Hành trình đục đá tìm nước cho vùng biên khô khát (bài 2)

Từ trước tới nay vốn chỉ nghe đến từ 'đào giếng' hay 'khoan giếng' cho tới khi đến xã Thượng Trạch - một xã biên giới của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tôi rất bất ngờ với từ 'đục giếng'. Để có được nước sạch cho bà con Ma Coong, A Rem, những người lính Đồn Biên phòng Cồn Roàng, BĐBP Quảng Bình đã trần mình trong nắng gió cả nửa năm trời, dùng búa tạ và ve để đục những tảng đá tìm nguồn nước. Mồ hôi các anh được ví đã rơi còn nhiều hơn mạch nước được tìm thấy…

Bài 1: Tìm nước trong đá giữa mùa khô nắng cháy

Bài 2: Giếng nước Biên phòng chạm vào những trái tim nhân ái

Đến nay, giếng nước sạch của Đồn Biên phòng Cồn Roàng, BĐBP Quảng Bình không chỉ gói gọn ở các bản làng người Ma Coong ở biên giới mà đã được lan tỏa tới đồng bào A Rem cách xã Thượng Trạch cả mấy chục cây số. Đặc biệt, với việc Hoa hậu Việt Nam Trần Tiểu Vy lựa chọn dự án “Giếng nước sạch bản Nịu” làm hành trang mang theo hành trình chinh phục vương miện Miss Word 2018 đã chạm vào những trái tim nhân ái của bạn bè quốc tế.

Nước sạch cho người A Rem

Tháng 3-1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chuyến đi khảo sát đường Trường Sơn, bắt đầu từ đường 9 qua đường 24 ra đường 20 Quyết Thắng. Trong kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường 20 Quyết Thắng nối liền Đông và Tây Trường Sơn qua đất bạn Lào là một trong những tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam.

Nói chuyện với bộ đội và thanh niên xung phong cùng đồng bào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đường 20 Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên”.

Với đồng bào Ma Coong, A Rem đang sinh sống ở khu vực này, Đại tướng luôn canh cánh trong lòng bởi thời kỳ mở con đường này, nhiều con em đồng bào A Rem trở thành người đưa đường giúp đỡ bộ đội, thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ.

Giếng nước sạch do gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng bà con bản A Rem. Ảnh: Trúc Hà

Giếng nước sạch do gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng bà con bản A Rem. Ảnh: Trúc Hà

Hòa bình, bà con người A Rem, Ma Coong từ rừng sâu về lập bản nằm sát bên đường 20 Quyết Thắng bắt đầu cuộc sống mới. Bao năm qua, đồng bào nơi đây vẫn một lòng tin vào Bác Hồ, Đảng và Nhà nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ ngàn thu tại Quảng Bình, tình nghĩa và lòng mong muốn được tri ân đồng bào của ông truyền lại cho các thành viên trong gia đình.

Bởi vậy mà nhiều năm qua, con cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công trình giúp đỡ đồng bào trên suốt dải dọc Trường Sơn, trong đó có đồng bào A Rem trên đường 20 Quyết Thắng. Năm 2019, khi gia đình Đại tướng về thăm xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhân dân địa phương đã trình bày nguyện vọng muốn có được giếng nước sạch như giếng nước của Đồn Biên phòng Cồn Roàng đã làm cho bà con Ma Coong ở Thượng Trạch.

Đường 20 Quyết Thắng đi qua bản A Rem, xã Tân Trạch. Mặc dù không thuộc địa bàn biên giới, nhưng với đặc thù đặc biệt, Đồn Biên phòng Cồn Roàng được giao quản lý địa bàn xã Tân Trạch. Bởi vậy, suốt nhiều năm qua, ở UBND xã Tân Trạch luôn có cán bộ tăng cường xã mang quân hàm xanh. Khi gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng công trình giếng nước sạch cho bà con bản A Rem, cũng chính những người lính Đồn Biên phòng Cồn Roàng là lực lượng đảm nhận thi công.

Theo Đại úy Phan Anh Tuấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cồn Roàng, giếng nước ở bản A Rem có được từ công sức của bộ đội. Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp vận chuyển máy khoan lên cho bộ đội đỡ vất vả. Đáng nhớ là mọi việc đang suôn sẻ thì mũi khoan chạm phải phiến đá xanh. Khối đá lớn, cứng, máy khoan không thể xuyên qua.

Cán bộ, chiến sĩ đã phải mất 45 ngày đào sâu xung quanh và cũng phải mất 3 tháng mới tìm được nước. Sau này, ở A Rem, chính quyền khoan thêm 2 giếng nước sạch mới, thế nhưng, không hiểu sao ở cùng một khu đất mà giếng nước do Biên phòng đục lại luôn trong, mát, còn 2 giếng kia bị cặn đá vôi nên chỉ được sử dụng để tắm giặt.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển, cán bộ tăng cường xã Tân Trạch là người miền xuôi, anh nhận công tác ở đây đã được 2 năm. UBND xã Tân Trạch cách xa Đồn Biên phòng Cồn Roàng nên anh ăn ở ngay tại trụ sở. Cũng chính bởi vậy mà anh dành toàn bộ thời gian cho việc công. Hằng ngày, anh phụ trách bơm nước vào bể lọc, từ đó, người dân mang can đến lấy nước về. Anh cũng chủ động đến doanh nghiệp đang thi công trên địa bàn, vận động xây giúp đường dẫn nước và bậc lên sân giếng.

