Khi tinh gọn bộ máy, doanh nghiệp chỉ quan tâm rút ngắn được bao nhiêu thủ tục

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, TS Trần Du Lịch cho rằng, với cuộc 'cách mạng' về tinh gọn bộ máy, doanh nghiệp chỉ quan tâm rút ngắn được bao nhiêu thủ tục, mất bao nhiêu thời gian.

Doanh nghiệp trong nước đối diện nhiều thách thức

Sáng 12/12, tại TPHCM, Báo Người lao động đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ tư với chủ đề “Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới”.

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế đã thảo luận về các chính sách, việc nắm bắt xu hướng góp phần hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn đầy biến động.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ tư có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế. Ảnh: Hoàng Triều

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ tư có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế. Ảnh: Hoàng Triều

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, cho biết, ngành nông nghiệp nước ta hiện đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu. Trong đó, nhiều ngành giữ vị trí đứng đầu như cà phê, gạo, hồ tiêu.

Tham gia thị trường thế giới, theo ông Đỗ Hà Nam, DN trong nước đối diện nhiều rủi ro. Để tồn tại, DN cần đầu tư vào sơ chế, chế biến để tạo thêm nguồn thu từ giá trị gia tăng thay vì chỉ hưởng chênh lệch về giá. Bên cạnh việc tự phát triển chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, DN rất cần được hỗ trợ về nguồn vốn.

Ông Đỗ Hà Nam chia sẻ những khó khăn của DN nông nghiệp khi tham gia thị trường thế giới. Ảnh: Hoàng Triều

Ông Đỗ Hà Nam chia sẻ những khó khăn của DN nông nghiệp khi tham gia thị trường thế giới. Ảnh: Hoàng Triều

Theo ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công, DN trong nước nói chung và ngành dệt may nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức.

Đối với ngành dệt may, trong bối cảnh mới, DN gặp nhiều khó khăn khi vừa chuyển đổi số vừa chuyển đổi xanh. Hầu hết đối tác nước ngoài đều yêu cầu DN dệt may phải sản xuất “xanh” nhưng giá bán lại không tăng.

Muốn đáp ứng được các yêu cầu trên, các DN dệt may cần phải có chi phí để đầu tư. Điều này khó nhưng vẫn phải làm, vì nếu không làm sẽ mất khách hàng, giảm doanh số.

Góp ý về chính sách, theo ông Trần Như Tùng, thống kê thời gian qua cho thấy, tỷ trọng giá trị nhập khẩu ngành dệt may từ Trung Quốc rất cao. Trong khi đó, tỷ trọng giá trị xuất khẩu vào Mỹ cũng có xu hướng tăng. Thực tế, đã có sự dịch chuyển của DN dệt may Trung Quốc sang Việt Nam và họ có thể dùng nước ta làm điểm trung chuyển để xuất khẩu vào các nước khác. Cơ quan chức năng cần có biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, tránh việc DN trong nước bị đánh thuế cao.

Theo TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, năm nay, kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực và khả năng đạt tăng trưởng 7%. Năm 2025, dự báo mức tăng trưởng từ 6,6% - 6,8% hoặc có thể đạt mức cao hơn từ 7% -7,5%.

Qua khảo sát khoảng 600 doanh nghiệp tại TPHCM, TS Cấn Văn Lực nhận thấy, đột phá về thể chế là câu chuyện rất được quan tâm. Cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy đang được Chính phủ triển khai cũng là bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế.

Tinh gọn bộ máy góp phần phát triển kinh tế

Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kinh tế nước ta năm 2024 diễn biến “khác thường” nhưng mang hướng tích cực.

Quý 1/2024, khu vực kinh tế nội địa gặp nhiều khó khăn. Đến các quý sau, tình hình kinh tế khởi sắc hơn, điều này đến từ sự vực dậy của khu vực kinh tế ngoại, từ xuất khẩu đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần giải quyết các điểm nghẽn về thể chế để tạo lòng tin cho DN. Ảnh: Hoàng Triều

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần giải quyết các điểm nghẽn về thể chế để tạo lòng tin cho DN. Ảnh: Hoàng Triều

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, chi ngân sách vẫn ở mức cao. Chi thường xuyên của ngân sách, chủ yếu dành cho bộ máy hành chính, chiếm tới 70%. Trong khi đó, nguồn thu nội địa chỉ đạt 18,6%. Các điểm nghẽn thể chế cần giải quyết để tạo lòng tin cho doanh nghiệp.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu thể chế, TS Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là những vướng mắc từ những quy định của nhà nước và thị trường. Nhà nước đưa ra quá nhiều quy định khiến thị trường không thể vận hành hiệu quả. Ngoài ra, có nhiều quy định phức tạp trong các mối quan hệ dân sự.

TS Trần Du Lịch phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Triều

TS Trần Du Lịch phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Triều

Theo TS Trần Du Lịch, khi nước ta chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, nhiều quy định được ban hành ra như tự trói mình. Sau đó đi tháo gỡ từng phần. Nhà nước đã giao cho từng bộ, ngành với chức năng và nhiệm vụ cụ thể, việc cần làm là xem xét lại chức năng nào cần giữ, chức năng nào bỏ đi để cấu trúc lại.

“Tôi ủng hộ công cuộc tinh gọn bộ máy đang được Chính phủ thực hiện. Khi tinh gọn bộ máy, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc rút ngắn được bao nhiêu thủ tục, tiết kiệm được bao nhiêu thời gian?”, TS Trần Du Lịch chia sẻ.

Anh Phương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khi-tinh-gon-bo-may-doanh-nghiep-chi-quan-tam-rut-ngan-duoc-bao-nhieu-thu-tuc-2351567.html