Hành trình đưa Việt Nam thành 'trường quay mở' của châu Á
Trong dòng chảy sôi động của Liên hoan phim Cannes lần thứ 78, nơi hội tụ những tinh hoa điện ảnh đương đại, Việt Nam đã có một bước đi chiến lược để nâng tầm vị thế trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo “Việt Nam - Thị trường năng động châu Á và điểm đến mới cho các đoàn làm phim quốc tế” do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chủ trì tổ chức tại Pháp, đã trở thành điểm nhấn sâu sắc trong chuỗi hoạt động quảng bá du lịch - văn hóa - điện ảnh Việt Nam ra toàn cầu.
Sự cộng hưởng chiến lược giữa Du lịch và Điện ảnh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh khẳng định: “Không chỉ là một điểm đến với những bối cảnh quay phim độc đáo, mới lạ, Việt Nam còn là một thị trường điện ảnh đang phát triển sôi động với nhiều cơ hội hợp tác sản xuất và phát hành”.
Với tiềm năng “kép”, du lịch và điện ảnh không chỉ bổ trợ, mà cộng hưởng tạo nên một diện mạo Việt Nam mới: Hiện đại, quyến rũ, sẵn sàng hội nhập.
Việt Nam là một quốc gia sở hữu “thư viện bối cảnh” độc đáo với rừng nguyên sinh, biển đảo hùng vĩ, hang động kỳ vĩ hay kiến trúc truyền thống đậm dấu ấn lịch sử, đồng thời là mảnh đất tiềm năng cho ngành công nghiệp điện ảnh đang bước vào giai đoạn tăng tốc.
Đây chính là “cặp bài trùng” lý tưởng, nơi có bối cảnh gợi cảm hứng sáng tạo, đi cùng thị trường đang khát khao vươn ra thế giới.
Việt Nam không chỉ đẹp bởi thiên nhiên, mà còn phong phú nhờ bản sắc văn hóa, đời sống cộng đồng, điều mà bất cứ nhà làm phim nào cũng khao khát được chạm tới.
“Con người Việt Nam, với sự lạc quan, lòng hiếu khách và tâm hồn phong phú, luôn là trung tâm của những câu chuyện nhân văn sâu sắc”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ.
Điều đó lý giải vì sao ngày càng nhiều nhà làm phim quốc tế tìm đến Việt Nam để “bắt sóng” những câu chuyện đời thực, đậm tính bản địa nhưng mang chiều sâu toàn cầu.

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan cho rằng Việt Nam đang từng bước trở thành một điểm đến hấp dẫn và cạnh tranh của khu vực châu Á trong lĩnh vực làm phim
Hạ tầng, nhân lực và chính sách - Ba trụ cột hỗ trợ sản xuất
Một bối cảnh đẹp sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu đi hệ sinh thái sản xuất điện ảnh đồng bộ. Hiện nay, Việt Nam đang dần hoàn thiện điều đó. Cơ sở hạ tầng, từ hệ thống giao thông đến cơ sở lưu trú đang được nâng cấp mạnh mẽ, mở ra khả năng tiếp cận thuận lợi đến những vùng bối cảnh nguyên sơ.
Quan trọng không kém, là hệ thống dịch vụ hậu cần, thiết bị kỹ thuật và đặc biệt là đội ngũ làm phim địa phương đông đảo. “Việt Nam có một đội ngũ làm phim trẻ, năng động, nhiệt huyết và được đào tạo bài bản ở nhiều vị trí”, ông Khánh cho biết.
Điều này giúp các đoàn phim quốc tế không chỉ tối ưu chi phí sản xuất, mà còn tăng cường hiệu quả sáng tạo nhờ sự hiểu biết sâu sắc về địa phương, văn hóa, con người.
Chi phí sản xuất cũng là một lợi thế không thể không nhắc đến. Từ nhân lực đến hậu cần, từ ăn ở đến đi lại… tất cả đều cho thấy Việt Nam là một điểm đến lý tưởng để hiện thực hóa những giấc mơ điện ảnh trong khuôn khổ ngân sách tối ưu.
Về chính sách, Việt Nam đang có những chuyển động tích cực. Các thủ tục hành chính đang được cải cách mạnh mẽ.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: “Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ sớm ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các dự án điện ảnh quốc tế”.
