Hành trình làm bạn với con

Làm bạn với con, cụm từ nghe thật đơn giản nhưng để làm được điều đó là cả một hành trình cố gắng của các bậc làm cha mẹ.

Trong giai đoạn các con nghỉ học vì dịch bệnh, anh Dương Quang Khương dành hầu hết thời gian trong ngày cho con

Trong giai đoạn các con nghỉ học vì dịch bệnh, anh Dương Quang Khương dành hầu hết thời gian trong ngày cho con

Không tạo áp lực cho con

Những ngày gần đây, khi các con đã đến trường, anh Dương Quang Khương (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức), tỉnh Long An mới có thêm nhiều thời gian dành cho việc cá nhân. Trong giai đoạn các con nghỉ học vì dịch Covid-19, anh dành hầu hết thời gian trong ngày cho con. 3 cha con cùng nhau chơi thể thao, chơi những trò chơi trẻ con, đọc sách, học online,... vừa trò chuyện, chia sẻ với nhau những chuyện từ nhỏ nhặt đến rất “tày đình” như “con bị điểm thấp trong bài kiểm tra”.

Anh Khương cho biết, vợ chồng anh rất thoải mái trong quá trình giáo dục con, không đè nặng bất kỳ áp lực nào, cũng không đòi hỏi con phải làm theo ý cha mẹ, từ chuyện học hành đến đời sống hàng ngày. Anh Khương chia sẻ: “Tôi muốn con thể hiện chính kiến, rèn luyện tính tự lập nên thường để con tự làm, tự quyết định từ những việc nhỏ: Tự chọn quần áo đi học, đi chơi, thích môn thể thao nào chơi môn ấy,... Điều đó giúp con được thoải mái và học cách ra quyết định, chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Khi bị bắt làm một chuyện gì đó mình không thích thì người lớn cảm thấy khó chịu, không vui. Trẻ con cũng vậy!”.

Con trai lớn của vợ chồng anh Khương năm nay lên lớp 6, là cậu bé vui vẻ, hiền lành và lễ phép. Ngoài giờ học ở trường và học bài ở nhà, con dành thời gian chơi thể thao cùng cha và em trai, làm bánh cùng mẹ hoặc nghiên cứu những món đồ chơi con thích. Con không tham gia bất kỳ lớp học thêm nào. Anh Khương chia sẻ thêm: “Học lực của con xếp loại khá, nhiều lúc con có những bài kiểm tra điểm thấp. Theo dõi việc học hành của con, đôi khi vợ chồng tôi cũng lo lắng vì sợ con sẽ thiếu tự tin nếu điều đó kéo dài. Nhưng tôi và bà xã vẫn thống nhất quan điểm là không tạo áp lực cho con, không bắt con phải học nhiều hơn. Tôi chọn cách trò chuyện với con nhiều hơn để con hiểu rõ trách nhiệm của mình”.

Có rất nhiều bậc phụ huynh gặp áp lực lớn trong việc học tập của con mình. Các lớp học thêm vẫn đông học sinh, các lớp ngoại ngữ vẫn luôn kín chỗ. Đôi khi, điều đó chính là một “cuộc đua” ngầm giữa các bậc phụ huynh. Và vợ chồng anh Khương chọn đứng ngoài vòng quay đó. Các con của anh chị được phép ở nhà sau giờ học và làm những điều mình thích. Anh chị cho phép các con tự do thể hiện cá tính của mình. Cả hai đều rất vui vẻ, hòa đồng, biết phép tắc, cư xử tốt và biết chơi thể thao.

Thực ra, một đứa trẻ lễ phép liệu có phải là một đứa trẻ gọi dạ bảo vâng, gặp ai cũng khoanh tay lễ phép chào? Không! Thứ lễ phép ấy dường như chỉ để thỏa mãn người lớn chứ không phải thực sự đứa trẻ ấy lễ phép. Tôi nghĩ thế này, một đứa trẻ lễ phép trước nhất phải là một đứa trẻ văn minh và lịch sự... Đừng bắt con trở thành những đứa trẻ gọi dạ bảo vâng lễ phép ngoan nhất nhà để rồi không biết lên tiếng khi mình bị xâm hại hay cố đóng vai một đứa trẻ nhất nhất nghe lời người lớn không còn năng lực phản biện nữa!

(Trích trong bài viết Một đứa trẻ lễ phép không phải đứa trẻ gọi dạ bảo vâng của nhà văn Hoàng Anh Tú đăng trên trang cá nhân)

“Có chuyện gì thì nói với mẹ hoặc cha”

Nhưng hành trình nào cũng có những khó khăn riêng. Khi con được tạo điều kiện thể hiện chính kiến, nói lên quan điểm cá nhân thì sẽ có lúc con và cha mẹ bất đồng quan điểm, con không nghe theo những gì cha mẹ nói hoặc quyết tâm làm theo ý của mình. Những lúc như vậy, vợ chồng anh Khương chọn cách trò chuyện, giải thích. Nếu đến mức phải răn đe thì anh chị cũng giải thích cho con hiểu rõ vì sao cha mẹ lại hành xử như vậy. Anh Khương kể: “Con trai nhỏ rất thích chơi với tôi. Tôi thấy điều đó rất vui nhưng đôi khi mình mệt hoặc có những công việc cần giải quyết nhưng con vẫn đòi mình chơi cùng thì khá là bực mình. Tôi thường nói rõ cho con biết tôi đang bận việc gì và hẹn con đến thời điểm nào đó sẽ chơi cùng con. Và tất nhiên tôi phải giữ lời hứa. Không thể tránh khỏi những lúc nổi cáu, thậm chí là đánh con nhưng tôi chỉ đánh 1 roi nhỏ. Trước khi đánh, tôi nói rõ lý do và giải thích cho con hiểu vì sao mình làm như vậy. Mỗi lần đánh con, tôi đều áy náy trong lòng!”.

