Hành trình điều tra tội ác của một 'nữ hoàng lừa đảo' Hollywood
Trong một cuốn sách mới đầy tình tiết gay cấn, nhà văn Scott C Johnson đã xé bỏ nhiều lớp dối lừa trong câu chuyện về một kẻ lừa đảo đã càn quét ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ.
Nhiều năm trước đây, có một số tin nhắn giống hạt bụi rơi vào hộp thư của các nhà quay phim, diễn viên, nghệ sĩ trang điểm hay nhân viên an ninh. Những bức thư điện tử này đến từ địa chỉ email của những nữ giám đốc điều hành hàng đầu của Hollywood. Thông thường, họ sẽ liên lạc thông qua nhiều lớp trợ lý và chỉ gửi mail trực tiếp như vậy trong một trường hợp - họ bị mạo danh.
Những bức thư nêu chi tiết các cơ hội làm việc đã được chỉnh sửa hoàn hảo để phù hợp với sở thích và sơ yếu lý lịch của người nhận. Đáng chú ý, đối tượng nhận thư hầu hết là nam giới trẻ tuổi và đang phải vật lộn để có chỗ đứng trong ngành.
Theo sau email là các cuộc gọi Skype và người gọi được giới thiệu là một nhân vật lớn trong ngành nhưng nhất quyết sử dụng cài đặt tắt máy ảnh “vì bảo mật”. Kẻ mạo danh đã khoác lên nhiều cái tên lớn như Amy Pascal, Wendi Murdoch, Megan Ellison, hoặc bất kỳ phụ nữ hạng A nào để ký kết thỏa thuận với đối tượng bị nhắm tới. Sau khi hai bên nhất trí, những người bị lừa sẽ đặt một chuyến bay tới Indonesia. Tại đây, họ được hướng dẫn tìm kiếm các địa điểm, tìm cảm hứng và phải trả tiền mặt cho các dịch vụ như phiên dịch và tài xế. Họ được hứa sẽ nhận khoản tiền hoàn trả thông qua chuyển khoản ngân hàng.
Kẻ lợi dụng sự mơ mộng về Hollywood
Đến năm 2018, cựu phóng viên của tờ Hollywood Reporter Scott C Johnson đã hé lộ câu chuyện về "nữ hoàng lừa đảo" này và mạng lưới lừa đảo tinh vi. Trong cuốn sách mới The Con Queen of Hollywood: The Hunt for a Evil Genius, Johnson đi sâu hơn vào câu chuyện về một “tên tội phạm liên tục học hỏi các mánh khóe và quyết liệt khi phạm tội”, phỏng vấn các nạn nhân, tìm hiểu thông tin từ một điều tra viên xuất sắc và cuối cùng là lời nói của nữ hoàng lừa đảo này.
"Nữ hoàng lừa đảo" này hóa ra là đàn ông, được xác định là Hargobind “Harvey” Tahilramani - sinh ra ở Indonesia, học ở Mỹ nhưng sống ở Anh. Tên này có lớp vỏ bọc là người có ảnh hưởng trong giới ẩm thực trên Instagram, trong khi mục tiêu chính là theo đuổi các nạn nhân vì kế hoạch có tiền cho giấc mơ Hollywood.
Xưa nay Hollywood nổi tiếng là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ mộng mơ và mất kết nối với thế giới. Tác giả Johnson chia sẻ: “Toàn bộ ngành công nghiệp này được xây dựng dựa trên ảo tưởng rằng bất kỳ ai cũng có thể đến Los Angeles. Và với sự gan góc, quyết tâm và một chút may mắn, đây là nơi mà những điều khó xảy ra nhất có thể xảy ra. Đối với những người chưa thành công, có một số kẻ xấu đang ‘bán hàng giả’ khi gieo cho họ cách biến ước mơ thành hiện thực.”
Anh hùng trong cuốn sách của ông là Nicole Kotsianas, nhà điều tra tư nhân ở New Jersey, người chắc chắn rằng những chuyến đi vô ích đến Indonesia phải có một điều gì đó lớn hơn. Nữ thám tử đã dành nhiều năm để thu thập các câu chuyện, nghiên cứu dấu vân tay điện tử và rất nhiều tài khoản tài chính. Nicole đã xác định được danh tính của nghi phạm là một người đàn ông Indonesia dù tên này đã thông qua hàng loạt lớp vỏ và làm đủ mọi cách để không để lại dấu vết nào trên không gian mạng. Tên này thậm chí đã liên lạc với 436 người và nhận email từ các địa chỉ trên cả 6 lục địa.
Tổng thiệt hại tài chính ước tính là 1,5 triệu USD, một con số tương đối nhỏ khi xét đến số người mà Harvey tìm thấy bị thiệt hại lên tới hàng trăm người. Johnson nói: “Bạn có thể tìm thấy rất nhiều vụ lừa đảo với tổng số tiền lên tới hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD. Trong trường hợp này, rõ ràng ngay từ đầu vấn đề không phải là tiền. Câu hỏi sau đó là: vụ lừa đảo này là để làm gì?”.
Hành trình lớn của một nhà báo điều tra
Theo như Johnson tìm hiểu, Harvey có lịch sử phạm tội tương đối dài. Tên này từng ngồi tù vì gọi điện đe dọa đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Indonesia và ngay cả khi là một blogger ẩm thực, tên này cũng có nhiều tiếng xấu. Chuỗi nhà hàng Yotam Ottolenghi đã cấm tên này đến tất cả cơ sở ăn uống của họ.
Johnson cũng tìm hiểu mối quan hệ với em gái bị ghẻ lạnh của nghi phạm. Cô gái này đã gọi anh mình là "quái vật" và kể chi tiết về lịch sử lạm dụng, tàn ác, lừa dối trong suốt thời gian dài. Thuyết phục em gái của nghi phạm mở lòng là một kỳ tích đối với một nhà báo điều tra. Tuy nhiên, hành trình khó khăn hơn là tự mình theo dõi nghi phạm.
Vào thời kỳ đỉnh điểm của dịch Covid-19, sau khi nghi phạm đã hủy tài khoản Instagram dành cho giới sành ăn Purebytes của mình, Johnson biết được một người phụ nữ trên Instagram chia sẻ rằng sẽ thực hiện một chương trình trực tuyến Instagram Live với người chủ của kênh Purebytes.
Ông đã làm việc với một người bạn tại Anh và tìm cách di chuyển vào một khu căn hộ ở Manchester và xác định chính xác vị trí của nghi phạm ở tầng nào.
Ông tìm gặp nghi phạm và muốn nghi phạm kể lại câu chuyện của mình. Cuối cùng Johnson đã có được điều mình muốn và mang lại những chi tiết đắt giá cho cuốn sách của ông. Nói chuyện với nghi phạm qua điện thoại, người bị nhiều người tin là một kẻ tâm thần, không phải dễ dàng và rất mệt mỏi. Johnson viết: “Đôi khi tôi cảm thấy đau đớn và đồng cảm về những tiết lộ đáng kinh ngạc cứ hiện ra nhưng đây là một mê cung dối trá không bao giờ kết thúc".
Chuỗi cuộc gọi giữa nghi phạm và Johnson kết thúc đột ngột khi tên này bị bắt ở Anh. Tên này cũng có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ, nơi tên này phải đối mặt với tám cáo buộc. Tác giả Johnson cũng đang hy vọng quá trình này sẽ có bước tiến mới.