Trạm Tấu 'thay da đổi thịt' nhờ du lịch

Vốn là một một huyện nghèo vùng cao của tỉnh Yên Bái, song chỉ mấy năm nay nhờ sự đầu tư, phát triển du lịch, vùng đất Trạm Tấu như khoác lên mình tấm áo mới, đổi thay từng ngày. Du lịch Trạm Tấu từng bước được định vị trên bản đồ du lịch với dấu ấn riêng: như khám phá tracking, leo núi, săn mây Tà Chì Nhù, Tà Xùa…

Đánh thức tiềm năng du lịch

Vui mừng chia sẻ với chúng tôi Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Khang A Chua cho biết, năm 2023, huyện Trạm Tấu đã tổ chức thành công Giải leo núi "Bước chân trên mây”- chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù thu hút hàng trăm nhà báo, phóng viên trong cả nước tham gia. Sự lan tỏa thông tin tới bạn đọc gần xa là rất lớn, theo đó, du khách đến với Trạm Tấu ngày một tăng. Và năm nay, "Bước chân trên mây” lần II - chinh phục đỉnh Tà Xùa. Trên hành trình chinh phục đỉnh núi Tà Xùa các vận động viên đã được trải nghiệm cảm giác thăng hoa khi chinh phục những cung đường cheo leo, băng qua khu rừng nguyên sinh đỗ quyên cổ thụ phủ đầy rong rêu.

Một trong những điểm nhấn của hành trình là “Sống Lưng Rồng Trời” - một dãy núi hẹp và dài, ẩn hiện giữa biển mây tựa như sống lưng rồng khổng lồ, một khung cảnh vô cùng ấn tượng với những dải mây trắng bồng bềnh, phủ kín các thung lũng bên dưới, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ ảo và hùng vĩ. “Giải leo núi đã góp phần thay đổi đáng kể về đời sống, du lịch của người dân.

Qua việc tổ chức mùa giải, người lao động có công ăn việc làm, dịch vụ liên quan đến du lịch phát triển, nông sản địa phương được quảng bá mạnh mẽ, tiêu thụ rất nhiều. Người dân làm xe ôm, hỗ trợ du lịch có thu nhập rất cao. Giải leo núi giúp cho Trạm Tấu có tên trên bản đồ du lịch, góp phần vào sự thay đổi ngoạn mục này”, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu bày tỏ.

“Sống lưng rồng” trên cung đường chinh phục đỉnh Tà Xùa.

“Sống lưng rồng” trên cung đường chinh phục đỉnh Tà Xùa.

Trạm Tấu có 3 ngọn núi trong top 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam gồm: Tà Chì Nhù cao 2.979m so với mực nước biển, đứng thứ bảy về độ cao ở Việt Nam; Tà Xùa - Bản Công (từ tháng 4/2025 đổi tên thành Phu Sa Phìn) cao 2.865m và đỉnh Sa Mu ở Bản Mù cao 2.756m so với mực nước biển. Hiện, huyện đang khai thác lợi thế của 2 ngọn núi cao gần 3.000 m so với mực nước biển là Tà Xùa và Tà Chì Nhù để phát triển du lịch mạo hiểm, trải nghiệm. Trên các cung đường này, du khách có thể trải nghiệm leo núi, săn mây, ngắm rừng hoa đỗ quyên cổ thụ trên đỉnh Tà Xùa vào tháng 4 và tháng 5 hay ngắm hoa mật rồng vào tháng 10 hàng năm. Hoặc như cung đường chinh phục Tà Chì Nhù thay đổi liên tục theo độ cao, khi là đi trong rừng già nguyên sinh, lúc đi qua suối, đi xuyên rừng tán thấp, đồng cỏ, rừng trúc... đến khoảng “đồng cỏ như thảo nguyên trên gần đỉnh núi”.

Ngoài ra, tại Khu du lịch Lau Camping ở xã Phình Hồ, ngoài việc được ngắm bình minh giữa biển mây, tận hưởng không khí trong lành, không gian yên tĩnh, du khách còn có thể trải nghiệm bay dù lượn, thỏa sức trong biển mây, ngắm nhìn cánh đồng Mường Lò từ trên cao. Đồng thời, Trạm Tấu cũng xây dựng các sản phẩm đặc thù như: Du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng; khu vực đồi thông eo gió, chòm Cu Vai, thôn Háng Xê; thác Háng Đề Chơ, xã Làng Nhì, du lịch cộng đồng xã Hát Lừu…

Trên thực tế, đến với Trạm Tấu hôm nay, mỗi du khách sẽ thấy một huyện miền núi đang từng bước phát triển, dịch vụ nhiều hơn và người làm du lịch cũng chuyên nghiệp. Song, điều quan trọng nhất là các điểm du lịch đều giữ được vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ và con người thân thiện, người dân các xóm bản đã có thu nhập tốt hơn từ du lịch.

