Hành trình Đỏ tại Lạng Sơn: Số lượng máu tiếp nhận cao hơn dự kiến
Mặc dù được giao chỉ tiêu thu được 1.200 đơn vị máu, nhưng trong ba ngày diễn ra Hành trình Đỏ tại Lạng Sơn, chương trình đã thu được 1.638 đơn vị máu, cao hơn so với dự kiến.
Năm nay, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã chọn việc đưa Hành trình Đỏ về nhiều huyện để hiến máu gần hơn với mỗi người dân. Chuỗi hoạt động Hành trình Đỏ tại Lạng Sơn đã được diễn ra liên tục từ ngày 29-6 đến ngày 1-7, đã thu được gần 680 đơn vị máu tại hai huyện Chi Lăng và Cao Lộc. Tại ngày hội chính "Giọt hồng xứ Lạng" diễn ra ở TP Lạng Sơn sáng nay, Ban Tổ chức đặt ra mục tiêu sẽ tiếp nhận được 800 đơn vị máu, nhưng có thể con số này sẽ tăng cao hơn khi số lượng người đăng ký tham gia hiến máu đã lên tới một nghìn người.
TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đánh giá rất cao sự ủng hộ và vào cuộc của Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Lạng Sơn trong việc tổ chức các sự kiện hiến máu lớn như Chủ Nhật Đỏ, Lễ hội Xuân hồng và Hành trình Đỏ. Năm nay, Lạng Sơn phấn đấu đạt chỉ tiêu 2% dân số của tỉnh tham gia hiến máu mỗi năm.
Tất cả những đơn vị máu thu được đều được đưa về xử lý tập trung tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, và sau đó được cung cấp trở lại cho các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn với các chế phẩm máu có chất lượng như: khối hồng cầu, khối tiểu cầu, huyết tương.
“Sự phối hợp chặt chẽ giữa viện với tỉnh Lạng Sơn đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho những bệnh nhân, nạn nhân cần máu tại Lạng Sơn, đặc biệt vào những thời điểm dịp Tết, dịp hè khan hiến máu”, TS Khánh nói.
Trong những ngày vừa qua, hoạt động tuyên truyền, cổ động tại huyện Cao Lộc, Chi Lăng hay tại thành phố Lạng Sơn đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, bà con các dân tộc tại tỉnh. Các tình nguyện viên từ Hà Nội và của Lạng Sơn đã có mặt tại năm xã của huyện Chi Lăng là Vân An, Hữu Kiên, Bằng Mạc, Bắc Thủy và Y Tịch để đưa thông tin hiến máu đến từng nhà dân.
Tình nguyện viên Phạm Thanh Tuyền chia sẻ: "Tham gia vận động hiến máu được gần một năm, nhưng chưa bao giờ em thấy tuyên truyền, vận động hiến máu lại khó khăn như lúc này. Về đến từng thôn, khoảng cách giữ các nhà cách xa nhau, quãng đường di chuyển nhiều đồi núi khiến việc đi lại rất phức tạp, khi tới được nhà dân trong nhà chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, người trong độ tuổi hiến máu đều đi lao động, khi đó chúng em chia sẻ thông tin tới bà con, mọi người hiểu và đồng ý sẽ thông tin cho con cái, họ hàng và người quen tới tham gia hiến máu".
Anh Trịnh Xuân Đảm (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn) đã có 14 lần tham gia hiến máu cho biết, mỗi lần tỉnh phát động hiến máu tình nguyện, anh và chị, em gái anh cũng đều đăng ký tham gia. Năm 2018, anh là đại biểu duy nhất của Lạng Sơn được tôn vinh tại chương trình 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc.
Từng chăm em gái, chăm bố tại bệnh viện, anh Đảm thấy nhiều hoàn cảnh người bệnh cần nguồn máu hiến trong khi khả năng kinh tế khó khăn. Đặc biệt, năm 2010, khi một người vợ của anh bạn thân làm cùng cơ quan bị vỡ tử cung khi đang mang thai 5 tháng, chửa trên vết mổ cũ, anh Đảm đang công tác tại huyện Bình Gia đã vượt đường hơn 100km về TP Lạng Sơn hiến máu khẩn cấp. “Bạn mình lúc đó huy động cả cơ quan gần 70 người đi xét nghiệm xem có phù hợp hiến máu cứu vợ nhưng không có ai phù hợp. Lúc ấy chẳng quản ngại xa xôi, tôi đã lên đường ngay về Lạng Sơn, hiến khoảng ba bịch máu”, anh Đảm kể.
Nâng cao nhận thức về bệnh thalassemia
Theo TS Khánh, Hành trình Đỏ ngoài việc tuyên truyền và kêu gọi mọi người hiến máu, còn thực hiện việc truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh, căn bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, đến chất lượng dân số.
Bệnh tan máu bẩm sinh liên quan tới việc di truyền gen lặn, người mang gen là những người khỏe mạnh bình thường nhưng không biết mình mang gen bệnh. Do đó, đã có hàng vạn gia đình sinh ra những trẻ bị bệnh hay mang gen bệnh và có thể tiếp tục truyền gen bệnh cho thế hệ sau.
“Theo khảo sát của chúng tôi, khoảng 13% người dân nước ta mang gen bệnh này. Tại các tỉnh miền núi, tỷ lệ người dân mang gen bệnh còn cao hơn nữa như: ở dân tộc Tày là 26,1%, dân tộc Dao là 25,5%, hay dân tộc Nùng là 24,7%. Biện pháp đơn giản đó là vận động những bạn trẻ chủ động khám và xét nghiệm sàng lọc bệnh này trước khi kết hôn. Và Hành trình Đỏ chỉ nhóm lên một phần rất nhỏ, tạo sự quan tâm của các nhà quản lý, của cộng đồng tới việc phòng tránh căn bệnh này”, TS Khánh cho hay.
Trong chuỗi Hành trình Đỏ tại Lạng Sơn, ngày 30-6, Ban Tổ chức Hành trình Đỏ đã đến thăm, gặp mặt và tặng quà cho 10 bệnh nhân tan máu bẩm sinh tại huyện Chi Lăng.