Hành trình di sản Hà Nội - Huế - Sài Gòn
Di sản văn hóa, di tích là tài sản vô giá mà cha ông để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Khối 'tài sản vô giá' này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, mà còn góp phần quảng bá, tạo nền tảng cho du lịch phát triển.
Dịp hè, lượng khách du lịch tăng cao, nhằm thu hút và quảng bá những giá trị văn hóa đến đông đảo người dân và du khách, nhiều hoạt động quảng bá đã diễn ra trên mọi miền Tổ quốc. Đơn cử như Chương trình nghệ thuật Áo dài "Hà Nội - Huế - Sài Gòn" thuộc khuôn khổ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024, được diễn ra tại sân khấu quảng trường Phu Văn Lâu - Nghinh Lương Đình. Chương trình do Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế phối hợp cùng Câu lạc bộ Đình Làng Việt tổ chức đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Chương trình là sự kết hợp thú vị, đầy ý nghĩa giữa các tiết mục nghệ thuật đặc trưng của 3 miền Bắc (Hà Nội) - Trung (Huế) - Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) cùng các loại hình hát xẩm, chầu văn của miền Bắc; ca Huế và các bài hát mang âm hưởng ca Huế và dân ca; đờn ca tài tử, cải lương, hò nam bộ của miền Nam; cùng các show trình diễn những bộ sưu tập áo dài truyền thống, các loại cổ phục do các nhà thiết kế của Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Đến từ Thủ đô Hà Nội, nghệ sỹ Tạ Hạnh cùng nghệ sĩ đàn tranh, tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, nghệ sĩ, nhà văn Lê Xuân Khoa, nghệ sĩ Trúc Đồng đến từ Đình Làng Việt thực hiện, trình diễn hai tiết mục: hát xẩm “Tre Việt Nam” và hát văn “Tự hào Thăng Long - Hà Nội”. Với sự kết hợp đầy ngẫu hứng của tất cả các nghệ sĩ, gồm người lĩnh xướng, người đánh trống, người đàn tranh, mõ… hai tiết mục đã tạo nên không khí giao thoa vui tươi, ấm áp cùng sự thăng hoa của nghệ sĩ, đem đến người xem cảm giác mãn nhãn. Tiết mục như một lời chào đầy ấn tượng mà những người con yêu quý giá trị văn hóa truyền thống Thủ đô muốn gửi gắm đến chương trình Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024 cũng như người dân cố đô, du khach trong nước và quốc tế.
Tuần lễ Áo dài đã diễn ra rất nhiều những sự kiện tiêu biểu như: Khai mạc triển lãm mỹ thuật “Nét đẹp áo dài Huế; không gian thực nghiệm nghề may; tọa đàm và giới thiệu sách “Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại”; chương trình chợ quê ngày hội tại cầu Ngói - Thanh Toàn; chương trình áo dài “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”; triển lãm ảnh: Áo dài đương đại 3 miền hội tụ; Carnivai áo dài xuống phố- Rực rỡ sắc hè…, đã khiến du khách và người dân vô cùng hào hứng, thích thú với hoạt động của các làng nghề và loại hình nghệ thuật truyền thống trong khuân khổ tuần lễ.
Bên cạnh sức hút của các nghệ nhân làng nghề truyền thống, cũng tại sân khấu, các tiết mục ca trù, hát văn, ca Huế, đờn ca tải tử, hát xẩm… cũng gây ấn tượng mạnh với du khách, khi được gặp gỡ trực tiếp các nghệ sĩ đến từ 3 miền của Tổ quốc với các tiết mục đặc sắc. Chính những điệu hát này đã gắn kết mọi người, cùng quảng bá những nét độc đáo của văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Là người nặng lòng và có nhiều đóng góp cho sự trở lại của áo dài, tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Trước xu thế toàn cầu hóa, hầu hết các quốc gia dân tộc đều tìm cách bảo vệ các giá trị truyền thống, để khi hòa nhập không bị hòa tan. Câu chuyện phục hồi chiếc áo dài truyền thống được khởi xướng từ Huế đang có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với cộng đồng, trong đời sống, nhất là trong giới trẻ, là một thành công rực rỡ đối với những nỗ lực của chúng tôi. Sự phục hưng của áo dài truyền thống đồng nghĩa với việc di sản này đã có được sức sống mới và sẽ ngày càng tỏa sáng trong xã hội đương đại, mà thực chất là quá trình đưa di sản trở thành tài sản phục vụ cộng đồng. Vì vậy, bằng mọi nguồn lực, chúng tôi đã và đang nỗ lực quảng bá, giới thiệu để cộng đồng hiểu đúng về di sản, để có sự trân trọng, ý thức để giữ gìn, phát triển, nâng cao giá trị di sản”.
Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024 với rất nhiều hoạt động sôi nổi dành cho cộng đồng người dân Thừa Thiên Huế và du khách đã khép lại với nhiều dư âm đẹp. Trong đó những nghệ sĩ đến từ Hà Nội, đã mang hồn cốt của Thăng Long hòa vào dòng chảy văn hóa của các vùng miền, cùng nhiều loại hình diễn xướng dân gian thăng hoa tỏa sáng tạo nên những xúc cảm thú vị cho mỗi du khách khi được trải nghiệm và cảm nhận chiều sâu giá trị và vẻ đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hanh-trinh-di-san-ha-noi-hue-sai-gon-386284.html