Chị Sùng Thị So, HTX dịch vụ du lịch Trạm Tấu cho biết, gia đình chị mới tham gia vào làm dịch vụ du lịch được mấy tháng nhưng hiệu quả kinh tế khá hơn. Với mỗi chuyến đi cùng khách lên núi, xe ôm đưa đón các chặng trên cung đường leo núi cũng mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình chị. Ngày nghỉ 2 con của chị cũng gùi nước lên các điểm ở đầu sống lưng rồng trên cung leo núi đỉnh Tà Xùa bán nước. “Tôi đang học tiếng phổ thông để có thể đi làm xe ôm, dẫn đường, mang đồ cho khách khi đi leo núi được nhiều hơn, khi đi được nhiều thì có việc làm và có thu nhập”, chị So nói.

Công an xã thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn.

Công an xã thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn.

Cùng với chị So, ông Giàng A Chua, Phàng A Sử ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công cũng là những người tham gia vào HTX từ những ngày đầu thành lập, hiện đang làm portel (người dẫn đường cho du khách leo núi) kiêm xe ôm. “Từng đỉnh núi, cung đường ở trên huyện Trạm Tấu gắn bó với con người dân bản, ở đây ai cũng thông thuộc, nên khi địa phương phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá, người dân trong xã đã tích cực tham gia và trở thành người dẫn đường. Chúng tôi đã đưa rất nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến đi leo núi, trải nghiệm và họ có ấn tượng rất tốt, nhiều người còn quay trở lại”, ông Giàng A Chua nói.

Đặc biệt, theo poster Phàng A Sử, từ ngày làm du lịch gia đình không lo bị đói, mình đã học được rất nhiều về việc sử dụng công nghệ, điện thoại và máy quay để hỗ trợ cho du khách khi đi trải nghiệm. Khi có khách đi leo núi dẫn đoàn thì mỗi ngày trung bình cũng được 500.000 - 600.000 đồng. Vào những tháng cao điểm thì lượng khách đông, thu nhập theo đó cũng tăng lên rất nhiều. Gia đình tôi rất phấn khởi, thoát nghèo nhờ làm du lịch”, ông Phàng A Sử nói.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt cho biết, để hỗ trợ người dân phát triển du lịch, ông đã thành lập HTX Dịch vụ Du lịch Trạm Tấu phối hợp với bà con tại huyện Trạm Tấu khai thác tiềm năng du lịch trong huyện. Theo ông Hưng, HTX có 7 hội viên sáng lập, và các xã viên là bà con ở Bản Tà Xùa, Bản Khấu Ly, xã Bản Công. Tham gia vào HTX, các xã viên được đào tạo, tập huấn các kỹ năng phục vụ khách du lịch. HTX trang bị áo và mũ bảo hiểm đồng phục để bà con đi làm cho chuyên nghiệp và phân biệt với ngoài HTX. Người dân tích cực tham gia làm porter và làm xe ôm chở khách. Ngoài ra bà con ở bản Khấu Ly đã phối hợp lấy cây giống Hoa Tớ dày do HTX cung cấp để trồng trên đường vào Thác Nả Tràng, bản Khấu Ly, xã Bản Công để làm con đường Hoa Tớ dày khai thác du lịch lâu dài.

Năm 2023, Trạm Tấu đã tiếp đón, phục vụ 150.000 lượt khách, bằng 136% kế hoạch huyện giao. Trong đó, có 20.150 lượt khách quốc tế; doanh thu đạt 112 tỷ đồng, bằng 131% kế hoạch huyện giao. Năm 2024 huyện đã đón 152.500 lượt khách, vượt 102% kế hoạch đề ra. Trong đó, khách quốc tế đạt 37.440 lượt, cao hơn 7% so với mục tiêu. Doanh thu từ du lịch đạt 120 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch. Năm 2025, phấn đấu đón 160 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 35 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu từ du lịch ước đạt 128 tỷ đồng. Những con số này không chỉ cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch mà còn khẳng định sức hấp dẫn của Trạm Tấu trong mắt du khách.

Đảm bảo an ninh trật tự

Porter Giàng A Lầu ở Bản Công cho biết, ngoài làm nông lâm nghiệp, khi vào mùa du lịch người dân trong xã còn làm dịch vụ leo núi cho du khách. Người làm xe ôm, porter đưa khách chinh phục các điểm đến trên địa bàn. Họ rất hiếu khách, có chuyên môn giao tiếp, hướng dẫn khách chuyên nghiệp. Từ ngày có du lịch thì cuộc sống của người dân cũng vơi bớt khó khăn và thay đổi theo thời gian. Trung bình nếu có khách dẫn thì mỗi tuần có thể kiếm được 2 triệu đồng. Chúng tôi rất mong có nhiều du khách đến với Trạm Tấu, đến với đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù, Cu Vai… để người dân có việc làm, tăng thu nhập và cũng là lan tỏa hình ảnh đẹp của thiên nhiên hùng vĩ nơi vùng cao Tây Bắc tới nhiều người hơn nữa.

Công an xã Bản Công hướng dẫn người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Công an xã Bản Công hướng dẫn người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Để có được kết quả ấn tượng như vậy, Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Khang A Chua cho biết, lực lượng Công an xã đóng vai trò quan trọng. Trên địa bàn huyện, các xã có điểm du lịch thì công tác đảm bảo an ninh trật tự, tạm trú tạm vắng, phòng cháy, chữa cháy…luôn được các đồng chí Công an tập huấn, tuyên truyền sâu rộng tới các hộ, qua đó mọi người hiểu và chấp hành. Từ du lịch cộng đồng và các dịch vụ du lịch đều được người dân hưởng ứng và làm qua đó tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo cho nhiều hộ dân nơi đây.

Như tại xã Bản Công, có 5 thôn; dân số xã khoảng 3.425 người, trong đó dân tộc Mông trên 95%. Công an xã đã luôn đồng hành với người dân, hướng dẫn người dân tuân thủ pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ An ninh tổ quốc; tranh thủ vai trò của người có uy tín trong dân tộc thiểu số phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương và làm du lịch cộng đồng thì cần những kỹ năng gì để người dân nắm bắt và thực hiện.

Đặc biệt địa bàn có tuyến đường đi lên đỉnh núi Tà Xùa với những địa danh nổi tiếng là địa điểm thu hút những du khách đến du lịch trải nghiệm. “Công an xã đã tích cực tham mưu với cấp ủy chính quyền, phối hợp với các ngành như Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Hướng dẫn người dân thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, thôn bản bình yên thì người dân mới yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; Phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động phát triển sản phẩm kinh tế tại địa phương như trồng khoai sọ, không xuất cảnh trái pháp luật; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Đặc biệt, phát huy vai trò của lực lượng ANTT ở cơ sở, hướng dẫn các porter, chỉ đường cho khách du lịch thực hiện công tác bảo đảm an toàn trong quá trình khách du lịch trải nghiệm leo núi...”, Đại úy Lò Đức Văn, Phó trưởng Công an xã Bản Công cho hay.

Cùng với đó, Thượng úy Nguyễn Văn Chương, Phó trưởng Công an thị trấn Trạm Tấu cho biết, khi du lịch phát triển, lượng khách đến với Trạm Tấu ngày một tăng theo đó tại khu vực thị trấn có mô hình phát triển du lịch cộng đồng, gắn kết các hộ làm du lịch đồng thời cũng hợp tác chặt chẽ với lực lượng Công an trong đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn. Đồng thời, những cơ sở du lịch cũng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân trong huyện.

Hiệu quả kinh tế từ du lịch mang lại đã góp phần đổi thay đổi cuộc sống của người dân ở Trạm Tấu, dù nhiều bản còn khó khăn và chưa thể thay đổi được hết nhưng những gì mà du lịch đang từng ngày phát triển cho thấy một tương lai đầy hy vọng khi mà sự lan tỏa những hình ảnh đẹp về con người, thiên nhiên hùng vĩ và các dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch ngày một tốt hơn níu kéo du khách đến, đi và quay trở lại.

Ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Hợp tác xã du lịch Cường Hải cho biết, bà con rất phấn khởi khi có được thu nhập tốt hơn từ du lịch, ngay tại cơ sở của gia đình đã tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương. Hiện, trên địa bàn có 43 cơ sở lưu trú, bao gồm 1 khách sạn đạt chuẩn 3 sao, 5 nhà nghỉ và 37 homestay, 14 hợp tác xã và 4 doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các dịch vụ du lịch.

Những năm qua, để phát triển du lịch theo hướng xanh, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, huyện Trạm Tấu đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời, xây dựng mới các sản phẩm du lịch cộng đồng, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa, xây dựng các mô hình mẫu đạt chuẩn; tận dụng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên để xây dựng mới các sản phẩm khám phá hang động, leo núi, tổ chức các giải marathon, cắm trại, trekking…

Lưu Hiệp

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/tram-tau-thay-da-doi-thit-nho-du-lich-i766044/