Hành trình mới trong giám sát, phản biện xã hội của tổ chức công đoàn

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị có Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Đây là một cơ chế phát huy quyền làm chủ của người dân, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

Ảnh minh họa: Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam và thành phố Phủ Lý trao kinh phí hỗ trợ xây "Mái ấm Công đoàn". (Ảnh: ĐÀO PHƯƠNG)

Ảnh minh họa: Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam và thành phố Phủ Lý trao kinh phí hỗ trợ xây "Mái ấm Công đoàn". (Ảnh: ĐÀO PHƯƠNG)

10 năm qua, tổ chức công đoàn cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đã tiến hành các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhằm làm tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động.

Tổ chức công đoàn đã tập trung giám sát, phản biện xã hội về các lĩnh vực có liên quan đoàn viên, người lao động như: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tiền lương, thu nhập, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, vệ sinh an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giám sát việc người sử dụng lao động thực hiện nâng lương định kỳ, đột xuất và thực hiện quy định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật.

Qua giám sát, các cấp công đoàn đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, lao động, việc làm của công nhân, viên chức, lao động và thực tế hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tới các cấp, các ngành, góp phần hoàn thiện chính sách, cũng như phát hiện những bất cập trong tổ chức thực thi, đề xuất sửa đổi nhiều chính sách, pháp luật.

Sau 10 năm triển khai Quyết định số 217 còn có những bất cập, hạn chế. Đó là: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giám sát chưa nhiều; việc triển khai thực hiện Quyết định số 217 còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp, nhất là tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quyết định số 217 của một số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến chưa quan tâm, sâu sát, thường xuyên.

Một số liên đoàn lao động tỉnh không được chính quyền hỗ trợ kinh phí giám sát, phản biện xã hội. Hiệu quả giám sát, phản biện chưa đáp ứng yêu cầu mong muốn, chưa có đầu mối xử lý kết quả giám sát. Nguyên nhân là việc thực hiện giám sát, phản biện phụ thuộc nhiều vào ý kiến của đối tượng phản biện, giám sát; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công đoàn chưa tương xứng nhiệm vụ, còn tình trạng nể nang trong quá trình giám sát, phản biện.

Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, với một số điểm mới cơ bản, trong đó có bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội, đánh dấu một giai đoạn mới, hành trình mới về công tác giám sát, phản biện khi nội dung của Quyết định số 217 đã được thể chế hóa trong luật, là bước đệm quan trọng để tổ chức công đoàn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Điểm mới này giúp công đoàn tăng hiệu quả kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật lao động, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Để làm tốt hơn nữa công tác này, tổ chức Công đoàn Việt Nam rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành trong hoàn thiện quy định về việc tổ chức cuộc giám sát đối với từng loại hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Điều đó cũng giúp chỉ đạo cấp ủy các địa phương ban hành chủ trương, cơ chế chính sách, tạo điều kiện để công đoàn và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; xây dựng chế tài xử lý tổ chức, cá nhân cố ý không thực hiện kết luận giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Các cấp ủy đảng cần có sự chỉ đạo gắn kết quả kiến nghị sau thời gian giám sát, phản biện xã hội với đánh giá xếp loại người đứng đầu để phân loại thi đua người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giám sát; bên cạnh đó quan tâm bồi dưỡng kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ công đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động cũng cần tiếp tục chỉ đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, thành, công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty xây dựng kế hoạch giám sát của địa phương, ngành, đơn vị đối với những chính sách pháp luật có nội dung liên quan quyền, lợi ích của người lao động như: Tiền lương, thu nhập, đào tạo nghề, thi đua khen thưởng, các dự án nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, thiết chế văn hóa cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; gắn công tác chuyên môn với công tác phản biện xã hội; lựa chọn cán bộ có năng lực tham gia đoàn giám sát, làm tốt công tác hậu giám sát. Vấn đề cần quan tâm nữa là tổ chức thực hiện, cách thức thực hiện phải bảo đảm giám sát trong bối cảnh hoạt động bình thường của doanh nghiệp, không gây khó khăn, ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

PHÚC QUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hanh-trinh-moi-trong-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-cua-to-chuc-cong-doan-post849935.html