Hành trình 'hồi sinh' cây xà cừ 70 năm tuổi bị đổ sau cơn bão Yagi tại Hà Nội

Cây xà cừ tại vườn hoa Cổ Tân là một trong số hàng chục ngàn cây xanh bị đổ trong cơn bão Yagi. Tuy nhiên, thay vì bị mang đi xử lý, thân cây này đã được 'hồi sinh' thành một tác phẩm nghệ thuật công cộng độc đáo – hiện diện ngay trên mảnh đất xưa của nó.

Chiều tối 22/4, hàng trăm người dân, du khách, nghệ sĩ và những người có ảnh hưởng trong xã hội đã tề tựu tại vườn hoa Cổ Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để chứng kiến lễ khánh thành tác phẩm sắp đặt công cộng “Hồi sinh” của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn. Được khởi nguồn từ một cây xà cừ 70 năm tuổi bị đổ sau bão Yagi, tác phẩm nay trở thành biểu tượng nghệ thuật của lòng tri ân và sức sống bất diệt giữa Thủ đô.

Cây xà cừ tại vườn hoa Cổ Tân là một trong số hàng chục ngàn cây xanh bị đổ trong cơn bão Yagi. Tuy nhiên, thay vì bị mang đi xử lý, thân cây này đã được “hồi sinh” thành một tác phẩm nghệ thuật công cộng độc đáo – hiện diện ngay trên mảnh đất xưa của nó.

Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn cho biết, ngay sau khi bão tan, cô đã ra Hà Nội và cùng những người bạn đi khảo sát, chứng kiến cảnh những cây xanh nằm rạp dưới đất, trái tim như thắt lại. Khi đến vườn hoa Cổ Tân, hình ảnh cây xà cừ 70 năm tuổi bật gốc, đang được cắt gọn để mang đi khiến cô dừng lại. Ngay lập tức, Tia-Thủy Nguyễn và những người bạn liên hệ với các cơ quan chức năng để lên đề án “hồi sinh” cây.

Sau khi cắt gọt toàn bộ thân và rễ cây, phần thân cây được nữ nghệ sĩ ốp bằng những tấm inox dày, gò thủ công. Công đoạn này vô cùng tỉ mỉ để những miếng thép ôm sát vào từng đường cong gồ ghề của thân cây. Các mối nối được hàn kín, tạo thành những nốt và rãnh xù xì như lớp vỏ cây trước đây. Cành cây được mô phỏng những đường nét khúc khuỷu, tự nhiên. Tán lá được tạo nên từ hàng nghìn chiếc lá thép óng ánh, điểm xuyết bởi những “bông hoa” thạch anh lấp lánh đủ sắc màu.

Hơn 6 tấn thép được sử dụng bọc thân cây, làm cành, lá với ý đồ “bắt nắng”. Khi những tia nắng xuất hiện, chúng sẽ tạo nên hiệu ứng lấp lánh, tạo nên khúc ca của sự sống. Hà Nội bốn mùa, chẳng có ngày nào ánh nắng giống nhau, cũng chẳng có tia nắng nào lặp lại khiến tác phẩm trở nên đa sắc, đa diện. Điều này cũng như cuộc sống muôn hình vạn trạng, vũ trụ đa chiều. Đó cũng là thông điệp mà Tia-Thủy Nguyễn gửi gắm vào tác phẩm.

Sự kiện khánh thành diễn ra trang trọng với sự góp mặt của các lãnh đạo, chuyên gia, nghệ sĩ như ông Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, bà Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại Việt Nam, NSƯT Hoàng Tùng, ca sĩ Mỹ Linh, ca sĩ Hồng Nhung, họa sĩ Khắc Chinh... Màn múa đương đại do NSND Trần Ly Ly biên đạo đã mở đầu buổi lễ bằng một hành trình thị giác từ sự gãy đổ đến hồi sinh. Những chuyển động của vũ công như vang vọng nhịp đập sự sống, khiến nhiều khán giả xúc động.

Ông Phạm Tuấn Long phát biểu: “Hồi sinh là một cách để chúng ta tri ân thiên nhiên – những cây xanh đã tỏa bóng mát cho Hà Nội suốt nhiều năm. Đồng thời, đây cũng là một không gian sáng tạo cho người dân và du khách chiêm nghiệm mỗi ngày”.

Để có thể biến ý tưởng thành hiện thực, nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn cùng cộng sự đã làm việc không ngừng nghỉ với các cơ quan ban ngành trong hơn ba tháng để xin giấy phép và thực hiện dự án. Đây được xem là một trong những dự án nghệ thuật công cộng hiếm hoi được chính quyền thành phố hỗ trợ nhiệt tình và đồng hành chặt chẽ.

KTS Đoàn Kỳ Thanh nhận định: “Tác phẩm Hồi sinh là bước đi lớn trong việc hình thành các không gian nghệ thuật công cộng tại Hà Nội – điều mà trước nay chúng ta chưa có nhiều”.

Không chỉ là tác phẩm cá nhân, “Hồi sinh” còn là sản phẩm của một cộng đồng gắn bó. Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn đã dành lời cảm ơn xúc động tới tất cả những người đã góp phần vào quá trình thực hiện: từ những người thợ hàn, bác bảo vệ, cô lao công, đến những người dân quanh khu vực, những người đã kể cho cô nghe những câu chuyện về mảnh đất nơi đây.

Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn

Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn

Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn và diva Hồng Nhung

Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn và diva Hồng Nhung

Đặc biệt, nữ nghệ sĩ dành lời tri ân tới cha mẹ, những người đã truyền cảm hứng, tình yêu thiên nhiên và sự kiên định. “Tôi cảm ơn Mẹ thiên nhiên – trong suốt quá trình làm việc chưa một ngày gây khó dễ, và giờ, tiếp tục tặng cho tác phẩm ánh sáng mỗi ngày để nó thêm sống động” – cô chia sẻ.

Hồi sinh không chỉ là một tác phẩm sắp đặt ngoài trời quy mô lớn, mà còn là biểu tượng của khả năng tái tạo, của niềm tin vào cái đẹp có thể nảy nở từ tàn phá. Tác phẩm cho phép công chúng tự do tiếp cận, chiêm ngưỡng và cảm nhận, tạo nên không gian kết nối giữa nghệ thuật và đời sống.

Trong ánh kim lấp lánh của lá thép, trong lớp vỏ xù xì của thép gò thủ công, người xem không chỉ thấy một cây cổ thụ được sống lại, mà còn thấy một Hà Nội kiên cường, nhân hậu – luôn biết cách đứng dậy sau bão giông.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/hanh-trinh-hoi-sinh-cay-xa-cu-70-nam-tuoi-bi-do-sau-con-bao-yagi-tai-ha-noi-post1194072.vov