Để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, anh yêu cầu bà con không được tắm giặt ở giếng mà mang nước về nhà. Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên cũng thường xuyên được huy động ra dọn dẹp vệ sinh, phát quang cây cỏ khu vực quanh giếng. Chứng kiến những việc anh làm, tôi hiểu rằng, vì sao người dân nơi đây vẫn luôn dành tình cảm yêu quý cho bộ BĐBP nhiều như thế!

Chạm vào những trái tim nhân ái

Năm 2018, cô gái Trần Tiểu Vy, 18 tuổi, quê ở Hội An, Quảng Nam giành được vương miện Hoa hậu Việt Nam và trở thành đại diện của Việt Nam tham gia Miss Word 2018. Hành trang đến với Miss Word của Hoa hậu Trần Tiểu Vy năm ấy là dự án mang nước sạch cho người Ma Coong ở bản Nịu, xã biên giới Thượng Trạch.

Trong chuyến đi khảo sát trước đó, Hoa hậu Tiểu Vy cũng chưa định hình mình sẽ làm gì ở mảnh đất biên cương này cho đến khi được nghe kể và tận mắt chứng kiến những chiếc giếng nước sạch của Đồn Biên phòng Cồn Roàng ở bản Cồn Roàng, bản A Rem. Nhìn niềm vui của đồng bào Ma Coong khi múc từng gầu nước đổ vào can, Hoa hậu Tiểu Vy hiểu mình cần phải làm gì.

Bản Nịu ở ngay gần trung tâm xã Thượng Trạch nhưng chưa có điện lưới, người dân phải dùng nước khe, đục ngầu mỗi khi có mưa, lũ. Ngay lần đầu được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng đưa đến thăm, Hoa hậu Trần Tiểu Vy đã rất cảm thương trước những thiếu thốn của bà con.

Vẫn biết, việc đục giếng là vô cùng vất vả, thế nhưng Hoa hậu Trần Tiểu Vy vẫn lựa chọn, bởi cô mong rằng bà con bản Nịu cũng sẽ được dùng nước sạch như bà con bản A Rem, bản Cồn Roàng. Hơn 1 tháng, Hoa hậu Trần Tiểu Vy cùng BĐBP đục đá tìm nước cho đồng bào Ma Coong ở bản Nịu đã được ê kíp ghi lại một cách chân thực nhất.

Hoa hậu Trần Tiểu Vy và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng tại giếng nước ở bản Nịu. Ảnh: Thanh Nam

Hoa hậu Trần Tiểu Vy và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng tại giếng nước ở bản Nịu. Ảnh: Thanh Nam

Tại Miss World 2018, nhờ xem phim đục đá tìm nước cho đồng bào Ma Coong mà nhiều người đã biết đến ở mảnh đất biên cương Việt Nam, Hoa hậu Trần Tiểu Vy và BĐBP không nề hà việc khó, việc khổ, miễn là giúp cuộc sống của bà con tốt hơn. “Giếng nước sạch ở bản Nịu” đã thuyết phục Ban giám khảo giúp Hoa hậu Trần Tiểu Vy lọt vào top 5 Người đẹp nhân ái của Miss World 2018.

Đại úy Phan Anh Tuấn là một trong số cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng đồng hành với Hoa hậu Trần Tiểu Vy đục đá tìm nước cho bà con bản Nịu. Ấn tượng của anh về Hoa hậu Trần Tiểu Vy là cô gái có tâm hồn trong sáng và tấm lòng nhân hậu, luôn hòa đồng với mọi người. Trần Tiểu Vy không nề hà việc xúc đất, vận chuyển đá cùng bộ đội.

Năm 2019, Hoa hậu Trần Tiểu Vy quay trở lại bản Nịu thăm, tặng quà bà con nơi đây và BĐBP. Cô cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng đã đồng hành, giúp đỡ cô thực hiện được dự án nhân ái của mình. Những ngày ở bản Nịu đã cho cô hiểu thêm những giá trị của cuộc sống.

Rồi thời gian cứ trôi đi, Trường Sơn vẫn cứ xanh, vẫn cứ cao vời vợi. Và câu chuyện BĐBP đục đá tìm nước sạch cho đồng bào Ma Coong, A Rem với chúng tôi vẫn luôn là câu chuyện đẹp đẽ, nhân văn nhất ở nơi biên cương Tổ quốc.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hanh-trinh-duc-da-tim-nuoc-cho-vung-bien-kho-khat-bai-2-post430011.html