Hành trình leo núi cải thiện sức khỏe
Anh Trần Lạng, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh khác họ với tôi nhưng chúng tôi coi nhau như anh em trong nhà, đến nay đã hơn 30 năm có lẻ. Anh Trần Lạng hơn 5 tuổi nên tôi luôn coi anh là bề trên, hơn nữa anh còn là thầy của tôi về nghề bảo tàng, luôn độ lượng và chỉ bảo tôi những điều hay lẽ phải…
Một hôm, anh Trần Lạng nói với tôi: “Anh thấy chú có nhiều bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường lại đau khớp uống thuốc mãi không khỏi. Có lẽ chú cần theo anh đi leo núi mới có cơ may khỏi bệnh…”. Nghe anh nói, tôi không phản đối nhưng nghĩ rằng leo núi mà khỏi bệnh thì cũng... lạ. Thấy tôi đang lưỡng lự, anh nói thêm: “Leo núi rất mệt nhưng chú kiên nhẫn rồi sẽ quen và khỏi bệnh. Nếu nhất trí thì hai giờ chiều mai bắt đầu theo anh leo núi xem sao?”. Tôi nghĩ xưa nay những điều anh nói với tôi có sai bao giờ đâu và rồi tôi đã theo anh leo núi…
Hôm đó là một ngày hè oi ả, hai anh em tôi đến chân núi Nham Biền, gửi xe ở nhà dân. Khi đó, rất nhiều người leo núi cũng đã có mặt, không ai bảo ai, họ cùng theo nhau trèo dốc. Anh Lạng bảo tôi đi trước để anh đi sau, nếu có gì còn hộ tống. Trên đường, có đoạn dốc khá cao song đoàn người đi thoăn thoắt, ngoảnh đi ngoảnh lại đã ở trên cao, bỏ lại tôi đang nhấc từng bước, mồm mũi tranh nhau thở. Thấy vậy, anh Lạng động viên: “Chú cứ đi từ từ, anh chờ”.
Được anh động viên, tôi tiếp tục leo từng bước, từng bước. Khi đã lên lưng chừng con dốc thứ nhất, tôi liền ngồi phệt trên hòn đá to để thở. Một lát sau, anh Lạng lại động viên: “Cứ vừa đi vừa nghỉ, không vội”. Vừa đi vừa thở dốc, cuối cùng tôi cũng lên đến đỉnh con dốc thứ nhất. Chân tay, người ngợm mỏi rã rời, tôi nói với anh Lạng cứ đi tiếp, còn mình không thể đi được nữa. Nghe vậy, anh Lạng nói: “Thôi, buổi đầu leo thế thôi, chú đi xuống cẩn thận nhé”.
Cứ tưởng leo lên đã vất vả, hóa ra xuống dốc lại khó hơn, tôi phải dùng gậy chống từng bước mà mấy lần suýt ngã. Sau này đi nhiều tôi mới nhận ra rằng leo lên nếu trượt chân còn có thể chống tay nên ít nguy hiểm, còn xuống dốc mà ngã là nguy bởi luôn ở tư thế ngã ngửa, khó gượng…
Về nhà đêm đó tôi ngủ sâu giấc như thời niên thiếu và rất sảng khoái khi thức dậy. Dù vậy, phải tới 3 ngày sau tôi mới lại leo núi tiếp. Lần này tôi may mắn được làm quen với anh Lợi là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã nghỉ hưu. Anh Lợi gần như đại diện cho những người ở TP Bắc Giang hưởng ứng phong trào leo núi trên dải Nham Biền. Anh lợi bằng tuổi với tôi, cùng sinh năm 1958.
