Hành trình định vị thương hiệu ''Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành'' (Kỳ 1)

TIN LIÊN QUAN

Hành trình định vị thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" (Kỳ 2)

LTS: “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” - thương hiệu chung dùng để quảng bá nông sản, đặc biệt là rau, hoa, cà phê, du lịch canh nông… với “sứ mệnh” mang những điều kỳ diệu của xứ sở Đà Lạt đến thế giới. Câu chuyện xây dựng thương hiệu “chạm” vào giấc mơ vựa rau hoa của châu Á mà Lâm Đồng đã nỗ lực thực hiện là cả một quy trình “kết tinh” từ khâu sản xuất đến công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến sản phẩm và logistic.

Thăng hạng từ xúc tiến, quảng bá sản phẩm

Xây dựng thương hiệu là hành trình luôn bắt đầu mà không có kết thúc. Một thương hiệu mạnh là kết quả của quá trình nỗ lực thực hiện để cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ... Ý thức về vấn đề này, việc xây dựng thương hiệu địa danh, thương hiệu ngành và sản phẩm, vận dụng thương hiệu chứng nhận tập thể… bước đầu đã mang lại những thành công tích cực cả về kinh tế và nhận thức cộng đồng cũng như vai trò của lãnh đạo, tính chuyên nghiệp của địa phương.

Quảng bá các sản phẩm, chủ động xúc tiến thương mại là chiến lược giúp tăng giá trị thương hiệu. Ảnh: D.Thương

Quảng bá các sản phẩm, chủ động xúc tiến thương mại là chiến lược giúp tăng giá trị thương hiệu. Ảnh: D.Thương

Tìm ra “điểm nghẽn”

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, rau, quả giảm 5,8%; gạo giảm 7,8%… Nguyên nhân chính là các quốc gia nhập khẩu hàng nông sản ngày một gia tăng các giải pháp bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật khắt khe. Không những thế, phần lớn nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, công nghệ chế biến sau thu hoạch còn kém. Đặc biệt, sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam chưa được người tiêu dùng nước ngoài biết đến do hầu hết được xuất khẩu qua doanh nghiệp (DN) trung gian và dưới các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.

Chưa có thương hiệu được xem là trở ngại lớn trong xuất khẩu không chỉ của nông sản mà còn là tình trạng chung của hàng hóa Việt. Cũng nằm trong tình hình chung này, “điểm nghẽn” đối với các sản phẩm đặc thù của Lâm Đồng cũng đã sớm được phân tích và tìm ra, từ đó có chiến lược cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm là điểm mấu chốt xây dựng thương hiệu, giá trị thương hiệu của sản phẩm và DN Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng phân tích: Khi xây dựng thương hiệu độc quyền dùng chung cho các sản phẩm đặc thù, thế mạnh của Lâm Đồng là “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, Lâm Đồng không chỉ từng bước tạo chỗ đứng cho thương hiệu trong người tiêu dùng nội địa mà còn mang tầm quốc tế, bắt kịp các xu hướng của thế giới để tăng kim ngạch xuất khẩu. Vẫn biết để đạt được mục tiêu này, lộ trình thực hiện phải được xây dựng kỹ càng, cụ thể. Sau 2 năm triển khai, các tổ chức, đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh được cấp thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã tiếp tục phát huy năng lực cạnh tranh trên thị trường với nhiều kết quả rất khả quan.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết: Hiện đã cấp 203 chứng nhận sản phẩm hoa, 32 chứng nhận sản phẩm rau, 14 chứng nhận cà phê Arabica và 1 chứng nhận du lịch canh nông. Thời gian cấp chứng nhận cũng được thẩm định chặt chẽ nhưng nhanh gọn, tạo điều kiện hỗ trợ DN, kể từ tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, đơn vị, cá nhân là 7 ngày ở Đà Lạt và 10 ngày ở 4 huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Tiếp tục phát triển thương hiệu, mục tiêu đến cuối năm 2019, Phòng Kinh tế Đà Lạt sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, Hội Nông dân các cấp và chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn thủ tục cấp mới cho trên 200 chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Như vậy, Lâm Đồng sớm nhận thức và giải quyết được vấn đề thương hiệu, bảo hộ thương hiệu, nâng cao giá trị thương hiệu, đấy cũng là đã giải quyết được “điểm nghẽn” mà nông sản Việt Nam vẫn đang rất lúng túng.

Quảng bá các sản phẩm, chủ động xúc tiến thương mại là chiến lược giúp tăng giá trị thương hiệu. Ảnh: D.Thương

Quảng bá các sản phẩm, chủ động xúc tiến thương mại là chiến lược giúp tăng giá trị thương hiệu. Ảnh: D.Thương

Thăng hạng từ chiến lược quảng bá

Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, từng DN phải tham gia những sân chơi có tính cạnh tranh mạnh mẽ và khốc liệt hơn; xây dựng, gìn giữ, phát triển thương hiệu là việc không thể không đặt ra và phải mang tính chiến lược. Với tầm nhìn đó, tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước trong công tác xúc tiến, quảng bá thương hiệu.

