Hành trình minh oan cho người đàn ông Mỹ ngồi tù hơn 20 năm - Kỳ 2
Dennis Perry kể rằng ông không hề biết mình là nghi phạm trong vụ giết hại vợ chồng nhà Swain cho đến khi cảnh sát bắt đầu gõ cửa nhà ông hơn một thập kỷ sau vụ đó.
Kỳ 2: Bỗng dưng trở thành nghi phạm
Ông nhớ lại: “Tôi cứ nói với họ ‘Các ông bắt nhầm người rồi. Các ông đã bắt nhầm người rồi’. Họ muốn bắt ai đó... và đó là những gì họ làm”.
Vào ngày bị bắt, Perry kể rằng cảnh sát đã chặn xe ông khi ông đang trên đường về nhà sau giờ làm việc. Ông nhớ lại: “Tôi nhìn vào gương chiếu hậu và thấy súng ngắn, súng trường và mọi thứ khác chĩa về phía tôi. Ngày hôm đó mãi mãi in sâu trong tâm trí tôi”. Perry nói qua những giọt nước mắt: “Và tôi sẽ không bao giờ, tôi sẽ không bao giờ quên được”.
Mặc dù ông lớn lên cùng ông bà tại quận Camden, nơi xảy ra vụ giết người, nhưng Perry nói rằng vào năm 1985, ông đang sống cùng mẹ tại ngoại ô Atlanta, cách nhà thờ Baptist Rising Daughter gần năm giờ lái xe.
Perry lúc đó không có ô tô, nên ông đi nhờ xe của người hàng xóm đi làm mỗi ngày. Trong cuộc điều tra ban đầu về vụ giết người, cảnh sát đã xác nhận bằng chứng ngoại phạm của Perry với người hàng xóm và đã loại ông khỏi danh sách nghi phạm.
Tuy nhiên, khi phiên tòa bắt đầu vào năm 2003, các điều tra viên ban đầu đã về hưu và hầu hết các chứng cứ có thể giúp đội ngũ bào chữa của Perry chứng minh bằng chứng ngoại phạm của ông đã bị mất hoặc không còn trong hồ sơ vụ án.
Các cặp kính tìm thấy tại hiện trường vụ án cũng đã biến mất, nhưng người ta đã phân tích các cặp kính và các sợi tóc của người da trắng đã được kiểm tra ADN. Kết quả ADN từ sợi tóc loại trừ Perry.
Ngoài ra, các cặp kính “lạ” được một bác sĩ nhãn khoa kiểm tra và ông nhận xét rằng người đeo kính này bị viễn thị nặng và loạn thị ở mắt phải. Mắt của Perry không phù hợp với cái kính đó, vì kết quả kiểm tra cho thấy ông có thị lực 20/20 ở mỗi mắt và không bị loạn thị.
Bà Susan Clare, một luật sư của công ty King & Spalding, người làm việc trong đội ngũ minh oan cho Perry, nói với CNN: “Nếu nhìn vào vụ án của ông Dennis, ai cũng phải lo ngại rằng ông Dennis có thể đã bị truy tố và kết án về tội giết người mà không có bất kỳ chứng cứ vật lý nào gắn ông với hiện trường vụ án”.
Thay vì dựa vào chứng cứ vật lý, nhà chức trách đã dựng nên vụ án chống Perry dựa trên lời khai của một người phụ nữ tên là Jane Beaver - mẹ bạn gái cũ của Perry.
Sau khi tập phim “Unsolved Mysteries” được phát sóng, bà Beaver bắt đầu tiến hành điều tra riêng về vụ giết người, cho các phụ nữ đã chứng kiến vụ việc xem bức ảnh của Perry và hỏi liệu ông có phải là người đàn ông da trắng trong sảnh nhà thờ đêm đó không.
Trong phiên tòa, lời khai của bà Beaver đã cung cấp động cơ và phương tiện để chứng minh Perry có thể đã thực hiện vụ giết người. Luật sư Clare cho biết công tố viên cũng dựa rất nhiều vào nhận diện của nhân chứng về Perry là người đàn ông trong sảnh, mặc dù bà Beaver đã nói rằng ông có thể là kẻ giết người khi bà cho họ xem bức ảnh của ông cách đây một thập kỷ.