Đây là bước đi tất yếu để Việt Nam không chỉ là điểm đến quay phim, mà còn là “ngôi nhà thứ hai” cho các nhà sản xuất toàn cầu.

Các diễn giả đã đánh giá về quy mô, sức bật của thị trường điện ảnh Việt Nam; phân tích những cơ hội và cả những tiềm năng còn bỏ ngỏ trong lĩnh vực sản xuất phim
Hơi thở mới của điện ảnh Việt Nam
Tại Hội thảo, không chỉ nói về tiềm năng “làm nền” cho điện ảnh thế giới, các diễn giả còn khắc họa “nhịp đập” của điện ảnh Việt Nam hiện đại, nơi các đạo diễn trẻ không ngừng thử nghiệm, sáng tạo và tìm đường ra thế giới.
Những cái tên như: Phạm Thiên Ân với Bên trong vỏ kén vàng (Inside the Yellow Cocoon Shell) đoạt giải Camera d’Or tại Cannes 2023; hay Phạm Ngọc Lân với Cu Li không bao giờ khóc đoạt giải Phim đầu tay xuất sắc tại Berlin 2024, chính là minh chứng rõ rệt cho một thế hệ làm phim Việt Nam mới: Bản lĩnh, sâu sắc và không ngừng khai phá chiều sâu văn hóa Việt.
“Những bộ phim này khai thác sâu sắc lịch sử, bản sắc và biến đổi xã hội của đất nước, đồng thời ghi dấu ấn bằng phong cách nghệ thuật độc đáo mang tính toàn cầu”, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh.
Với các bộ phim này, Việt Nam không chỉ tham dự mà bắt đầu đóng góp vào diễn ngôn nghệ thuật toàn cầu bằng chính giọng nói riêng biệt.
Song hành với đó là việc Việt Nam dần được ưu ái trở thành bối cảnh của các bộ phim tầm cỡ, từ Kong: Skull Island của Hollywood với đại cảnh tại Quảng Bình, Hạ Long, Ninh Bình cho tới nhiều dự án hợp tác quốc tế đang trong giai đoạn tiền kỳ.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng (thứ 2 từ trái sang) thăm gian hàng Việt Nam tại Liên hoan phim quốc tế Cannes
Cơ hội chiến lược để nâng tầm Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới
Hội thảo “Việt Nam - Thị trường năng động châu Á và điểm đến mới cho các đoàn làm phim quốc tế” tại Pháp không chỉ là một sự kiện mang tính giao lưu, mà là bước khởi đầu quan trọng cho hành trình Việt Nam chủ động định vị mình là điểm đến chiến lược của điện ảnh toàn cầu.
Việc lựa chọn bối cảnh Cannes - trái tim của điện ảnh thế giới để giới thiệu Việt Nam không phải là ngẫu nhiên. Đó là một tuyên ngôn về khát vọng, sự sẵn sàng và chiến lược bài bản.
Trong hành trình quảng bá hình ảnh quốc gia, không có công cụ nào lan tỏa mạnh mẽ hơn điện ảnh.
Mỗi thước phim không chỉ ghi lại cảnh đẹp mà còn gieo vào tâm trí người xem niềm khao khát được đến, được chạm vào đất nước ấy.
Mỗi tác phẩm điện ảnh quốc tế quay tại Việt Nam chính là một “tấm hộ chiếu mềm” đưa hình ảnh Việt Nam bay xa mà không cần visa.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch sang mô hình sản xuất xanh, tiết kiệm chi phí, tối ưu bối cảnh thực địa thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến “tối ưu hóa sáng tạo” cho điện ảnh quốc tế.
Việt Nam đang sở hữu những mảnh ghép vàng: Cảnh quan, văn hóa, con người, chính sách, thị trường… để kiến tạo một hệ sinh thái điện ảnh - du lịch mang tầm quốc tế.
Điều quan trọng giờ đây là kết nối các mảnh ghép ấy thành một bức tranh hài hòa, sống động và đủ sức truyền cảm hứng cho thế giới.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định: “Cánh cửa Việt Nam luôn rộng mở chào đón các bạn đến khám phá, trải nghiệm và cùng chúng tôi tạo nên những tác phẩm điện ảnh đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm bản đồ điện ảnh thế giới và đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với công chúng toàn cầu”.