Hành trình không ngừng nghỉ trong thu hút đầu tư
Để có được hàng loạt công trình, dự án tầm cỡ, làm 'điểm tựa' cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như ngày hôm nay, từ sau giai đoạn bao cấp, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã chú trọng việc kêu gọi hỗ trợ cũng như thu hút đầu tư các dự án. Mỗi giai đoạn có những phương cách thu hút đầu tư khác nhau phù hợp với điều kiện thực tiễn, để đến hôm nay, những thành quả ấy được góp lại thành 'hành trang' phát triển cho hậu thế.
Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn – công trình được nung nấu ý tưởng từ giai đoạn 1996-2000.
Ở tuổi thất tuần, tuy không còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh như trước, nhưng ông Trịnh Trọng Quyền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lại nhớ như in việc lãnh đạo tỉnh xúc tiến để có những dự án đầu tư lớn vào tỉnh những năm gian khó. “Giai đoạn 1996 đến 2004, tôi làm Phó Bí thư Thường trực rồi Bí thư Tỉnh ủy, cũng là giai đoạn mà tỉnh xúc tiến nhiều dự án lớn, nhất là dự án sản xuất. Cũng nói thêm để biết rằng, khi ấy mới thoát khỏi cơ chế bao cấp chưa lâu, tình hình kinh tế cả nước còn khó khăn, nhưng ở nhiều nơi vẫn coi trọng các công trình Nhà nước, phụ thuộc vào Nhà nước đầu tư, chưa chú trọng đến kêu gọi dự án sản xuất tư nhân, thậm chí là dự án nước ngoài. Nhưng những giai đoạn ấy, lãnh đạo tỉnh ta đã xác định được cần phải thu hút đầu tư và có nhiều dự án sản xuất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo việc làm, mà đến nay vẫn hoạt động hiệu quả” – ông Trịnh Trọng Quyền chia sẻ.
Theo ông, để có điều kiện thu hút các dự án, từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở đi, tỉnh đã hình thành một số khu công nghiệp. Những năm 1993 – 1994 đã hình thành nên “Tứ Sơn” – 4 vùng động lực phát triển sau này, gồm: Sầm Sơn, Nghi Sơn, Lam Sơn – Sao Vàng và Bỉm Sơn. Lúc ấy chỉ là 4 điểm nhỏ, 2 vị trí là Lam Sơn – Sao Vàng và Nghi Sơn thì còn hoang sơ, nhưng lãnh đạo tỉnh đã thấy được lợi thế về vị trí và tiềm năng của nó để rồi từng bước khai mở. Đến năm 1998, Khu Công nghiệp Lễ Môn được xây dựng, nhanh chóng thu hút được nhiều dự án đầu tư. Khi đã có được cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, việc thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả.
Cũng trong nhiệm kỳ 1996 – 2000, Cảng biển Nghi Sơn đã được xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư. Đến năm 2001, những hạng mục đầu tiên của cảng biển này đã được đầu tư xây dựng, mở ra bước ngoặt phát triển cho Khu Kinh tế Nghi Sơn sau này. Khi đã có cảng biển và hệ thống hạ tầng công nghiệp – tuy còn sơ khai, tỉnh đã tích cực kêu gọi đầu tư. Dự án đầu tiên được thu hút thành công vào Nghi Sơn lại là một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, đó là Nhà máy Xi măng Nghi Sơn. “Từ năm 1994, tỉnh đã nhờ các bộ, ngành Trung ương đấu mối mời gọi. Khi họ đến xúc tiến, chúng tôi vui nhưng cũng phải tìm hiểu xem có ảnh hưởng môi trường hay không, được cái gì mất cái gì. Lãnh đạo tỉnh có gợi ý sang Nhật Bản xem hệ thống nhà máy của họ vận hành ra sao, họ đồng ý. Tôi sang đó, thấy họ có những nhà máy xi măng rất lớn nhưng chỉ có chừng 100 công nhân, còn lại được tự động hóa bằng máy móc, kể cả khâu lấy đá, vận chuyển về nhà máy. Với nước ta lúc đó, công nghệ này là cực kỳ hiện đại, chúng tôi về và đồng ý” – ông Quyền hồi tưởng. Năm 1996, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn được xây dựng, tạo niềm tin cho nhiều nhà đầu tư tiếp theo, đánh dấu một thời kỳ phát triển ngày càng hưng vượng cho Khu Kinh tế Nghi Sơn. Đến nay, nhà máy này vẫn ngày đêm hoạt động, đóng góp không nhỏ cho nguồn thu ngân sách Nhà nước. Hệ thống cảng biển nước sâu Nghi Sơn cũng từng bước được đầu tư xây dựng, là điều kiện cần và đủ để tỉnh tiếp tục thu hút nhiều dự án đầu tư lớn.