Gia đình anh Khương có một nét văn hóa khá hay là mọi thành viên đều nói chuyện nhẹ nhàng với nhau. Điều đó bắt đầu từ việc anh chị chú ý rèn luyện cách nói chuyện nhẹ nhàng và thể hiện thái độ tôn trọng với con. Các con anh ngoài việc nói chuyện lễ phép còn là những đứa trẻ hiểu phép tắc, biết cách chờ đợi khi cha mẹ bận chưa thể chơi cùng.

Thời gian gần đây, con trai lớn bước vào tuổi dậy thì, con có một số thay đổi nhất định, ít chia sẻ cùng cha mẹ khiến anh chị lo lắng. Những cảm giác con có việc gì đó phiền muộn, anh Khương thường nói với con: “Có chuyện gì thì nói với mẹ hoặc cha. Cha với mẹ là người gần gũi với con nhất”. Anh chị luôn cố gắng tạo cho con sự yên tâm và khẳng định một điều, cha mẹ luôn sẵn sàng ở đó, lắng nghe con. Hiểu con đang bước vào giai đoạn thay đổi tâm, sinh lý, sẽ có những xáo trộn nhất định nhưng anh không quá lo lắng. Với anh Khương, đồng hành cùng con là một quá trình, tùy vào giai đoạn khi con trưởng thành dần và thay đổi thì cha mẹ sẽ thay đổi cùng con.

Từ khi con còn bé, anh chị đã chọn định hướng đồng hành, lắng nghe con nên anh Khương tin thời gian tới mọi chuyện sẽ không có gì thay đổi. Anh Khương không khẳng định mình đã trở thành bạn của con nhưng anh yên tâm rằng vợ chồng anh và con có thể trò chuyện, cảm thông, tôn trọng và yêu thương nhau./.

Những điều cha mẹ nên làm nhằm cải thiện mối quan hệ với con

Cha mẹ nào cũng yêu thương con và mong muốn có thể giao tiếp ôn hòa với con. Tuy nhiên, một số phụ huynh chưa nhận thức được sức mạnh đáng sợ của ngôn từ, dẫn đến việc vô tình làm con trẻ bẽ mặt hay tổn thương thông qua việc trêu đùa, lên án, phán xét, áp đặt, dọa dẫm, thậm chí là trừng phạt con trẻ. Khi trẻ cảm thấy sợ hãi, xấu hổ, lạc lõng, chúng sẽ cảm thấy không an toàn, không tôn trọng bản thân mình và người xung quanh. Nhiều đứa trẻ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình - nơi được định nghĩa là tổ ấm.

Muốn cải thiện mối quan hệ với con trẻ, cha mẹ cần giao tiếp với trẻ dựa trên tình yêu thương và sự tôn trọng. Một trong những cách đơn giản nhất là cảm thông trước, hướng dẫn sau.

- Làm thế nào để cảm thông? Cha mẹ hãy đặt mình vào hoàn cảnh của trẻ, hiểu vấn đề mà trẻ đang đối mặt và nắm bắt suy nghĩ, cảm xúc của chúng. Thông thường, khi trẻ đang có cảm xúc mạnh, chúng không muốn lắng nghe lời khuyên nhủ nào cả mà chỉ cần được cảm thông và lắng nghe. Việc hướng dẫn, chỉ bảo trẻ cần được lựa chọn thực hiện vào thời điểm phù hợp.

- Làm thế nào để hướng dẫn? Hành vi chưa tốt nào đó của trẻ cho thấy trẻ cần biết thêm thông tin để có thể làm tốt hơn. Những thông tin đưa ra cần ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, vừa sức với trẻ. Chẳng hạn, thay vì cha mẹ phán xét: “Con để đồ chơi bừa bộn quá!” hoặc “Con dọn dẹp đồ chơi đi!”, hãy thử nói: “Lego cần được gom vào thùng màu đỏ. Búp bê để ở ngăn kéo tủ dưới cùng”.

- Thậm chí, đôi khi cha mẹ không cần đưa ra lời hướng dẫn nào cả mà chỉ thể hiện mong muốn giúp đỡ thôi, cũng đủ để trẻ yên tâm và tự tìm ra cách làm đúng đắn cho mình. Chẳng hạn, hết học kỳ, cô giáo gọi điện thoại thông báo kết quả học tập của trẻ dưới trung bình. Điều này trẻ đã biết nhưng giấu không nói ra. Thay vì cha mẹ trách mắng về việc trẻ nói dối, hoặc phàn nàn về kết quả của chúng, hãy nói: “Cha mẹ rất lo lắng, không biết có thể làm gì để giúp con học tốt hơn. Mình cùng bàn cách nhé!”.

Khi cha mẹ tận dụng mọi cơ hội để nuôi dưỡng lòng tin nơi con trẻ bằng cách nhận ra và đáp lại cảm xúc của chúng, trẻ sẽ đặt niềm tin vào cha mẹ và dễ dàng nghe theo những lời hướng dẫn (vào thời điểm phù hợp) từ cha mẹ.

(Nhà thực hành chuyên nghiệp về: Trí tuệ cảm xúc cho gia đình, trẻ nhỏ và Chẩn đoán, trị liệu cho cha mẹ có hội chứng kiệt sức - Lê Thanh Tâm)

Thu Lam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hanh-trinh-lam-ban-voi-con-a132677.html