Hành trình giảm nghèo ở vùng đất Sơn Động
Mô hình hợp tác xã (HTX) đang nổi lên ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, mang lại những giải pháp thiết thực và hiệu quả, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đến cuối năm 2024 của huyện Sơn Động giảm còn 10,26% (không có hộ nghèo người có công).
Nâng cao năng lực cho người dân
Trong đó, số hộ nghèo giảm 1.110 hộ, giảm 5,33% so với năm 2023; hộ cận nghèo giảm 1.272 hộ, giảm 6,01% so với năm 2023. Số hộ có mức sống trung bình là 6.337 hộ, chiếm 29,88% so với tổng số hộ trên địa bàn huyện.
Một số xã có số hộ nghèo, cận nghèo giảm sâu như: xã Phúc Sơn, Thanh Luận, An Lạc, Vân Sơn, Hữu Sản, Lệ Viễn, An Bá, Giáo Liêm...
Đạt kết quả trên là do thời gian qua, huyện Sơn Động chỉ đạo các địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững. Đồng thời, quan tâm lồng ghép nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vốn vay ưu đãi, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, xúc tiến thương mại để tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện, Sơn Động vốn sở hữu tiềm năng lớn về nông nghiệp và lâm nghiệp, với nhiều sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế.
Tuy nhiên, trước đây, do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết và ứng dụng khoa học kỹ thuật, người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường ổn định. Điều này dẫn đến thu nhập bấp bênh và nguy cơ tái nghèo cao.
Do đó, huyện đẩy mạnh hỗ trợ người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia sản xuất hàng hóa, thành lập các tổ hợp tác, HTX để giảm bớt những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đồng thời tận dụng được thế mạnh của địa phương để gia tăng thu nhập.

Mô hình làm hương của HTX Sơn Động.
Điển hình, HTX Mật ong hữu cơ Sơn Động đã thu hút những hộ nghèo, cận nghèo, cựu chiến binh làm thành viên. Với số lượng đàn ong lên đến hàng nghìn đàn được nuôi tại các cánh rừng trên địa bàn các xã Tuấn Đạo, Yên Định, An Bá và thị trấn Tây Yên Tử, mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng trên dưới 100 tấn mật.
Nhờ nuôi ong theo quy trình, chất lượng mật ong của HTX luôn đảm bảo chất lượng mật ổn định, thơm ngon và an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, HTX đã đầu tư lắp đặt dây chuyền hạ thủy phần trong mật ong, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm hàm lượng nước xuống còn 19-20%, tăng độ sánh mịn và loại bỏ tạp chất.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá bán, HTX đã cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, đựng trong lọ thủy tinh với thiết kế sắc nét, bắt mắt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Mật ong của HTX đã có mặt tại nhiều đại lý, cửa hàng tân dược ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Khánh Hòa và các siêu thị lớn miền Bắc. HTX đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Mô hình sản xuất của HTX đã góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên. Nhờ sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi với giá bán tốt hơn (300-350 nghìn đồng/lít so với trước đây là 150 nghìn đồng/lít), thu nhập bình quân của các thành viên HTX đạt 3-5 triệu đồng/tháng, cá biệt có người thu nhập 10 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh mật ong, HTX còn đầu tư vào sản xuất hương nến Bồng Am, một sản phẩm truyền thống của địa phương, và đã được chứng nhận OCOP 3 sao vào năm 2024. HTX liên kết với 6 hộ sản xuất hương, mỗi ngày làm ra hơn 10 vạn thẻ hương, tiêu thụ thuận lợi.
Còn tại xã Đại Sơn, những năm gần đây, mô hình trồng táo theo HTX Sản xuất và Tiêu thụ nông sản sạch Đại Sơn (thành lập năm 2023) được coi là hướng phát triển kinh tế hiệu quả góp phần không nhỏ vào đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của xã đạt trên 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm trung bình 5%/năm, không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Sản xuất táo VietGAP theo mô hình HTX hiện có thị trường tiêu thụ thuận lợi với giá bán bình quân 25.000 - 30.000 đồng/kg (có thời điểm bán được 40.000 đồng/kg). Thành viên, nông dân thường xuyên cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng chặt chẽ trong quy trình chăm sóc nên năng suất táo đạt bình quân khoảng 350 tạ/ha, sản lượng khoảng 600 tấn, trị giá ước đạt 14,6 tỷ đồng/năm.
Phần lớn sản lượng táo được các thương nhân thu mua tận ruộng mang đi các siêu thị lớn tại Hà Nội, Quảng Ninh tiêu thụ. Năm nay, sản phẩm có mặt ở một số thị trường mới như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Nhờ trồng táo, nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có thu nhập từ 150- 300 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, sự ra đời và phát triển của các HTX kiểu mới trên địa bàn huyện Sơn Động đã mang đến một làn gió mới. Thông qua HTX, người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội liên kết sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ. Điều này giúp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Khẳng định vai trò trong công cuộc giảm nghèo
Sự phát triển của mô hình HTX ở huyện Sơn Động thời gian qua có sự hỗ trợ đắc lực từ Nhà nước, địa phương và các cơ quan đoàn thể liên quan. Trong đó, Liên minh HTX Việt Nam (VCA) thông qua Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã thực hiện các lớp, khóa tư vấn và hỗ trợ thành lập HTX cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong huyện; hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực HTX thông qua tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và thành viên HTX về quản trị, tài chính, kế toán, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, marketing, chuyển đổi số...

Trồng táo an toàn cho thu nhập cao.
Để giải quyết khó khăn về vốn, một số HTX trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ, tư vấn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn vốn khác và được hướng dẫn xây dựng hồ sơ vay vốn.
Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã có những hoạt động hỗ trợ cụ thể cho huyện Sơn Động. Ví dụ như việc khảo sát và nắm bắt tình hình hoạt động của các HTX: Trao đổi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các HTX trên địa bàn.
Với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích của các HTX thành viên, Liên minh HTX tỉnh đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ; kiến nghị với các cấp chính quyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù cho các HTX, đặc biệt là về vốn tín dụng, đào tạo cán bộ, tư vấn liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng trụ sở...
Liên minh HTX tỉnh cũng đã thăm và làm việc với các HTX tiêu biểu như HTX ong mật hữu cơ Sơn Động, HTX dược liệu Thiên Phú… để nắm bắt thực tế và tìm hướng nhân rộng.
Do đó, thời gian qua, nhiều HTX tại huyện Sơn Động đã chứng minh được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo nhờ tập trung vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương như chè, mật ong, cây ăn quả (cam, bưởi…), dược liệu… Thông qua việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo chất lượng và xây dựng thương hiệu, các sản phẩm này của các HTX đã có chỗ đứng trên thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.
Tác động tích cực đến đời sống người nghèo
Để các HTX tiếp tục phát huy vai trò trong giảm nghèo, ngoài tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý, hỗ trợ nguồn vốn ban đầu, đào tạo cán bộ quản lý cho các HTX mới thành lập và củng cố các HTX hiện có, huyện hướng tới sẽ xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ HTX. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho các sản phẩm của HTX.
Đặc biệt, việc lồng ghép mục tiêu giảm nghèo vào kế hoạch phát triển HTX phải đảm bảo các hoạt động của HTX hướng đến việc tạo ra tác động tích cực đến đời sống của người nghèo và hộ cận nghèo.
Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại phải làm sao để HTX thực sự mở rộng đầu ra, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm ổn định cho các thành viên và người lao động địa phương, đồng thời phân phối lợi nhuận một cách công bằng, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Hay chính sách hỗ trợ HTX liên kết với doanh nghiệp phải đến đúng HTX để HTX đó có thể ký kết các hợp đồng tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Có thể thấy, mô hình HTX đang ngày càng khẳng định vai trò là một công cụ hữu hiệu trong công cuộc giảm nghèo bền vững tại huyện Sơn Động. Để hoàn thiện mục tiêu này, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ HTX, nâng cao năng lực cho các thành viên và cán bộ quản lý HTX, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh của các HTX. Chỉ có như vậy, HTX mới thực sự trở thành nền tảng quan trọng trong hành trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sơn Động.