Tuần lễ nông sản và giới thiệu thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội đã nhận định: Lâm Đồng là địa phương đầu tiên xây dựng một thương hiệu rất chuyên nghiệp cho các sản phẩm đặc thù của mình, là điểm đáng để học hỏi. Đã có thương hiệu rõ ràng rồi thì công tác xúc tiến, quảng bá cũng quan trọng không kém. Sản phẩm được giới thiệu và trưng bày trong tuần lễ của Lâm Đồng là những sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ giấy tờ chứng nhận về chất lượng sản phẩm do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Đây chính là sự khác biệt, chuyên nghiệp mà các sản phẩm của Lâm Đồng ghi điểm trong quá trình cạnh tranh, thay đổi thói quen tiêu dùng cho thị trường trong nước.

Hay tại Hội nghị Xúc tiến thương mại, kết nối DN tỉnh Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 7/2019 vừa qua đã mở ra cho các DN rất nhiều cơ hội, kết nối. Không chỉ là các biên bản ghi nhớ hợp tác được các DN hai bên ký kết hợp tác, mà cũng từ những hội thảo như vậy, các sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng được nhiều DN, người tiêu dùng biết đến, dễ dàng tìm hiểu hơn, thương hiệu được củng cố hơn. Một chương trình thực tế trong mỗi kỳ xúc tiến luôn được các DN trông đợi nhất đó là việc tỉnh đã chủ động làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại uy tín để đưa các DN của mình đến giới thiệu sản phẩm.

Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: TP Hồ Chí Minh và khu vực miền Nam được coi là thị trường mục tiêu của Lâm Đồng với hơn 70% các sản phẩm nông sản được tiêu thụ tại đây. Hiện, dân số TP đạt khoảng 9,5 triệu người, nếu tính cả người nhập cư, khách vãng lai sẽ lên tới 13-14 triệu người, còn khu kinh tế trọng điểm phía Nam với sức mua trên 20 triệu người và đầu mối vươn ra thị trường châu Á. Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh đã biết đến thương hiệu Đà Lạt, Lâm Đồng, việc kết nối giao thương Lâm Đồng - TP Hồ Chí Minh sẽ là cơ hội khẳng định thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” là dịp để các DN hai địa phương gặp gỡ, trao đổi nhu cầu cung - cầu trực tiếp, từ đó tăng sản phẩm hàng hóa Lâm Đồng tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và ngược lại.

Hay mới đây nhất, vào đầu tháng 11/2019, tại TP Đà Nẵng, Sở Công thương Đà Nẵng phối hợp với Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội Hoa Đà Lạt tổ chức hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ liên kết, phân phối sản phẩm hoa Lâm Đồng”. Ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt chia sẻ: Thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” giúp hoa Đà Lạt có thế mạnh về xuất khẩu. Hoa tươi là một trong những mặt hàng chủ lực của Lâm Đồng với khoảng hơn 8.000 ha hoa đang canh tác, sản lượng hoa toàn tỉnh đạt hơn 3 tỉ cành/năm. Trong đó, TP Đà Lạt chiếm gần 66% diện tích và 70% sản lượng hoa của tỉnh. Mặt khác, 90% hoa tươi Lâm Đồng được tiêu thị ở thị trường trong nước, khoảng 70% trong số đó tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, thị trường miền Bắc và miền Trung chỉ chiếm khoảng 30%.

Ngoài thị trường trong nước, 10% hoa tươi Lâm Đồng được xuất khẩu đi nhiều thị trường tại châu Á và khối EU. Kim ngạch xuất khẩu hoa năm 2019 ước đạt 48,8 triệu USD, chiếm khoảng 5-7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho hay: Với quan điểm là chủ động, không chờ người tiêu dùng tìm đến mà tỉnh luôn hướng đến tìm kiếm các cơ hội, thị trường mới cho DN tiếp cận. Chủ động tiếp cận là cách làm đã mang lại rất nhiều cơ hội cho các DN của tỉnh, từ các hội nghị giao thương, kết nối với khắp các địa phương toàn quốc, các sản phẩm của Lâm Đồng đã khẳng định được chỗ đứng, thương hiệu cũng ngày càng thăng hạng giá trị. Không chỉ trong nước, hàng năm, tỉnh cũng đưa DN ra các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Nga… và thu được rất nhiều kết quả tốt, sản phẩm Lâm Đồng cùng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Lâm Đồng Đinh Minh Quý: Trong 2 năm trở lại đây, các DN Lâm Đồng đã có bước tiến rất lớn mà có thể thấy rõ bằng trực quan. Thương hiệu cấp cho du lịch canh nông đã đưa du lịch lên tầng nấc mới, các điểm canh nông đang xuất hiện ngày càng nhiều, quy mô lớn tại TP Đà Lạt, làm mới sản phẩm và thu hút du khách không chỉ những dịp lễ mà Đà Lạt bây giờ ngày thường vẫn rất đông khách. Còn sản phẩm rau, hoa, cà phê của Lâm Đồng không chỉ có mặt ở khắp 63 tỉnh, thành, các siêu thị, kênh phân phối, thương mại điện tử mà người ta còn biết đến cà phê Cầu Đất - Đà Lạt từ chuỗi cà phê nổi tiếng toàn cầu Starbuks, hoa Đà Lạt, rau Đà Lạt, nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt đang vào hàng top đầu của khu vực châu Á. Đó là những thành công bước đầu trong định vị thương hiệu của Lâm Đồng.

(CÒN NỮA)

DIỄM THƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201911/hanh-trinh-dinh-vi-thuong-hieu-da-lat-ket-tinh-ky-dieu-tu-dat-lanh-ky-1-2974000/