Hành trình kéo phao SPM vào bờ để thực hiện bảo dưỡng
Sau 3,5 ngày tháo 12 xích neo phao Rót dầu không bến một điểm neo (SPM) của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được kéo vào bờ thành công để thực hiện bảo dưỡng, vượt tiến độ 3 ngày.
Ông Lê Vinh Quang - Phó phòng Kỹ thuật Công ty PTSC POS, Giám đốc gói thầu số 7 cho biết: Sáng 20/8, trong tiết trời mát mẻ, anh em công nhân nhà thầu PTSC POS cùng thợ lặn PVMTC, nhân sự giám sát của BSR đã thực hiện tháo rời, định vị nốt 2 trong tổng số 12 xích neo của phao.
Công việc tháo 2 xích neo này là vô cùng khó khăn và phức tạp bởi khi đã tháo 10 xích neo, phao sẽ bị dao động bởi nước biển, nên thời gian tháo xích neo thứ 11 và 12 sẽ dài hơn, cần sự chính xác cao độ.
Để tháo một xích neo, kíp làm việc cần khoảng 30 nhân sự: bao gồm thợ lặn - giám sát lặn; công nhân kỹ sư có mặt trên phao SPM, công nhân có mặt ở đuôi tàu dịch vụ Hải Dương 12, bộ phận chỉ đạo ca làm việc - lái tàu - điều khiển các trang thiết bị trên cabin tàu dịch vụ Hải Dương 12. Tất cả làm việc nhịp nhàng thông qua bộ đàm.
Sau 6h liên tục tháo xích neo, khoảng 12h30 tàu dịch vụ PTSC Ngàn Năm đã kéo phao SPM vào bờ trong cơn mưa nhỏ giữa biển khơi. Cơn mưa không quá nặng hạt, có gió nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Đúng 15h30, sau 3h kéo, phao SPM đã cập bến tàu Nhà máy Đóng tàu Dung Quất thành công.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Trưởng ban Quản lý Cảng biển BSR nhận định: Hơn một tuần nay, anh em BSR, nhà thầu đang sung sức, hăng hái và quyết tâm nên công việc tháo phao diễn ra rất thuận lợi. Việc kéo phao vào bờ sớm 3 ngày sẽ giúp cho công việc trên cạn có thêm thời gian chuẩn bị. Gói số 7 bảo dưỡng phao SPM gồm 3 phần việc lớn: Tháo, kéo phao vào bờ; Bảo dưỡng phao ở bến tàu; Kéo, định vị, lắp đặt phao vào vị trí cũ.
Phao sẽ được định vị vào 6 tấm đệm, sau đó đóng cửa bến tàu, bơm hút nước, tiếp tục định vị để phao đặt đúng vào đệm. Hút hết nước trong bến tàu và công việc bảo dưỡng trên cạn được bắt đầu.
Công việc bảo dưỡng phao khi ở bờ, bao gồm: Thay thế vòng bi chính, bắn cát phun sơn chống ăn mòn, hàn cắt các vị trí hoen gỉ, bảo dưỡng thiết bị điện, thiết bị điều khiển…
Sau khi hoàn thành công tác bảo dưỡng trên bờ, đơn vị thi công sẽ lấy nước vào bến tàu để phao nổi lên, lai dắt ra vị trí cũ của phao ngoài vịnh Việt Thanh, định vị, lắp đặt và vận hành phục vụ công tác nhập dầu thô cho nhà máy.
Một số hình ảnh ghi nhận công tác kéo phao vào bờ trong ngày 20/8/2020: