Hành trình khỏi bệnh của gia đình có 6 F0, mẹ nhiều bệnh nền
Tại bệnh viện, do quá tải, mẹ Quang và rất nhiều bệnh nhân khác được bố trí giường bệnh ngay tại sân, bên trên là mái che bằng bạt.
Ngày 8/9, Nguyễn Ngọc Vinh Quang (sinh năm 1997, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) đón mẹ từ bệnh viện trở về nhà.
Sau hơn một tháng điều trị Covid-19, cả 6 thành viên trong gia đình Quang đều đã âm tính nCoV, một thành quả mà cậu từng không dám nghĩ đến.
4 ngày chăm mẹ tại sân bệnh viện
Chia sẻ với Zing, Quang cho biết mẹ chính là thành viên đầu tiên trong gia đình xuất hiện các triệu chứng bệnh. Mẹ cậu 60 tuổi, có bệnh nền suy tim, huyết áp cao, thừa cân và chưa được tiêm chủng vaccine Covid-19.
Tình trạng của bà chuyển nặng khá nhanh, không thể ăn uống, sốt cao và ho rất nhiều.
"Ngày 28/7, mẹ tôi sốt cao. Tôi nhờ cán bộ y tế phường đến xét nghiệm, kết quả là cả 6 thành viên trong nhà đều dương tính.
Ngày 3/8, mẹ bắt đầu khó thở, sốt li bì và ho có đờm. Đến tối 5/8 là đỉnh điểm, mẹ thở gấp và không nói được, nhà tôi rất lo lắng, liên hệ đến trung tâm y tế và đội xe cấp cứu, xin cho mẹ nhập viện.
Tuy nhiên, lúc này mọi nơi đã quá tải, bác sĩ chỉ có thể hướng dẫn qua điện thoại để tôi giúp mẹ tập thở mà thôi", Quang kể lại.
23h đêm 5/8, sức khỏe của mẹ tiếp tục trở nặng, Quang quyết định dùng xe cá nhân đưa mẹ đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115. Tại đây, do các phòng đã quá tải, mẹ Quang và rất nhiều bệnh nhân khác được bố trí giường bệnh ngay tại sân, bên trên là mái che bằng bạt.
Dù cơ sở vật chất hạn chế, Quang vẫn quyết để mẹ nhập viện. Mẹ cậu được các bác sĩ khẩn trương cấp cứu, hỗ trợ thở oxy và tiêm thuốc. Đến sáng hôm sau, bà bắt đầu tỉnh trở lại và có thể ăn ổn định.
Dù cũng mắc Covid-19, Quang vẫn được cho phép ở lại bệnh viện cùng mẹ. Theo cậu, bởi bệnh viện rất thiếu nhân viên y tế, thân nhân có sức khỏe tốt được ở lại chăm sóc bệnh nhân. Những ai chưa mắc Covid-19 phải cam kết chấp nhận nguy cơ nhiễm bệnh.
"Tôi ít triệu chứng bệnh, cũng đã dương tính rồi nên chẳng lo sợ gì nữa, chỉ muốn ở bên cạnh mẹ. Tôi rất lo sợ khi biết mẹ mắc bệnh. Mẹ có đầy đủ những yếu tố để khiến cho bệnh tình trở nặng bất cứ lúc nào, đặc biệt mẹ còn chưa kịp tiêm vaccine", Quang nói.
Tại bệnh viện, mẹ Quang chỉ có thể nằm tại chỗ và thở oxy, việc ăn uống và vệ sinh của bà đều do Quang lo liệu. Mỗi ngày, 2 mẹ con đều được nhân viên y tế hỗ trợ các suất ăn theo bữa. Quang cho mẹ ăn trên giường bệnh, còn mình ngồi dưới nền đất. Buổi tối, cậu dựa lưng vào bức tường bên cạnh để nghỉ ngơi.
Khi đưa mẹ đến bệnh viện, vì tình huống gấp gáp, Quang không kịp mang theo đủ vật dụng cần thiết. Cậu chỉ mang một chiếc bát, thìa, ít khăn giấy và chiếc sạc điện thoại để có thể liên lạc với anh chị ở nhà.
Thế nhưng cậu không bỏ quên thuốc tim và bệnh án tim của mẹ để bác sĩ theo dõi.
"Tôi thấy đa số bệnh nhân có bệnh nền chỉ để ý đến việc điều trị Covid-19, quên đi căn bệnh nặng hơn của mình.
Theo tôi, nếu bệnh nền không ổn định, cùng lúc lại mắc Covid-19 thì rất nguy hiểm", Quang nói.
Sau 4 ngày phải nằm tạm tại sân bệnh viện, mẹ của Quang đã được chuyển lên phòng bệnh. Lúc này, cậu không được theo mẹ nữa, phải về nhà chờ đợi tin tức.
Tại nhà, Quang và các thành viên trong gia đình đều rất sốt ruột và lo lắng. Mỗi ngày, cậu đều gọi điện video cho mẹ để hỏi thăm tình hình.
"Để mẹ ở lại bệnh viện một mình là khoảng thời gian tăm tối nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã rất lo sợ nhưng luôn cố gắng giữ bình tĩnh, gọi điện với mẹ mỗi ngày để nói chuyện làm mẹ vui. Tôi biết tinh thần thoải mái, tích cực là yếu tố cực kỳ quan trọng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Tuy thời gian nằm viện và hồi phục lâu, rất may mắn là mẹ tôi không chuyển biến nặng, chỉ phải thở oxy mà thôi. Trong viện, mẹ đã có thể tự đi lại và giặt quần áo", Quang chia sẻ.
Ngày 8/9, mẹ Quang đủ điều kiện xuất viện, được xe của bệnh viện đưa về nhà miễn phí. Trước đó ít ngày, Quang và 4 thành viên còn lại trong gia đình cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Quang cho biết mẹ mình vẫn còn mệt nhưng không còn triệu chứng nặng. Bà tiếp tục phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày tiếp theo.
Kỳ tích
Ngoài mẹ diễn tiến nặng, 5 F0 khác trong gia đình Quang đều khá khỏe mạnh, có thể tự điều trị tại nhà. Các thành viên uống thuốc điều trị triệu chứng, bảo ban nhau ăn uống đủ chất và mỗi ngày đều ra sân nhà tập thể dục, hít thở không khí trong lành.
Ngoài ra, các thành viên còn liên tục động viên nhau cố gắng giữ tinh thần tích cực.
Quang và anh chị mình luôn nói rằng hãy lạc quan nhưng quyết không chủ quan, vẫn phải tự theo dõi tình trạng cá nhân, sử dụng thuốc và chăm sóc phù hợp.
"Tôi, anh trai, chị dâu và 2 cháu đều chỉ mệt nhẹ, mất vị giác và ho. Chúng tôi chú ý ăn uống đầy đủ, vận động và nghỉ ngơi thích hợp, tránh nằm lì một chỗ.
Buổi sáng, mỗi người chúng tôi uống một viên C sủi, sau đó ăn sáng rồi ra sân phơi nắng khoảng 30 phút. Chúng tôi cũng uống nhiều nước ấm, xông nước gừng, sả mỗi ngày", Quang chia sẻ.
Khi đã cùng cả nhà chiến thắng Covid-19, Quang cho rằng căn bệnh này thật sự đáng sợ, đặc biệt với những nhà có người cao tuổi.
Theo cậu, đối với những gia đình có người già mắc Covid-19, thân nhân cần chuẩn bị kỹ lưỡng các loại thuốc và thiết bị y tế như nhiệt kế, máy đo nồng độ oxy trong máu, máy đo huyết áp… Nếu không có, phải chú ý theo dõi tình trạng người bệnh liên tục.
"Giờ đây tôi vui lắm. Nhờ các y bác sĩ mà mẹ tôi đã làm được kỳ tích chiến thắng Covid-19 như vậy. Tôi nghĩ trong tình huống khẩn cấp, mọi người cần liên hệ ngay cho bác sĩ hoặc trung tâm y tế được được hướng dẫn.
Khi người thân rơi vào tình trạng nặng, hãy cố gắng xin sự trợ giúp được cấp cứu. Mọi người phải hành động ngay lập tức vì mỗi phút giây đều là cơ hội để cứu sống người thân mình", Quang nói.
Từ 27/4 đến 6h ngày 8/9, TP.HCM ghi nhận 265.846 ca dương tính SARS-CoV-2, là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca mắc Covid-19.
Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ các địa phương dập dịch, điều trị bệnh nhân tại khu vực phía Nam. Nhiều trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 đã được xây dựng và đi vào hoạt động, giảm tải tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong.