Hành trình gian nan giải cứu Nhà máy xơ sợi Đình Vũ

Nhu cầu về xơ sợi của ngành dệt may Việt Nam là rất lớn, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới nhưng gần như chỉ gia công mà chưa làm chủ được nguyên liệu.

Nhu cầu lên đến 700 - 800.000 tấn xơ sợi/năm trong khi năng lực sản xuất trong nước mới chỉ mới có PVTex với công suất 175.000 tấn và Formosa cung cấp khoảng 145.000 tấn/năm. Sự thiếu hụt nghiêm trọng đó cũng là căn nguyên để các ngành chức năng tìm cách giải cứu chứ không để Nhà máy xơ sợi Đình Vũ phá sản

Quy mô lớn, công nghệ hiện đại

Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có công suất thiết kế là 175 ngàn tấn xơ, sợi/năm, đáp ứng khoảng trên 25% nhu cầu nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao cho ngành Dệt may Việt Nam hiện nay. Dự án có tổng mức đầu tư được duyệt là 324 triệu USD, thời gian hoàn vốn dự kiến 8 năm 8 tháng, hoàn thành đầu tư xây dựng năm 2011.

Thực tế, nhà máy hoàn thành vào tháng 6-2013.Trên cơ sở kết quả thực hiện hợp đồng EPC và được chấp thuận của các cơ quan quản lý Nhà nước, Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí (PVTex) đã nhận bàn giao nhà máy để vận hành thương mại từ tháng 9-2013.Nhà máysử dụng thiết bị công nghệ do các nhà cung cấp bản quyền công nghệ hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực hóa dầu và xơ sợi cung cấp như: Uhde Inventa Fisher (Thụy Sỹ), Neumag (Đức) và Barmag (Đức). Trong quá trình thực hiện, Chủ đầu tư đã thuê các tư vấn có năng lực và kinh nghiệm để giám sát quá trình thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử và chạy nghiệm thu Nhà máy.

 Sản xuất sợi tại PVTex.

Sản xuất sợi tại PVTex.

Giai đoạn 2014-2016, với mục đích hợp tác với PVTex để sản xuất kinh doanh xơ sợi, một số đối tác nước ngoài như Indorama (Đài Loan), Formosa (Đài Loan), Fortrec (Singapore)...đánh giá nhà máy có công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại. Đặc biệt, Tập đoàn Reliance Industry Limited, Ấn Độ (đứng đầu thế giới về sản xuất xơ sợi) vào tháng 6-2016 và tháng 10-2017 đã đến đánh giá tình trạng và kết luận Nhà máy có công nghệ, thiết bị được lựa chọn và chất lượng xây dựng tốt, phù hợp để vận hành ổn định lâu dài.

Năm 2017,Bộ KHCN đã chủ trì việc đánh giá nhà máy và báo cáo Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (Ban Chỉ đạo), trong đó nêu rõ: Toàn bộ thiết bị được nhập từ 15 nước và vùng lãnh thổ bao gồm: Đức, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Nhật, Ý, Pháp, Mỹ, G7…

Nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù nhà máy được đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại với công suất lớn, thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn và có triển vọng phát triển khi Việt Nam hội nhập thương mại sâu rộng quốc tế thông qua các hiệp định như CPTPP, EVFTA... cũng như nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành... nhưng việc vận hành thương mại nhà máyđã phải đối mặt với các khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của nhà máy cũng như của Công ty PVTex, đó là:

Thiếu sự hỗ trợ về cơ chế chính sách lại hoạt động đơn độc, không được gắn với chuỗi cung ứng đầu vào và đầu ra nên chi phí (vận chuyển đóng gói...) khá cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Khi nhà máy mới vận hành thương mại-năm 2013 thì rơi vào chu kỳ đi xuống của thị trường bông, xơ, sợi và dầu khí. Giá dầu liên tục lao dốc từ cuối năm 2014 cho tới hết năm 2015, từ hơn 100 USD xuống còn dưới 30 USD/thùng. Đồng thời giá bông sụt giảm liên tục do tồn kho cao và kinh tế Trung Quốc suy giảm, kéo theo giá xơ sợi sụt giảm sâu từ 1200 USD/tấn đầu năm 2014 xuống 860 USD/tấn vào cuối năm 2015. Cùng lúc đó, sản phẩm sợi Công ty PVTex xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ bị điều tra chống phá giá.

Việc thiếu vốn lưu động nên nhà máy dừng hơn 9 tháng (từ tháng 9-2013 tới tháng 6-2014), đã làm phát sinh các hỏng hóc của một số thiết bị, nhân lực lao động có kinh nghiệm bị thiếu hụt, uy tín thương hiệu trên thị trường giảm sút nghiêm trọng...

Quyết tâm giải cứu, khôi phục hoạt động của nhà máy

Với những khó khăn, thách thức nêu trên thì phương án khôi phục lại nhà máy phải được xây dựng tổng thể, lâu dài, toàn diện và đồng bộ. Chính vì vậy, PVN đã giao Viện Dầu khí Việt Nam phối hợp với đối tác nước ngoài nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, bối cảnh, khó khăn, thuận lợi và tương lai để đề ra phương án giải cứu.

Năm 2017, dưới sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, PVTex đã tiếp tục tập trung đánh giá, xây dựng phương án khôi phục nhà máy trên cơ sở nhận định các khó khăn, thuận lợi và đề ra hai phương án, kể cả xin phá sản theo luật định, nhưng cuối cùng phương án hợp tác với đối tác trong nước, nước ngoài để duy trì sản xuất sau đó thoái vốn được lựa chọn với quyết tâm cao.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1468/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương”. Tiếp đó, Ban Chỉ đạo cũng đã có Quyết định số 4269/QĐ-BCĐDADNCT về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án.

Qua đánh giá, với thực trạng của Nhà máy thì phương án tối ưu cho vận hành lại là khởi động từng phần, dần đi đến vận hành toàn bộ nhà máy, trong đó hợp tác với đối tác có năng lực, kinh nghiệm để sản xuất kinh doanh là giải pháp được ưu tiên.

Thông qua việc phát hành Hồ sơ đề xuất mời hợp tác tới các đối tác có quan tâm, đến hạn cuối cùng (ngày 20-1-2018), chỉ có Tổ hợp An Phát Holdings + Reliance Pte. Ltd. (Ấn độ) + Fortrec Chemical (Singapore) do An Phát Holdings đứng đầu (APH) đã trình Hồ sơ đề xuất phương án hợp tác. Qua quá trình đàm phán, tính toán giữa các bên có thể khẳng định, việc lựa chọn tổ hợp APH làm đối tác hợp tác vận hành toàn bộ Nhà máy đã được PVTex thực hiện là phù hợp với các quy định của pháp luật, chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ban ngành Trung ương.

Trong quá trình triển khai, PVTex và các cổ đông luôn quán triệt, bám sát và nỗ lực tối đa triển khai các công việc theo Đề án và Kế hoạch hành động, các chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo,các cấp thẩm quyền. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu cũng như báo cáo các vướng mắc trong quá trình triển khai để có ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. Nhờ đó mà PVTex đã có những biến chuyển tích cực.

Đến thời điểm này, PVTex đã thực hiện xong 6/8 nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo tại Quyết định số 4269/BCĐDADNCT ngày 14/11/2017(Hoàn thành việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, Khởi động lại một phần Nhà máy, sản xuất và gia công sợi DTY, Triển khai gia công sợi DTY, Quyết toán vốn đầu tư dự án).

Đáng mừng là đến ngày 7-6 vừa qua PVTex phối hợp với APH nâng số dây chuyền hoạt động từ 3 lên 12 dây chuyền, sản xuất được 4410 tấn sợi DTY, doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế trước chi phí cố định.Việc tổ chức gia công sợi DTY cho đối tác đã tạo điều kiện đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Sản phẩm sợi DTY của Nhà máy được khẳng định về chất lượng và được thị trường chấp nhận, tổ chức Oeko-Tex (Đức) cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường Châu Âu; sản phẩm của PVTex đã xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan.

Nhờ những kết quả trên, một mặt PVTex đã duy trì được hệ thống máy móc thiết bị, đội ngũ nhân công lao động đồng thời đã bước đầu tạo ra lợi nhuận trước chi phí cố định, bảo toàn phần vốn vay của các cổ đông.

Mặc dầu vẫn còn nhiều khó khăn, gian nan để tiếp tục giải cứu dự án, nhưng đội ngũ những người được phân công giải cứu cùng với người lao động tại PVTex đang kiên trì, ngày đêm suy nghĩ tìm tòi các phương án tháo gỡ. Hy vọng rằng, những kết quả khắc phục bước đầu và sự chấp nhận sản phẩm của thị trường sẽ là nền móng để công cuộc giải cứu PVTex đi đến thành công!

Bài, ảnh: DŨNG SƠN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hanh-trinh-gian-nan-giai-cuu-nha-may-xo-soi-dinh-vu-579718