Nói về một trong những dự án đầu tư lớn nhất Việt Nam hiện nay là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, ít ai biết rằng, nó đã được “manh nha” từ 15 năm trước khi được động thổ, triển khai xây dựng. Bởi theo lời kể của đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Trọng Quyền, giai đoạn 1996 – 2000, Thanh Hóa đã mấy lần đề xuất Trung ương được quy hoạch và kêu gọi thu hút đầu tư một trung tâm lọc hóa dầu tại Nghi Sơn. Khi phương án được đưa ra, nhiều bộ, ngành còn cho rằng đó là ý tưởng xa vời và không khả thi, nhiều người không ủng hộ. Theo một số người, phải là nơi có cảng nước sâu, tấp nập như Hải Phòng, Vũng Tàu mới làm được lọc hóa dầu. Khi đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư, lãnh đạo tỉnh đã tranh thủ ý kiến, tiếp tục trình bày ý tưởng. Đến cuối năm 1999, Bộ Chính trị đã đồng ý quy hoạch một trung tâm lọc hóa dầu tại Thanh Hóa. Cùng với xúc tiến đầu tư của tỉnh, các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ, đến tháng 10-2013, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được động thổ xây dựng. Qua đây có thể thấy, để có một dự án lớn, ngoài phải có tầm nhìn xa, trông rộng để thấy được tiềm năng tiềm ẩn của những vị trí đầu tư, phải không ngừng nghỉ xúc tiến đầu tư, mà có khi qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều thế hệ lãnh đạo mới mời gọi thành công được 1 dự án.
Những nhiệm kỳ gần đây, các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn xác định phải đổi mới công tác thu hút đầu tư vào tỉnh. Hàng chục cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư đã được ban hành, đi vào thực tiễn. Đáng nói, việc thu hút các dự án không còn thụ động chờ các nhà đầu tư đến tìm hiểu, tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư ở nước ngoài để giới thiệu tiềm năng, lợi thế và những chính sách thông thoáng khi đầu tư vào Thanh Hóa. Giai đoạn 2015 – 2020 này, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh đều dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh, tổ chức nhiều cuộc xúc tiến, mời gọi đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Cô-oét, Nga... Sau mỗi cuộc xúc tiến đầu tư trên đất nước bạn, nhiều nhà đầu tư sở tại đã quan tâm, đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thanh Hóa.
Riêng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, đã chủ động gửi các thông tin hoặc tiếp cận các nhà đầu tư để mời gọi, xúc tiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Thanh Hóa. Cùng với đó, ban đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh. Trong 5 năm qua, thay mặt tỉnh, cơ quan này đã tổ chức đón tiếp khoảng 200 đoàn nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia tìm hiểu cơ hội. Trong số đó có những tập đoàn kinh tế tầm cỡ trên thế giới, như: Exxon Mobil (Hoa Kỳ), PEC (Singapore), Hyosung, Huyn Dai (Hàn Quốc)...
Đơn giản thủ tục hành chính đã được tỉnh xác định là giải pháp quan trọng để thu hút đầu tư. Từ khi thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa trực thuộc UBND tỉnh, các đầu mối thủ tục được đơn giản hóa, doanh nghiệp và các nhà đầu tư không phải đi nhiều sở, ngành để xin các thủ tục như trước. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại chỗ tiếp tục thực hiện giảm từ 30 đến 60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định, đồng thời tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020 vừa được tổ chức vào tháng 6, đã có 34 dự án đầu tư được tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư; tổng số vốn đăng ký đầu tư của các dự án gần 15 tỷ USD. Đó chính là kết quả của thời gian dài nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh, các ngành, đơn vị liên quan. Đồng thời, là động lực mới để tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, kêu gọi thêm nhiều dự án đầu tư, đồng hành cùng tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh.