Hành trình đưa vải thổ cẩm của người con gốc Việt ra thế giới

Động lực lớn nhất thôi thúc chị Rachel Nguyen Isenschmid (Trang Nguyễn) trong hành trình đưa thời trang Việt ra thế giới là tình yêu đối với quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc khi là một người con gốc Việt.

Vải thổ cẩm là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống đặc biệt của Việt Nam, với những họa tiết tinh xảo, đa dạng và mang tính văn hóa cao, đây không chỉ là một sản phẩm đẹp mắt mà còn là một biểu tượng của sự đa dạng và sự phong phú văn hóa của đất nước.

Với bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ của mình, người phụ nữ đã dệt nên những tấm vải thổ cẩm mang đậm bản sắc dân tộc, sợi vải cũng được nhuộm thủ công từ các loại rau củ quả trong rừng. Họa tiết trên vải thổ cẩm thường đối xứng nhau tượng trưng cho quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của tự nhiên, quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương,...

Tuy nhiên, những sản phẩm vải thủ công này rất ít được biết đến và chủ yếu được làm thành các bộ váy áo truyền thống hoặc các sản phẩm lưu niệm, khó ứng dụng trong thực tế.

Thắp sáng ước mơ bên khung cửi

Năm 2019, khi thực hiện đề tài nghiên cứu tốt nghiệp Thạc sĩ về chủ đề ứng dụng của thời trang bền vững, chị Rachel Nguyen Isenschmid (Trang Nguyễn) - một người phụ nữ gốc Việt đang sống và làm việc tại Thụy Sĩ đã về Việt Nam để tìm hiểu thông tin và đã tới Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Nhớ lại, chị Trang đã vô cùng háo hức khi nhìn thấy những chiếc khung cửi mà mỗi gia đình dân tộc Thái ở Mai Châu đều sở hữu. Nhưng điều đáng buồn là những khung cửi ấy không còn được sử dụng nhiều nữa, vì khi làm ra sản phẩm dệt tay vừa kỳ công, mất thời gian mà lại khó cạnh tranh với sản phẩm sản xuất hàng loạt.

Những trăn trở ấy đã mang lại cho chị quyết tâm thành lập dự án Empower Women Asia (EWA), trong khuôn khổ chương trình hoạt động từ thiện nhân đạo và môi trường của tổ chức KIBV- Keep It Beautiful Vietnam tại Việt Nam.

Sản phẩm thổ cẩm trong dự án EWM được giới thiệu đến bạn bè quốc tế (Ảnh: Empower Women Asia).

Sản phẩm thổ cẩm trong dự án EWM được giới thiệu đến bạn bè quốc tế (Ảnh: Empower Women Asia).

Khi bắt đầu, bản thân chị Trang hy vọng sẽ đóng góp chút sức lực nhỏ bé để gìn giữ nét văn hóa truyền thống đang có nguy cơ biến mất của các làng dệt truyền thống. Cùng với đó là hy vọng các sản phẩm thủ công được trân trọng và được biết tới. Từ đó tạo ra thu nhập ổn định và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương.

Trong các năm đầu tiên, EWA đã kết hợp với Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam tổ chức cuộc thi về thiết kế sản phẩm sử dụng chất liệu làng nghề, các hoạt động quảng bá sản phẩm tại tuần lễ di sản văn hóa Việt Nam, tuần lễ xanh tại Zurich (Thụy Sĩ).

Tới năm 2021, EWA chính thức đồng hành cùng nhà thiết kế La Phạm - người vốn rất tâm huyết, sáng tạo với các sản phẩm thời trang thổ cẩm. Cũng nhờ "cơ duyên" này, các bộ sưu tập trong dự án đã xuất hiện tại các sàn diễn quốc tế như Un-Dress, Paris Fashion Week, London Fashion Week.

Năm 2022, tại lễ hội bền vững Gwand, Luzern Thụy Sĩ, nhà thiết kế La Phạm cũng mang tới bộ sưu tập thổ cẩm đặc sắc trình diễn dọc hồ Luzern dưới sự chứng kiến của hàng trăm khách du lịch trong và ngoài nước.

Và mới đây, EWA đã cùng La Phạm mang bộ sưu tập Mountain Dream tới sàn diễn thời trang London Fashion Week và Paris Fashion Week với các sản phẩm thời trang mang những họa tiết, hoa văn thổ cẩm núi rừng.

Gìn giữ, bảo tồn làng nghề dệt truyền thống

Dù vậy, để đạt được những kết quả như hiện tại thì chị Trang và EWA đã trải qua không ít những thử thách. Bởi người tiêu dùng trong và ngoài nước thường biết tới sản phẩm thổ cẩm qua các bộ váy áo trang phục đặc trưng của các chị em dân tộc, hay các sản phẩm lưu niệm không có tính ứng dụng cao trong cuộc sống thực tế.

Để thay đổi cách nhìn của công chúng với vải thổ cẩm, thì EWA nhận thấy trước tiên là sự cải tiến trong sản phẩm để được đón nhận dễ dàng hơn. Sau khi đồng hành cùng nhà thiết kế La Phạm, sản phẩm đã được thay đổi bằng các bộ trang phục hiện đại, thời trang giúp không bị nhàm chán và có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Chị Rachel Nguyen - Người sáng lập Empower Women Asia (bên trái) và Nhà thiết kế La Phạm.

Chị Rachel Nguyen - Người sáng lập Empower Women Asia (bên trái) và Nhà thiết kế La Phạm.

Chị Trang tin rằng, sự lan tỏa từ dự án mình đã góp phần trong việc thay đổi nhận thức về sản phẩm vải thổ cẩm được làm ra từ bàn tay các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp các chị em nâng cao năng lực cạnh tranh, thêm thu nhập.

"Khi không còn cơ hội cạnh tranh, những em bé gái lớn lên sẽ không còn hứng thú với nghề dệt, không tự hào về chúng và sẽ có những lựa chọn nghề nghiệp khác. Khi đó, câu chuyện về thổ cẩm, di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số sẽ chỉ còn lại trong quá khứ như một di tích lịch sử và dần đi vào quên lãng", chị Trang nói với Người Đưa Tin.

Chị Trang cũng chia sẻ, những hoa văn, sắc màu trong từng mảnh vải là những câu chuyện tượng hình về quá khứ ông bà tổ tiên, là một vũ trụ thu nhỏ với những hình ảnh từ chim muông, hoa lá, thể hiện trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ dân tộc thiểu số từ nhiều thế hệ trước.

"Chính vì những điều thiêng liêng và giá trị truyền thống văn hóa lâu đời ấy mà việc gìn giữ bảo tồn làng nghề dệt truyền thống là vô cùng quan trọng", chị Trang cho hay.

Niềm tự hào dân tộc khi là một người con gốc Việt

Đến nay dự án đã triển khai được 6 năm, nhìn lại chặng đường đi qua, điều khiến chị Trang tự hào nhất là được cùng các cộng sự của mình cùng đi trên con đường đã lựa chọn và định vị giá trị cho bản thân và cho cộng đồng.

"Mình luôn nói với các bạn làm dự án rằng việc chúng ta có thể làm hôm nay cho cộng đồng có thể còn rất nhỏ, nhưng chúng ta đang nuôi dưỡng một tập thể sau này làm chủ đất nước. Các thành viên trong dự án có thể sau này sẽ có cơ hội làm nhiều điều lớn lao hơn, bởi đã được nuôi dưỡng trái tim hướng tới cộng đồng, được trang bị kiến thức và có tầm nhìn xa về sự phát triển bền vững là gốc rễ để một quốc gia, một tập thể, một cá nhân đạt được sự thịnh vượng", chị Trang bày tỏ.

Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình trong các hoạt động quảng bá lan tỏa thông điệp về hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại làng nghề dệt.

Chị Trang nói rằng, động lực lớn nhất thôi thúc chị trong công cuộc đưa thời trang Việt ra thế giới là tình yêu đối với quê hương, đất nước. Từng học tập, sinh sống và làm việc ở một số nước như Pháp, Mỹ và hiện tại là Thụy Sĩ. Trải nghiệm văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau khiến chị Trang thấy trân trọng hơn nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam và niềm tự hào dân tộc khi là một người con gốc Việt.

"Mỗi người Việt khi lựa chọn cuộc sống xa xứ sẽ có vô vàn lý do. Nhưng tôi tin rằng, kể cả những người hiện chưa có cơ hội để đóng góp cho đất nước, thì một lúc nào đó, dòng máu Lạc hồng và sự khắc khoải thương nhớ về quê hương sẽ thôi thúc họ làm những điều dù nhỏ bé nhất. Bản thân tôi cũng luôn tự nhủ dù có thể những gì mình đang làm chưa thấm vào đâu nhưng tinh thần và tấm lòng hướng về quê hương có lẽ cũng là một sự khởi đầu tốt", chị Trang nói.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hanh-trinh-dua-vai-tho-cam-cua-nguoi-con-goc-viet-ra-the-gioi-204240827112823271.htm