Hành trình định vị thương hiệu 'Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành' (Kỳ 2)

TIN LIÊN QUAN

Hành trình định vị thương hiệu ''Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành'' (Kỳ 1)

Bảo hộ địa lý - giấc mơ trong tầm tay

Chứng nhận bảo hộ địa lý như một lợi thế để phát triển trên thị trường quốc tế. Vì vậy, các doanh nghiệp Lâm Đồng cũng đặt nhiều niềm tin vào thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” khi được định vị trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu.

Hoa Đà Lạt có giá trị xuất khẩu ngày càng tăng nhờ bảo hộ thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Ảnh: D.Thương

Hoa Đà Lạt có giá trị xuất khẩu ngày càng tăng nhờ bảo hộ thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Ảnh: D.Thương

Xây dựng từ nội lực

Ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết: Hiện trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia triển khai chương trình thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Tại Việt Nam, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng ở cấp độ doanh nghiệp (DN) mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Từ năm 2003, Chính phủ đã triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và giao Bộ Công thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai. Đây là chương trình duy nhất của Chính phủ được triển khai với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.

Được biết, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, với gợi ý mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Nội dung của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của DN với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, du khách, nhà đầu tư, người lao động, người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế. Đề án cũng nêu lên cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, xã hội, DN và cá nhân liên quan trong việc thực hiện Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” có thể là câu nói phù hợp cho thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” vào thời điểm này khi các xu thế cạnh tranh cấp địa phương, ngành hàng hay cả quốc gia đang diễn ra sôi động. Cùng việc Chính phủ triển khai đề án hỗ trợ phát triển thương hiệu thì với nền tảng mà tỉnh đã sớm xây dựng được, phù hợp với chiến lược quốc gia, thực tiễn với chính địa phương và rất khả quan để phát triển thương hiệu sẽ là cơ hội tháo gỡ “điểm nghẽn” đối với các thương hiệu ngành, địa phương.

“Thực tế cho thấy việc xây dựng, phát triển nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả thiết thực cho địa phương và tổ chức sản xuất - kinh doanh, thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên.

Đây chính là “chìa khóa vàng” để gia tăng thương hiệu sản phẩm, là “công cụ” quan trọng giúp ổn định chất lượng, xây dựng thương hiệu bằng chính chất lượng sản phẩm, thay đổi tư duy của DN trong ý thức bảo vệ thương hiệu cũng như trách nhiệm đối với thương hiệu được cấp. Một vấn đề mà tỉnh đang rất quan tâm và tìm cách hỗ trợ DN là vấn đề về logistics.

Tuy Lâm Đồng có nhiều bước tiến vượt bậc trong việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý nhưng trên thực tế, nhiều tổ chức, DN chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, số lượng đăng ký chưa nhiều. Giải pháp giữ gìn, phát triển, bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý được tỉnh triển khai như: Hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cũng như từng sản phẩm; lồng ghép việc xây dựng thương hiệu sản phẩm với các chương trình, kế hoạch của ngành, địa phương, các chương trình của Trung ương thực hiện trên địa bàn. Trước hết, đó là các chương trình khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN về khoa học và công nghệ, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ thành lập các hiệp hội, ngành hàng… để phát triển thương hiệu. Tăng cường trách nhiệm của các chủ nhãn hiệu, đẩy mạnh đầu tư xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển nhằm tăng số lượng DN tham gia; đổi mới công nghệ và quản lý nhằm nâng cao uy tín, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; có biện pháp bảo vệ, chống gian lận thương mại, xâm phạm nhãn hiệu đã được chứng nhận. Chú trọng, nâng cao vai trò quản lý, hỗ trợ của chính quyền các cấp; tạo sự phối hợp, liên kết đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, chủ nhãn hiệu và các cơ quan khoa học, kỹ thuật, thương mại… trong phát triển chứng nhận nhãn hiệu.

Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã điểm lại hành trình xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” như sau: Dự án Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp được Tổ chức JICA, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp thực hiện từ tháng 4/2014 đã nghiên cứu, đánh giá hiện trạng ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, xác định những “điểm nghẽn”, đồng thời đề xuất các mục tiêu, định hướng chiến lược cho ngành Nông nghiệp của tỉnh. Dự án xác định 4 mục tiêu cần hướng tới, đó là: Xây dựng thương hiệu số một Việt Nam; xây dựng cụm sản xuất rau, hoa số một Đông Nam Á; xây dựng điểm du lịch nông nghiệp số một Việt Nam; hình thành trung tâm đào tạo nhân lực và nghiên cứu nông nghiệp chủ lực tại Tây Nguyên. Để đạt được các mục tiêu đó, tỉnh Lâm Đồng đã xác định cần thực hiện nhiều bước chiến lược, trong đó bước chiến lược tăng cường hoạt động xây dựng thương hiệu được đánh giá quan trọng và việc thực hiện xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” là bước khởi đầu.

Nông sản, sản phẩm không còn là sản phẩm thô mà cần có tính văn hóa, cảm xúc, hình ảnh. Do vậy, điều đầu tiên DN phải tự hào và tự tin về sản phẩm, về vùng đất tạo ra sản phẩm, quy trình thành phẩm, những câu chuyện đằng sau thương hiệu để tạo nên sự khác biệt, thu hút người tiêu dùng. Theo ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng cho rằng: Ở góc độ DN, một thương hiệu mạnh là kết quả của một chiến lược toàn diện, từ chất lượng sản phẩm, công tác quản trị đến con người. Cho nên các DN Lâm Đồng vẫn luôn ý thức xây dựng giá trị thương hiệu từ yếu tố sản phẩm đến con người. Cộng đồng DN vẫn luôn tin vào hướng đi đúng đắn mà tỉnh đã và đang vạch ra, hỗ trợ, đưa DN hội nhập.

Thương hiệu không chỉ là câu chuyện của hiện tại mà còn là của quá khứ và tương lai. Nền tảng tốt tạo nên thương hiệu mạnh, mang tính bền vững sẽ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hành trình xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” vẫn đang tiếp tục và cần nhiều giải pháp, nỗ lực thiết thực hơn nữa của cả chính quyền, DN và người dân. Sẽ không còn quá xa khi thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được bảo hộ địa lý trên bản đồ quốc tế, tấm vé thông hành tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương.

DIỄM THƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201911/hanh-trinh-dinh-vi-thuong-hieu-da-lat-ket-tinh-ky-dieu-tu-dat-lanh-ky-2-2974399/