Hành trình Nam Sông Hậu

Quốc lộ Nam Sông Hậu thông xe toàn tuyến từ năm 2011. Điểm đầu tuyến từ thành phố Cần Thơ, chạy qua địa phận các tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng đến tỉnh Bạc Liêu. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Quốc lộ Nam Sông Hậu dài 117km, dài nhất so các địa phương khác, đi qua các huyện: Kế Sách, Long Phú, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Công trình này chính thức đi vào hoạt động đã khơi dậy tiềm năng trù phú cho các vùng đất mà nó đi qua, trong đó có 4 địa phương thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Kỳ 1: Kế Sách thủ phủ trái cây của tỉnh Sóc Trăng

Kế Sách là điểm đầu của tuyến đường Nam Sông Hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong đó, thị trấn An Lạc Thôn của huyện là cửa ngõ vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Nông dân huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thu hoạch nhãn xuồng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Nông dân huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thu hoạch nhãn xuồng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Một ngày tháng 8/2024, từ trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng, khi trời còn chưa tỏ mặt người, tôi lên đường với hành trang là chiếc ba lô đựng mớ “đồ nghề” cho chuyến đi dọc tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu đoạn qua tỉnh Sóc Trăng. Cùng người bạn đường chung thủy với tôi là chiếc xe gắn máy đã nhiều năm gắn bó, thẳng tiến về thị trấn An Lạc Thôn, Kế Sách để kịp buổi chợ sáng.

Huyện Kế Sách là vùng đất có truyền thống cách mạng, nằm ở phía Bắc tỉnh Sóc Trăng, phía Tây - Bắc giáp tỉnh Hậu Giang; phía Đông - Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh; phía Nam giáp huyện Châu Thành và huyện Long Phú. Huyện có 13 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc gồm 11 xã và 2 thị trấn, với huyện lỵ là thị trấn Kế Sách. Huyện có một số di tích lịch sử như Bia lưu niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thiều Văn Chỏi (xã Ba Trinh), di tích chứng tích chiến tranh như Bia tưởng niệm đồng bào bị thảm sát ở vàm Cái Cao (thị trấn An Lạc Thôn)...

Mạng lưới sông, kênh, rạch của Kế Sách dày đặc đan xen như mạng nhện và thường xuyên được nạo vét cung cấp đầy đủ nước ngọt cho dân cư và những vườn cây trái sum sê và Kế Sách là huyện có diện tích cây ăn trái lớn, được ví như “thủ phủ” cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng.

Đến năm 2024, diện tích trồng cây ăn trái của huyện là hơn 18 ngàn ha. Cơ cấu cây ăn trái được chuyển đổi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và theo tín hiệu thị trường. Trong đó, chanh, sầu riêng, vú sữa tăng nhanh diện tích. Từ đầu năm 2024 đến nay đã liên kết tiêu thụ bưởi được 395 tấn trong nước, xuất khẩu được 42 tấn. Vụ vú sữa năm 2023 - 2024 đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với sản lượng 158 tấn, liên kết tiêu thụ trong nước với sản lượng 180 tấn. Đến nay, có 15 hợp tác xã trồng cây ăn trái được cấp 45 mã số vùng trồng trên cây vú sữa, bưởi, xoài, thanh nhãn và sầu riêng với 453 hộ tham gia, diện tích 431ha. Và sản xuất cây ăn trái theo quy trình VietGAP được 9 mô hình với 246 hộ tham gia, diện tích 258ha, tiếp tục triển khai mô hình sản xuất VietGAP trên cây vú sữa bơ hồng và vú sữa tím tại Hợp tác xã Nông nghiệp Xóm Đồng 2 với 35 thành viên tham gia, diện tích thực hiện mô hình 28ha.

Người dân phấn khởi với vụ nhãn. nh: HOÀNG PHÚC

Anh Quách Tấn Thuần, xã Thới An Hội (huyện Kế Sách) tâm tình: “Được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện nên người dân ở đây phát triển vườn cây ăn trái cho thu nhập tốt hằng năm, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ khi có Quốc lộ Nam Sông Hậu nên việc lưu thông, trao đổi hàng hóa với các nơi cũng thuận tiện hơn”.

Ngoài diện tích cây ăn trái phát triển mạnh, bền vững, thì cây lúa và các hoạt động thương mại - dịch vụ; các lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện cũng phát triển rất tích cực, góp phần đem lại đời sống ấm no, sung túc cho người dân trên địa bàn huyện.

Đến hơn 6 giờ sáng, tôi đã có mặt tại chợ Cái Côn (thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách) ngồi nhâm nhi ly cà phê đá trong quán nước. Đã nhiều lần đến Cái Côn, tôi chứng kiến rất nhiều đổi thay của một vùng quê cây trái trù phú này. Trước đây, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi xây dựng cung đường này, vùng đất nơi đây đã thay da đổi thịt.

Trong tiếng ồn ào của xe cộ tấp nập lưu thông theo các ngã, tiếng bạn hàng trao đổi, mua bán, vẫn nghe tiếng nói, tiếng cười sang sảng của mọi người về sự phấn khởi, tự hào về quê hương, xứ sở. Anh Mai Chí Tâm, thị trấn An Lạc Thôn cho hay: “Từ khi có tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu thì đời sống người dân cũng có nhiều đổi khác, thuận tiện cho việc đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa, đời sống cũng ngày một đi lên. Nếu như trước đây, phải di chuyển bằng đường sông, chúng tôi đi Cần Thơ phải mất gần 2 giờ đồng hồ và đi đến trung tâm huyện lỵ cũng mất thời gian tương tự, có khi trễ tàu phải chờ chuyến sau, rất bất tiện. Từ khi có Quốc lộ Nam Sông Hậu đi Cần Thơ chỉ mất 30 phút, đi huyện Kế Sách mất 40 phút. Không chỉ vậy, các khu công nghiệp của các tỉnh lân cận được hình thành nhanh chóng, giúp giải quyết việc làm cho người dân, công nhân có thể đi và về mà không cần phải ở trọ như trước kia”.

Nhấp cạn ly cà phê, trời cũng hửng nắng, tôi tiếp tục xuôi đường Nam Sông Hậu hướng về phía Nam qua miệt cây trái sai oằn của An Lạc Tây, Nhơn Mỹ. Ghé thăm nhà anh bạn Trần Văn Hòn ở xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách), khi gia đình anh đang vào mùa thu hoạch nhãn da bò. Với vẻ mặt rạng rỡ, anh Hòn cho hay: “Năm nay thu hoạch cũng khá, giá cả phải chăng nên có lời, vườn nhà tôi còn trồng các loại cây trái khác chứ không trồng chuyên canh một loại. Tận dụng vườn cây trái, tôi còn phát triển đàn ong mật hơn chục thùng, hằng tháng thu hoạch hơn 100 lít mật để cung ứng cho bạn hàng. Nuôi ong mật cũng đơn giản, ở xứ này vườn cây trái mênh mông nên ong không thiếu mật. Hằng tuần, tôi đều xuôi theo đường Nam Sông Hậu bỏ mối mật ong, bây giờ điều kiện đi lại quá thuận tiện”.

Rời nhà anh Hòn, tôi tiếp tục tiến về xã Nhơn Mỹ trên cung đường Nam Sông Hậu, đi đến đâu cũng là màu xanh mướt mát của cây trái dọc theo tuyến lộ. Rồi ngó mắt về phía cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, nơi hằng năm đều diễn ra Lễ hội sông nước miệt vườn vào dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) mà trong lòng trào dâng niềm tự hào, phấn khởi. Nơi đây, trong những ngày diễn ra lễ hội, thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan. Lễ hội quy tụ nhiều loại trái cây trên địa bàn huyện và các loại trái cây đặc trưng của vùng đất Nam Bộ như: bưởi da xanh, bưởi năm roi, cam, vú sữa, sầu riêng, mít, măng cụt, nhãn, xoài… Ngoài ra, tại lễ hội còn giới thiệu các món ẩm thực địa phương; triển lãm ảnh thành tựu kinh tế - xã hội của huyện và các trò chơi dân gian… Thông qua lễ hội mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm thú vị về việc nhìn ngắm, thưởng thức các loại trái cây ngon, đặc sản và món ăn ngon của vùng sông nước huyện Kế Sách; tạo ra cơ hội kết nối, phát huy những giá trị kinh tế vườn, quảng bá, phát triển du lịch miền sông nước của địa phương.

Theo lãnh đạo huyện Kế Sách, mục tiêu của huyện trong năm 2024 là duy trì sự ổn định của nền kinh tế, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Quan tâm phát triển lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Tập trung kêu gọi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư vào khu, cụm công nghiệp; các công trình, dự án phục vụ phát triển đô thị và nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ. Tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Trên địa bàn huyện Kế Sách, Quốc lộ Nam Sông Hậu đã mang đến sức sống mới, thay đổi đời sống người dân; là trục giao thông quan trọng, tạo môi trường thuận lợi cho việc khai thác tiềm năng và lợi thế của vùng ven sông Hậu, là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội của huyện.

HOÀNG PHÚC

(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/202408/hanh-trinh-nam-song-hau-5a60507/