Hành trình hơn nửa thế kỷ

Ngày 15/11/1966, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 197 chia huyện Bắc Hà thành 2 huyện mới là Bắc Hà và Si Ma Cai. Kể từ đó, Si Ma Cai từng bước hòa vào dòng chảy lịch sử phát triển cho tới ngày nay.

Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập huyện Si Ma Cai (15/11/1966 - 15/11/2021)

Cây ăn quả ôn đới giúp người dân Si Ma Cai nâng cao thu nhập.

Cây ăn quả ôn đới giúp người dân Si Ma Cai nâng cao thu nhập.

Khi mới thành lập, huyện Si Ma Cai có 17 xã và là vùng đất xa xôi ít ai biết đến. Cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đứng trước vận hội mới, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thời kỳ đầu đã quyết tâm với tâm thế và kỳ vọng lớn lao. Đại hội Đảng bộ huyện Si Ma Cai lần thứ I (giai đoạn 1966 - 1968) là dấu mốc quan trọng, đưa ra chủ trương, đường lối phát triển, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong huyện thi đua sản xuất, vượt qua nghèo đói, lạc hậu.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I được thông qua với những nội dung quan trọng, xác định mục tiêu hàng đầu là đẩy mạnh sản xuất, nhất là nông nghiệp, coi đây là mặt trận mũi nhọn để xóa đói, giảm nghèo. Trước hết, huyện phát triển hợp tác xã và vận động người dân làm ăn tập thể, củng cố hợp tác xã, duy trì hoạt động ổn định và đẩy mạnh thâm canh cây lúa, từng bước phát triển nông nghiệp toàn diện. Từ năm 1966 đến năm 1968, huyện thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, ứng dụng kỹ thuật nên phong trào hợp tác xã có bước phát triển rõ nét. Năm 1967, toàn huyện có 99 hợp tác xã với 2.829 hộ xã viên, trong đó có 28 hợp tác xã đạt loại khá. Nhân dân chung sức, đồng lòng thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ổn định, không còn tình trạng du canh, du cư.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, huyện Si Ma Cai vững vàng tiến bước, vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn. Khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước đang trong giai đoạn khốc liệt, Đảng bộ và Nhân dân huyện Si Ma Cai luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực sản xuất, đảm bảo đời sống cho người dân, thực hiện tốt khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến, góp phần thống nhất đất nước...

Giai đoạn 1975 - 1979, với tinh thần tự lực, tự cường, sự đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân các dân tộc trong huyện, tiềm lực kinh tế - xã hội của Si Ma Cai có thành tựu rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới. Huyện Si Ma Cai đã chủ động tìm tòi, sáng tạo, cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng vào thực tế địa phương, khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huy động mọi nguồn lực để phát triển.

Đến năm 1979, huyện Si Ma Cai sáp nhập vào huyện Bắc Hà. Thời kỳ này, huyện phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, kinh tế - xã hội, dân trí thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh, nhưng chính tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường đã giúp huyện từng bước rút ngắn khoảng cách với các địa phương khác trong tỉnh. Nhân dân các dân tộc thời kỳ này đã nỗ lực, quyết tâm, khắc phục hậu quả sau chiến tranh biên giới, tiếp tục thực hiện tốt đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng. Đây là giai đoạn chuyển đổi nhận thức và hành động trong phát triển kinh tế, từ tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kết cấu hạ tầng của huyện được quan tâm đầu tư xây dựng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng có bước phát triển vượt bậc nhờ những chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước gắn với vùng cao, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày 18/8/2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 36 về việc điều chỉnh địa giới huyện Bắc Hà để tái lập huyện Si Ma Cai. Sau hơn 20 năm tái lập, dưới dự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng bộ huyện, sự điều hành linh hoạt của chính quyền các cấp, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các dân tộc huyện Si Ma Cai đã nỗ lực không ngừng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm phát triển về mọi mặt. Đây là thời kỳ kinh tế của huyện Si Ma Cai có bước tiến xa, nhiều chỉ tiêu mang bước đột phá, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp giảm còn 47,73%; tỷ trọng ngành thương mại, công nghiệp tăng nhanh; thu nhập bình quân của người dân đạt 31,5 triệu đồng/năm…

Hành trình 55 năm qua, Si Ma Cai khoác một diện mạo mới. Nông nghiệp, nông thôn vẫn là chủ đạo nhưng thế và lực hôm nay đã vượt trội so với khi mới thành lập huyện. Đến nay, người dân đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đổi mới trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trong huyện xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại năng suất và thu nhập cao. Các cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác như tam thất, cây ăn quả ôn đới, cát cánh, vịt Sín Chéng, gà đen, ngựa bạch... được sản xuất thành công với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến cuối năm 2020, toàn huyện đạt 28.447 tấn lương thực (tăng 600 lần so với năm 1966).

Đặc biệt, những năm gần đây, với định hướng, chủ trương đúng và khai thác lợi thế khí hậu của địa phương, người dân đã phát triển cây ăn quả ôn đới đạt tổng diện tích hơn 1.000 ha, ước sản lượng thu hoạch năm 2021 đạt hơn 1.100 tấn. Đến nay, huyện đã có hơn 300 ha dược liệu, giúp người dân nâng cao thu nhập. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành nông nghiệp của huyện đã phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất; tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực. Hầu hết các xã, thị trấn có mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nông dân tích cực tham gia chuỗi liên kết, nhóm sở thích...

Từ các nguồn vốn của trung ương, của tỉnh và các chương trình dự án như Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Si Ma Cai đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là xây dựng hạ tầng. Đến hết năm 2020, toàn huyện có 4/9 xã đạt chuẩn nông thôn. Từ một huyện có nhiều xã “trắng” về giáo dục, nay trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của giáo dục vùng cao, với 26/41 trường học đạt chuẩn quốc gia. Sự nghiệp y tế ở Si Ma Cai cũng ngày càng phát triển, 100% trạm y tế xã, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực có y - bác sỹ, trang - thiết bị y tế được tăng cường đồng bộ. Nhiều di sản văn hóa dân tộc vùng cao được bảo tồn và phát huy. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã được phủ sóng phát thanh và sóng truyền hình. Tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến được tất cả các hộ, góp phần quan trọng đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiến thức, thông tin mới đến với người dân. Các sự kiện thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên, thu hút người dân tham gia... Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào sự thay đổi của đất và con người Si Ma Cai hôm nay.

Những giọt mồ hôi, máu xương, trí tuệ của các thế hệ người Si Ma Cai đã mang đến cho vùng đất biên giới này những thành tích kỳ diệu. Với truyền thống đoàn kết trong kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cùng sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện, Si Ma Cai sẽ viết tiếp truyền thuyết ngựa thần, vươn mình trên vùng cao biên giới…

Hoàng Văn Dương

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349493-hanh-trinh-hon-nua-the-ky