Nhiều năm sau, các luật sư minh oan cho Perry phát hiện rằng bà Beaver đã nhận 12.000 USD để làm chứng. Luật sư Clare nói rằng đội ngũ bào chữa không hay biết về việc nhân chứng quan trọng được trả tiền và nếu biết được điều này, có thể đã thay đổi toàn bộ chiến lược bào chữa của họ.
Sau một tuần xét xử, Perry bị kết tội giết hại Harold và Thelma Swain.
Vụ án ban đầu được xét xử như một tội ác nghiêm trọng và bang Georgia đã đề nghị án tử hình. Nhưng Charlie Swain cho biết ông và gia đình không muốn Perry bị kết án tử. Ông Charlie Swain nói: “Mẹ của Dennis đã cảm ơn tôi vì điều đó. Tôi vui vì tôi đã làm như vậy, vì ông ấy sẽ là người vô tội”.
Sau khi bản án được tuyên, Perry cho biết các công tố viên đã đến gặp ông với một lời đề nghị: Ông có thể chịu hai bản án chung thân liên tiếp, nhưng sẽ không có quyền kháng cáo.
Trong khoảnh khắc đó, Perry nói ông chỉ chắc chắn một điều: “Tôi chưa sẵn sàng chết. Vì vậy, tôi nói ‘Được rồi, tôi sẽ nhận bản án đó’”.
20 năm, 10 tháng và 6 ngày
Trong suốt những năm tháng quen biết chồng mình, bà Brenda cho biết bà chưa bao giờ thấy ông thực sự giận. Perry thừa nhận rằng đó không phải là tính cách của mình. Nhưng bà Brenda nói, bà sẵn sàng giận thay cho cả hai người, đặc biệt là về bản án của ông.
Bà Brenda và ông Perry kết hôn khi ông đang trong tù và bà nói bà ghét việc phải nghĩ đến cảnh ông ở đó một mình. Vì vậy, bà đã thăm Perry mỗi cuối tuần, thường xuyên dẫn theo các cháu. Trong một lần thăm đặc biệt, bà kể lại rằng cháu gái của họ đã chỉ lên hàng rào thép gai bao quanh nhà tù.
“Cô bé nói ‘Bà ơi, thật tốt khi những người đó đã đặt hàng rào thép gai lên đó để những người xấu không thể vào đó hại ông’”, bà nhớ lại. Bà kể: “Trong trái tim cô bé, cô bé thật sự tin rằng họ đang bảo vệ ông ấy”.
Nhưng sự thật đau lòng là cuộc sống trong tù thật khó khăn đối với Perry. Gia đình luôn nhấn mạnh với các cháu rằng “Papa Sunshine” đáng lẽ không bao giờ phải vào tù ngay từ đầu.
“Các cháu luôn biết rằng ông phải ở đó vì ai đó đã nói dối”, bà Brenda nói. Mất hơn hai thập kỷ để gia đình thuyết phục thế giới rằng điều đó là sự thật.
Mặc dù đã đồng ý không kháng cáo bản án, nhưng Perry nói rằng ông đã bắt đầu viết thư cho dự án Georgia Innocence Project (tạm dịch: Dự án Minh oan Georgia) về vụ án của mình vài năm sau khi bị kết án.
Perry kể: “Tôi đã cầu nguyện rất nhiều, hy vọng một ngày nào đó, có ai đó sẽ mở mắt, mở tai – có ai đó sẽ nghe vụ án của tôi vì tôi biết tôi không làm”.
Georgia Innocence Project đã tiếp nhận vụ án. Nhiều năm sau, vào năm 2018, họ đã đưa Phil Holladay và một nhóm tại công ty luật King & Spalding tham gia hỗ trợ. Sau lần gặp Perry lần đầu tiên, Holladay cho biết ông và luật sư Clare tin tưởng rằng Perry vô tội.
Ông Holladay nhớ lại: “Tôi bước vào nhà và vợ tôi hỏi ‘Chuyện thế nào rồi?’ Và tôi nói, ‘Ông ấy không giết người’”. Bản thân vợ ông cũng là một luật sư và đã hoài nghi về sự chắc chắn của ông. Ông kể: “Tôi nói, ‘Dennis là một trong những người hiền lành nhất anh từng gặp và ông ấy sẽ không làm điều đó’”.
Perry gọi nhóm luật sư của mình là “12 môn đồ”. Ông cảm động: “Họ không bao giờ bỏ cuộc. Và tôi cảm ơn Chúa vì điều đó”.
Đón đọc kỳ cuối: ADN giúp minh oan