dự lễ hội thờ cúng Bulotho. Tín ngưỡng thờ Bulotho có nét tương đồng với Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của Việt Nam: Cũng bánh chưng dài (bánh tày), cũng mở lễ hội vào mùng 10.3 âm lịch hằng năm, cũng đền thờ trên núi... Mặc dù cuối tháng 3.2011, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” bao gồm: 1 bộ hồ sơ 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt; 1 bộ album 10 ảnh gồm 3 thứ tiếng; 1 bộ CD ảnh gồm 3 thứ tiếng; bản quyền ảnh theo mẫu của UNESCO; phim video 10 phút 3 thứ tiếng; bản quyền phim video theo mẫu của UNESCO; giấy đồng thuận của cộng đồng dịch ra tiếng Anh; báo cáo kiểm kê dịch ra tiếng Anh đã được nộp cho UNESCO tại Paris. Nhưng chúng tôi vẫn cẩn thận nghiên cứu điền dã, tập hợp tư liệu đầy đủ về tín ngưỡng này của người Choang ở tỉnh Quảng Tây.

Mọi công việc lần lượt diễn ra. Tôi không thể quên cán bộ của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam vất vả, lăn lộn điền dã. Khi thì trời mưa, đường vào di tích lầy lội, phải xuống mà đẩy xe ô tô, người vất vả mò mẫm trong lưu trữ tìm các ảnh về Lễ hội Đền Hùng trước năm 1945… Tôi nhớ nhất là sự nhập cuộc tích cực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ.

Băn khoăn nhất của tôi là trong 24 quốc gia trong Ủy ban liên Chính phủ theo Công ước năm 2003, năm 2012 có Trung Quốc. Không phải UNESCO không khuyến cáo các quốc gia có di sản văn hóa đồng dạng, gần nhau thì cùng làm hồ sơ để cùng đệ trình UNESCO xem xét. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam và tín ngưỡng thờ Bulotho của Trung Quốc có những điểm đồng dạng. Nhỡ ra thì… Vì thế, chúng tôi chuẩn bị rất cẩn thận, chu đáo với các tình huống có thể xảy ra, để có biện pháp ứng xử.

Đầu tháng 12.2012, đoàn công tác của Việt Nam mà Trưởng đoàn là anh Hoàng Dân Mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đến Paris dự kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ theo công ước năm 2003. Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được xếp trong 18 hồ sơ tốt nhất, còn lại là 18 hồ sơ còn phải bàn bạc, tranh luận, tất cả là 36 hồ sơ được Nhóm tư vấn gồm các nhà khoa học của 6 quốc gia lựa chọn đưa ra trình Ủy ban liên Chính phủ vào ngày 5.12.

Ngày 5.12, bắt đầu họp xét, khi ấy tôi càng lo lắng, vì Ủy ban liên Chính phủ lại không xét riêng nhóm các hồ sơ tốt nhất, mà trộn cả hai nhóm, thành ra hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xếp thứ 36. Việt Nam mà! Tổ tiên đặt tên nước là Việt Nam, nên các kỳ họp của UNESCO, bao giờ hồ sơ của Việt Nam cũng đứng cuối của danh sách duyệt xét.

Phải nói rằng, đây là một kỳ họp rất nghiêm khắc! Chủ tịch điều hành kỳ họp là Bộ trưởng Văn hóa của nước Grenada, quốc gia ở vùng biển Caribe, là một nhà điều hành kỳ họp chuyên nghiệp, lịch lãm, cương quyết. Hồ sơ chưa tốt thì không vinh danh. Nhưng hồ sơ còn thảo luận thì thảo luận đến cùng. Có hồ sơ, ông phải hỏi đi hỏi lại, để có thêm một phiếu ủng hộ. Phải 13/24 phiếu thuận, vị Chủ tịch mới gõ búa để kết thúc thảo luận, công nhận di sản ấy đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đã có 5 - 6 hồ sơ của một số quốc gia bị loại...

Hôm ấy, việc xét các hồ sơ chưa xong, còn 11 hồ sơ, trong đó có hồ sơ của Việt Nam. Ông chủ tịch thông báo để lại ngày mai. Và 12 giờ 3 phút giờ Paris (tức 18 giờ 3 phút giờ Hà Nội) ngày 6.12 bắt đầu xét hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Hội trường lặng phắc, trên màn hình là những bức ảnh về di sản được trình chiếu với những đánh giá của Nhóm Tư vấn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Không một câu hỏi chất vấn hay bình luận! 12 giờ 9 giờ Paris (tức 18 giờ 9 giờ Hà Nội), hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhận được sự chấp thuận tuyệt đối (24/24) của các thành viên đại diện cho các quốc gia trong Ủy ban liên Chính phủ đồng ý vinh danh đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thế là từ giây phút ấy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã bước ra khỏi biên giới Việt Nam, trở thành tài sản của nhân loại.

GS.TS NGUYỄN CHÍ BỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/van-hoa---giai-tri/hanh-trinh-de-duoc-unesco-vinh-danh-200247