Tháng 10 dương lịch là thời gian đồng bào Khơ Mú ở huyện Tương Dương (Nghệ An) bước vào vụ thu hoạch lúa. Trước khi gặt về, người dân sẽ chọn những bông lúa nếp đẹp làm cốm cúng lễ "Mừng lúa mới".
Theo quan niệm của người Khơ Mú, mọi sự vật hiện tượng xung quanh con người đều có linh hồn, có ma, có thần. Do đó, muốn gặt lúa về phải làm lễ cúng tạ ơn thần linh, thổ địa và đất trời đã cai quản, bảo vệ mùa màng.
Những bông lúa được chọn để làm cốm là những bông lúa nếp chín mẩy, trĩu bông, vỏ xanh ngả vàng và hạt chưa chín hết, nếu chín hết thì cốm sẽ không thơm.
Để làm ra mẻ cốm thơm ngon, màu cốm xanh óng phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ của người phụ nữ.
Sau khi hái lúa về sẽ được cho lên nồi đun sôi đến khi nghe mùi thơm của nếp non, đồng thời vỏ trấu bắt đầu bóc tách, lúc đó sẽ đưa lên giàn bếp để xông khô.
Bà Lữ Thị Lan (trú tại bản Xốp Pu, xã Yên Na, huyện Tương Dương) cho biết, trong lễ cúng lúa mới, ngoài thịt gà, lợn thì không thể thiếu món xôi được làm từ cốm. Chính vì vậy, năm nào bà cũng làm cốm nếp để cúng ông bà, tổ tiên.
Khi lễ cúng kết thúc cũng là lúc anh em, bạn bè trong cộng đồng bản làng cùng nhau quây quần chung vui bên chum rượu cần, cùng nhau trao đổi, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất.
Lúa sau bông lúa phơi khô sẽ cho vào cối giã cho đến khi tróc vỏ trấu. Khi giã không được quá mạnh tay nếu không cốm sẽ nát, khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống dưới sao cho đều.
Tất cả các công đoạn làm cốm đều bằng thủ công, nếu như đưa vào máy xay xát hạt cốm sẽ mất màu xanh.
Từ những hạt cốm này, người dân sẽ nấu ra món xôi cốm dẻo mềm, thơm phức.
Phạm Tâm
Đình Tuân