Anh Lợi có óc hài hước, lại làm bác sĩ nên thường dẫn dắt mọi người leo núi để tăng cường sức khỏe. Trên đường đi, anh dành nhiều thời gian giảng giải về tác dụng của việc leo núi, tuy mệt nhưng tôi vẫn cố theo kịp để nghe… Theo anh Lợi, leo núi là môn thể thao đặc biệt, là hoạt động rèn luyện nâng cao sức khỏe rất tốt. Vận động toàn cơ thể giúp hệ cơ giãn tới mức cao, đặc biệt là cơ vai, cơ chân, cơ đùi và cơ bắp tay. Ngoài ra, leo núi giúp hệ tuần hoàn máu và tim mạch lưu thông. Vì vậy hoạt động leo núi sẽ giúp tránh được các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, đột quỵ…
Lần này, tôi đã leo được lên tới đỉnh ngọn núi thứ 2, ngọn núi cao hơn so với ngọn núi thứ nhất tôi leo lần đầu. Tuy vậy lần này tôi vẫn phải dừng nghỉ 3 ngày vì leo quá sức sinh đau chân, đau toàn thân, khiến tôi không thể tiếp tục…
Những lần leo núi tiếp theo tôi lại được làm quen với anh Đoàn Hân là bác sĩ và là giảng viên của một trường y trên địa bàn tỉnh. Nhìn dáng điệu của tôi, anh nhỏ nhẹ nói, cách đây 5 năm tôi nặng 75kg và từng bị đột quỵ do biến chứng tiểu đường! Sau khi hồi phục tôi được anh em động viên đi leo núi. Ban đầu, nhiều đoạn tôi phải bò vì không thể theo kịp các vị ấy. Dần dần, tôi được anh em hướng cách đi bước ngắn và thật chậm, cứ mỏi lại nghỉ và nên đứng nghỉ vì ngồi sẽ bị nhão cơ sau càng mệt. Cứ túc tắc đi như vậy sẽ tạo sức bền, độ dẻo dai, tăng cường sinh lực, khắc phục nhược điểm của cơ thể do áp lực của tuổi tác hay căng thẳng từ cuộc sống.
Anh Hân cũng vui vẻ chia sẻ với tôi, trước đây anh nặng 75kg, bị bệnh tiểu đường, tim mạch và đột quỵ. Từ khi leo núi cách đây 5 năm, anh đã giảm còn 60kg, bệnh huyết áp không còn nữa, đặc biệt là bệnh tiểu đường đã trở về gần ngưỡng cho phép mà không cần uống thuốc tây.
Phải mất một tháng sau tôi mới chính thức chinh phục đỉnh ngọn núi cao nhất của dãy Nham Biền - đỉnh cao mang tên núi Ông Lao (có truyền thuyết gọi là núi ông Đống). Đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt thấy phong cảnh kỳ vĩ lạ thường, sơn thủy hữu tình. Ở đây tôi đã gặp một người đang xếp bằng ngồi thiền trước nắng gió của núi rừng, hỏi ra mới biết ông là Vũ Huy Ba, là nhà báo, tác giả của nhiều cuốn sách về sinh lý học con người. Hàng ngày ông đều leo lên đỉnh núi ngồi thiền, luyện yoga khí công. Năm nay ông Huy Ba ngoài 75 tuổi song rất săn chắc, khỏe mạnh.
Cứ sau mỗi hành trình trải nghiệm leo núi, chúng tôi lại tập kết tại một điểm để hàn huyên trò chuyện. Với cá nhân tôi, quá trình ba tháng tập leo núi và leo núi có thể nói là thành công! Vì đó là kết quả trải nghiệm cực kỳ vất vả, đòi hỏi phải kiên trì, biết dành thời gian và sức lực nhất định để leo núi. Bất kể trời nắng mưa vẫn leo núi, khi đã chinh phục được độ cao rồi mới thấy mình là người chiến thắng.
Trở lại ba tháng trước khi leo núi, tôi nặng 71kg, cao 1,62m, huyết áp thấp, thường không ổn định, tiểu đường trung bình ở mức cao, có thời điểm lên rất cao. Sau 15 ngày leo núi đã giảm còn 68kg, đường huyết giảm nhanh. Sau 30 ngày cân nặng giảm còn 67kg, đường huyết tiếp tục giảm. Cứ như vậy, các chỉ số liên tục giảm cho đến nay huyết áp trở về bình thường (122/80), cân nặng còn 66kg (giảm 5 kg sau 3 tháng) và đặc biệt đường huyết đã ổn định như người bình thường. Rõ ràng, leo núi là một môn thể thao rất hữu ích, từ một bệnh nhân khó chữa, thậm chí bi quan, suy sụp tinh thần, nay các chỉ số cơ bản về sức khỏe của tôi đã trở về bình thường mà không cần dùng thuốc.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/hanh-trinh-leo-nui-cai-thien-suc-khoe-161223.bbg