Hành trình đón Tết mang đến nhiều hân hoan, năng lượng tích cực...

Đó là chia sẻ của nhà báo Hoàng Mỹ Hạnh, Báo Nhân Dân. Khi cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra cũng là lúc Hoàng Mỹ Hạnh chuẩn bị lên đường đi du lịch Ấn Độ để tận hưởng kỳ nghỉ Tết Dương lịch.

Với một nữ nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa - du lịch thì Tết luôn là dịp để được đi đây đó, được đón Xuân một cách bình tĩnh và đúng nghĩa… vừa làm vừa chơi! Những điều “mắt thấy, tai nghe” luôn thôi thúc Mỹ Hạnh lan tỏa tới từng bài báo. Những bức ảnh đẹp, những câu chuyện hay trên hành trình “đón Tết” cũng tiếp thêm cho chị năng lượng tích cực.

Thư giãn, chữa lành và nuôi hy vọng cho một năm mới

+ Không phải tự nhiên mà gần đây có khá nhiều quan điểm khác nhau về Tết. Có người cho rằng, Tết là để trở về, có người nghĩ Tết là để lên đường, để đi, để tìm kiếm nguồn năng lượng mới… Với Hoàng Mỹ Hạnh thì sao?

- Tết là để trở về quả thực không sai với những người ít có thời gian dành cho gia đình, kể cả những người sống gần gia đình nhưng với công việc bận rộn thì tết vẫn sẽ là thời điểm để đoàn viên, sum họp bên người thân. Còn đối với những người hằng ngày luôn gắn kết, gần gũi với gia đình thì Tết cũng giống như ngày thường chỉ khác là chúng ta có một kỳ nghỉ dài để lên chương trình, kế hoạch phù hợp, chẳng hạn là những chuyến đi, kỳ nghỉ dưỡng…

Những người lựa chọn hướng đi này không có nghĩa là quên mất truyền thống mà thực tế là họ đang lan tỏa và phát huy truyền thống, bản sắc ấy trên hành trình rong ruổi của mình. Quan điểm từ xa xưa của người Á Đông thì Tết về là khởi đầu tốt đẹp cho cả một năm, là mở ra hy vọng cho năm mới “thuận buồm xuôi gió”. Tết đi đâu không quan trọng, quan trọng là đi với ai. Tôi luôn cố gắng để đồng hành với những người thân của mình, vừa đi vừa đón Tết cùng gia đình. Chẳng hạn như mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi sẽ luôn có kế hoạch trước cho những ngày nghỉ, có thể là chuyến về thăm quê, chuyến đi các vùng miền yêu thích và thậm chí cả những chuyến công tác cũng là lúc cần phải bắt đầu rồi.

 Nhà báo Hoàng Mỹ Hạnh- Báo Nhân Dân.

Nhà báo Hoàng Mỹ Hạnh- Báo Nhân Dân.

+ Là người làm báo lại theo dõi lĩnh vực văn hóa du lịch, có cơ hội “đi, đọc, ngẫm, viết” nhiều thì chắc hẳn cảm nhận về Tết cũng có phần khác biệt, thưa nhà báo?

- Tôi đã từng có giai đoạn cảm thấy Tết vô vị, không có cảm xúc hào hứng vào ngày Tết, tuy nhiên, khi tôi bước chân vào nghề báo, được đi, được nhìn, được gặp nhiều người thì đối với tôi, Tết vẫn là một giá trị trường tồn. Mừng Tết, ăn Tết, chơi Tết như thế nào là do quan điểm, lối sống của từng người. Tết với tôi là khoảng thời gian để thư giãn, chữa lành những vấn đề trong năm đã qua và nuôi những hy vọng, ước mơ cho một năm mới. Điều quan trọng nhất là mình thực hiện được chuyến đi như đã định, gặp những người mới thú vị... Có những người gặp trên đường một cách vu vơ nhưng đã trở thành bạn bè sau này, có những người đồng nghiệp không làm chung một lĩnh vực nhưng cùng chung một sở thích, đam mê xê dịch nên rất gắn kết giúp đỡ nhau rất nhiều trong công việc và cuộc sống.

Chơi Tết vẫn… mắc bệnh nghề nghiệp

+ Tết là khởi đầu cho một năm mới, thường người ta sẽ đặt ra những chỉ dấu cho hành trình của mình. Với Hoàng Mỹ Hạnh - những chuyến đi đã đem lại nhiều hứng khởi như thế nào, thưa nhà báo?

- Tôi đã đi rất nhiều vùng miền ở trong nước, có những vùng đất đi rồi còn muốn quay trở lại thêm nữa, có những nơi từng đến và bị cuốn hút vô cùng. Chẳng hạn như trong lĩnh vực du lịch, tôi khá thích mảnh đất Đà Nẵng, Quảng Nam, nơi đây làm du lịch bền vững, là mô hình cho nhiều nơi khác học hỏi. Có chuyến đi, tôi xác định là nghỉ Tết để đi chơi, nhưng khi đến đó rồi, gặp những nhân vật thú vị lại bắt tay vào viết, thậm chí viết nhiều hơn cả những chuyến công tác.

Trong một lần đi chơi ở Hội An, tôi gặp một nhân vật làm du lịch. Anh ấy có các homestay theo kiến trúc bản địa, được làm từ các nguyên liệu như lá dừa, lá cọ, không bê tông hóa, rất mộc mạc và thân thiện với môi trường. Bên cạnh việc làm du lịch, anh ấy còn làm rất nhiều thứ khác cho quê hương như nhặt những thanh gỗ mục trong mỗi lần lũ trôi dạt về cửa sông để thuê các nghệ nhân sáng tạo thành các đồ trang trí như ảnh treo tường, tượng, bát đũa mà không cần đến việc phải khai thác gỗ trong rừng - sản phẩm đơn giản nhưng ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo vệ môi trường, thân thiện với thiên nhiên. Với chuyến đi đó, nhân vật đó, đã tạo ra rất nhiều đề tài, về du lịch, về kiến trúc xanh, về sáng tạo tái chế cho tôi được thỏa sức viết. Quả thực khi gặp một người thú vị, những người làm báo như tôi sẽ có rất nhiều cơ hội để khai thác và lan tỏa những câu chuyện ý nghĩa đến công chúng. Đặc biệt, thông qua các bài viết của tôi, đã có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp hướng công việc của mình sang làm du lịch bền vững, tạo ra được cộng đồng hướng tới du lịch xanh.

 Hoàng Mỹ Hạnh luôn cố gắng để đồng hành với những người thân của mình, vừa đi vừa đón Tết cùng gia đình.

Hoàng Mỹ Hạnh luôn cố gắng để đồng hành với những người thân của mình, vừa đi vừa đón Tết cùng gia đình.

+ Vậy rốt cuộc thì chúng ta đang đi chơi Tết hay làm nghề trong Tết, thưa chị? Với người làm báo mỗi dịp Tết không chỉ là lúc để nghỉ ngơi mà còn là cả những hành trình tác nghiệp trên mọi nẻo đường, với chị đó là sức ép hay là sự may mắn của người làm nghề?

- Đúng là nghề nghiệp của mình có tính chất đặc thù nên dường như không có chuyến đi nào mà tôi không viết bài cả. Ngay cả nghỉ tết cũng là lúc tôi không rời bỏ được bài vở của mình dù rằng vẫn luôn có cảm giác thư thái trong những cuộc đi. Đôi lúc do yếu tố khách quan nhưng có cả yếu tố chủ quan của bản thân nữa. Có lần chỉ đi chơi Tết thôi, tôi đăng ảnh lên trang cá nhân, lãnh đạo báo gọi và chỉ đạo làm ngay bài về đề tài đó, thế là bài vở lại ra đời. Khi đi trên đường chỉ cần bắt gặp một cái gì đó, hay khi trò chuyện với những người gặp trên đường đi cũng là tìm ra một ý, hay một khía cạnh mới lạ để khai thác. Thực tế đó cũng là một loại bệnh nghề nghiệp mà ít nhất thì nó làm cho những ngày tết của nhà báo thêm thi vị. Theo tôi, đã làm báo thì không có những ngày nghỉ đúng nghĩa, nếu là có chỉ là những khoảnh khắc, chứ không được tính là kỳ nghỉ như những nghề nghiệp khác. Đó cũng là một niềm vui của nghề báo.

+ Và rồi những câu chuyện nghe - ghi - cảm nhận được trên hành trình đón Tết đã lan tỏa lan tỏa trong từng tác phẩm, thưa nhà báo?

- Đúng vậy. Việc đi du lịch Tết cũng là cơ hội để mình biết về phong tục đón Tết của nhiều vùng miền trên cả nước, trang phục ra sao, có những điểm đặc sắc như thế nào… Đó cũng là một sự mở mang hiểu biết rất lớn, hơn nữa những điều lạ lẫm đó mình còn có thể chia sẻ với bạn bè, với đồng nghiệp hay độc giả. Nếu Tết Nguyên đán của người Kinh, tôi đã từng ăn Tết ở Đà Nẵng, Hội An, nếu là Tết của người dân tộc thì tôi ấn tượng nhất với phong tục tập quán ăn Tết của người Hà Nhì trên A pa chải, họ sẽ ăn Tết trước mấy ngày so với người Kinh.

Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam đã từng có năm tổ chức chương trình tái hiện lại phong tục tập quán Tết Nguyên đán của người Hà Nhì, có cả những mâm cơm ăn Tết, lễ hội cùng các trang phục rất đặc sắc, thu hút rất nhiều du khách…tôi cũng đưa cả gia đình đến để tham quan, để cảm nhận và trải nghiệm thêm. Có lẽ với chúng tôi, câu chuyện về Tết luôn sôi nổi một phần là bởi tính chất công việc của nghề, một phần là do những điều “mắt thấy, tai nghe” sẽ thật ý nghĩa khi chúng ta lan tỏa và trao gửi đến công chúng của mình. Những bức ảnh đẹp, những câu chuyện hay trên hành trình đón Tết chắc chắn sẽ mang đến nhiều hân hoan, nhiều năng lượng tích cực cho chính mình, cho người thân và cho bạn đọc mỗi dịp Tết đến.

+ Xin cảm ơn nữ nhà báo!

Hà Vân – Hòa Giang (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hanh-trinh-don-tet-mang-den-nhieu-han-hoan-nang-luong-tich-cuc-post282358.html