Hành trình đến hàng chục bài báo khoa học của một NCS 9X
Ở tuổi 28, Phạm Quốc Hậu đang chuẩn bị hoàn thành chương trình Tiến sĩ. Nhưng từ trước đó nhiều năm, chàng trai 9X này đã 'ghi điểm' khi có trong tay hàng chục bài báo khoa học được công bố trên nhiều tạp chí uy tín trong và ngoài nước.
Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Công nghiệp TP. HCM, năm 2018, Phạm Quốc Hậu bảo vệ luận văn Thạc sĩ (bộ môn Kỹ thuật vô cơ, khoa Kỹ thuật Hóa học, trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM), với số điểm 9,5. Đó là thành quả đầy tự hào của chàng trai yêu thích Hóa học từ lúc còn là học sinh phổ thông. PGS. TS Nguyễn Trường Sơn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu năng lượng bền vững, trường ĐH Bách khoa, giảng viên hướng dẫn của Hậu khi đó kể, ông luôn ấn tượng với Hậu, một người có tư duy tốt, có tính độc lập trong nghiên cứu, ham học hỏi. Những tố chất đó sẽ giúp ích rất nhiều cho một người có thiên hướng nghiên cứu chuyên sâu và làm công tác giảng dạy.
Phạm Quốc Hậu đã có hàng chục bài báo khoa học được công bố.
Chàng trai sinh năm 1993 quyết định tiếp tục chọn trường ĐH Bách khoa để học lên Tiến sĩ. Để hoàn thành chương trình này, theo quy định, nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 2 bài báo nghiên cứu trên các tạp chí khoa học. Đó cũng chính là một trong những lý do thúc đẩy chàng trai này đi sâu hơn vào con đường giảng dạy và nghiên cứu, khi cộng tác với nhóm của ThS Huỳnh Thiên Tài (trường ĐH Tài nguyên – Môi trường) trong các dự án nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, Phạm Quốc Hậu đã làm được nhiều hơn thế khi có đến 21 bài báo khoa học với tư cách tác giả độc lập và đồng tác giả.
Theo Hậu, sự bùng nổ dân số, gia tăng khai thác thiên nhiên và nhu cầu chất đốt cho sản xuất đã làm cho nguồn nhiên liệu hóa thạch cạn kiệt, đòi hỏi phải có nguồn năng lượng thay thế. Pin nhiên liệu được xem như một công nghệ có thể giải quyết nhu cầu này, tạo ra năng lượng cho tương lai và góp phần chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, để pin nhiên liệu thực sự trở thành sự lựa chọn và ứng dụng rộng rãi trong đời sống, cần có những nghiên cứu phát triển nhằm giảm giá thành, nâng cao độ bền... Hướng nghiên cứu của anh là pin nhiên liệu, các vật liệu xúc tác có độ bền và hoạt tính cao hơn.
Phạm Quốc Hậu (thứ 5, từ trái sang) và nhóm nghiên cứu của Chương trình Vườn ươm sáng tạo Khoa học và Công nghệ.
Một số bài báo của Hậu được công bố trên nhiều tạp chí uy tín như Catalysis Science & Technology (IF = 5.721) của Nhà xuất bản Royal Society of Chemistry với các kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Hóa Lý của trường ĐH Tài nguyên - Môi trường và Phòng thí nghiệm Điện Hóa của trường ĐH Bách khoa.
Năm 2020, trong thời điểm COVID-19 bùng phát, Hậu vẫn miệt mài tham gia cùng nhóm nghiên cứu và có các công bố trên tạp chí của Nhà xuất bản John Wiley & Sons, Taylor & Francis, Elsevier, Springer, Nature, Wiley – VCH. Nhóm cũng có bài được chấp nhận đăng trên tạp chí uy tín trong lĩnh vực Hóa học là American Chemical Society (ACS) và Royal Society of Chemistry (RSC).
Hậu cũng tham gia Chương trình Vườn ươm sáng tạo Khoa học và Công nghệ do Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP. HCM) tổ chức, đề tài “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu nền cấu trúc Nano cho xúc tác Platinum (pt) ứng dụng trong pin nhiên liệu”mà Hậu tham gia cùng nhóm do ThS Huỳnh Thiên Tài chủ nhiệm đã đoạt giải Khuyến khích Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2017 - 2019). Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm tác giả đã công bố 4 bài báo khoa học trên các chí quốc tế (ISI) và được mời sang Malaysia tham dự Hội nghị bảo vệ năng lượng (SCHE).
Phạm Công Hậu (phải) và ThS Huỳnh Thiên Tài tham gia một chương trình khoa học của Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TP. HCM.
Đến nay, Phạm Quốc Hậu đã sở hữu 21 bài báo quốc tế, , trong đó 16 bài có IF lớn hơn 3, đặc biệt có 1 bài đạt IF 5.721 nghiên cứu về vật liệu mới. Anh cũng có 7 giải thưởng khoa học trong và ngoài nước: Học bổng hỗ trợ đào tạo tiến sĩ trong nước - Quỹ Đổi mới Sáng tạo năm 2019 và 2020; Giải Ba - Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP. HCM năm 2017 - 2018. Năm 2019, Hậu là một trong 10 gương mặt Việt Nam tham gia Diễn đàn năng lượng sạch châu Á tại Philippines, được trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) tài trợ kinh phí nghiên cứu khoa học cho bậc cao học trị giá 100 triệu đồng. Đặc biệt là giải Paper Award – International Conference on Sustainable Energy and Green Technology 2019 tại Thailand.
Nói về con đường nghiên cứu khoa học của mình, chàng Thạc sĩ 28 tuổi cho rằng nghiên cứu khoa học cần sự đam mê đích thực và chịu khó học hỏi. Hậu cộng tác và tham gia nhiều vào các hoạt động nghiên cứu tại trường cùng đồng nghiệp và các thầy cô có kinh nghiệm để học hỏi. Bên cạnh đó, người làm khoa học cần có sự hỗ trợ về điều kiện. Việc chọn lựa trường ĐH Bách khoa để theo đuổi nghiên cứu và hoàn thành Tiến sĩ của chàng trai này cũng chính từ điều kiện nghiên cứu tuyệt vời tại đây. Khoảng hơn một năm nữa, Phạm Quốc Hậu sẽ hoàn thành chương trình Tiến sĩ, nhưng “khoa học là chặng đường dài và vất vả, không bao giờ có điểm dừng”.