Hành trình 'hiện đại hóa' nông thôn ở Bắc Quang
Những thành công trong phát triển sản xuất theo chuỗi đang là tiền đề quan trọng giúp huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp, tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm phát triển thịnh vượng “tam nông”.
Điểm tựa chuỗi sản xuất
Với những chiến lược phát triển đúng hướng, huyện Bắc Quang hiện có 4 vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đi đầu là vùng sản xuất chuyên cam quy mô hơn 4.000 ha, sản lượng đạt 40.000 tấn/năm, sau đó là vùng sản xuất chè trên 5.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 25.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó là vùng sản xuất lạc hàng hóa 2.000 ha, sản lượng đạt 6.300 tấn/năm; vùng trồng rừng kinh tế tập trung với tổng diện tích gần 3.500 ha, cung cấp cho thị trường trên 40.000 m3 gỗ/năm, trữ lượng đạt trên 80 m3/ha.
Riêng lĩnh vực chăn nuôi chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung (gia trại, trang trại), hình thành vùng chăn nuôi đại gia súc trên 22.000 con/năm, thu hút 114 hộ chăn nuôi trâu, bò tập trung. Cùng với đó là mô hình nuôi lợn quy mô trên 85.000 con/năm.
Trong các vùng sản xuất quy mô lớn, nhiều mô hình nông nghiệp năng suất cao, chất lượng tốt đã ra đời, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi tập quán canh tác sản xuất nhỏ lẻ, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, phục vụ nhu cầu thị trường.
Tiêu biểu có thể kể đến mô hình chuyển đổi vườn, đồi tạp sang trồng cây cam vàng áp dụng thâm canh theo hướng VietGAP của gia đình anh Đặng Văn Lích, thôn Việt Hà (xã Việt Hồng) với quy mô 10 ha, cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Hay mô hình chăn nuôi 40 con bò sinh sản cho thu nhập cao của anh Cao Văn Sỹ, thôn Cầu Thủy (thị trấn Việt Quang); mô hình chăn nuôi gà của hộ ông Hoàng Văn Pháp, thôn Mục Lạn (xã Tân Quang) với quy mô lên đến 8.000 con/diện tích chăn thả 1 ha.
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng tại Bắc Quang, các HTX đang thể hiện vai trò quan trọng. Toàn huyện hiện có khoảng 40 HTX nông nghiệp, thu hút gần 340 thành viên tham gia với tổng vốn góp trên 46,8 tỷ đồng.
Qua thực tế hoạt động, nhiều HTX đã chứng minh hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cũng có không ít HTX bộc lộ bất cập, loay hoay tìm hướng phát triển.
Nông thôn “khoác áo mới”
HTX Nông dân trồng cam sạch Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phúc là một điển hình cho phương án sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản. HTX được thành lập tháng 6/2017, thu hút hàng chục thành viên, hộ liên kết, quy mô sản xuất lên đến 291 ha.
Hơn 5 năm xuất hiện trên “bản đồ” kinh tế hợp tác, đến nay HTX đã chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập ổn định cho các thành viên và giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Những thành công trong chuyển đổi sản xuất, từng bước hình thành kinh tế nông nghiệp đang tạo đòn bẩy để Bắc Quang xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới của huyện giảm còn 17,42%, tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ chiếm 9,89% và tỷ lệ hộ khá, giàu đạt 47%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,71 triệu đồng/năm (cao gấp 1,29 lần so với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh). Giá trị sản xuất/đơn vị diện tích canh tác đạt 71,8 triệu đồng/ha (cao gấp 1,5 lần so với mức chung toàn tỉnh).
Không dừng ở kết quả trên, chính quyền địa phương đã ban hành Đề án xây dựng huyện Bắc Quang đạt chuẩn huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Bắc Quang hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Đến thời điểm này, huyện Bắc Quang đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, gồm: Thủy lợi, điện, chất lượng môi trường sống và tiêu chí hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công.
Còn 5 tiêu chí chưa đạt liên quan đến quy hoạch, giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế và môi trường. Giai đoạn 2022 – 2025, huyện Bắc Quang có 10 xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện các xã này đã đạt từ 10 – 14 tiêu chí/19 tiêu chí nông thôn mới.
Dù đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, trên lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới, Bắc Quang cũng đối diện không ít khó khăn như hạ tầng còn chưa hoàn thiện, thu nhập bình quân chưa cao, việc huy động nguồn lực để đầu tư cho phát triển còn hạn chế…
Để hoàn thành các mục tiêu nông thôn mới trong thời gian tới, huyện Bắc Quang dự kiến tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, huy động nguồn lực lồng ghép từ các Chương trình, dự án đang đầu tư trên địa bàn. Chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân bên cạnh hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.