Hành trình ngược dòng sông Hậu
Những ngày cuối tháng 3, trời nắng gắt! Chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình xuôi về miền Tây thực hiện loạt bài Bên những dòng kênh đào huyền thoại. Dọc theo những dòng kênh lịch sử, từ Bảo Định, kênh đào đầu tiên thời phong kiến ở miền Nam đến những dòng kênh có vai trò 'thủy lộ' như Vĩnh Tế, Xà No, Chợ Gạo, Dương Văn Dương nhằm kể lại câu chuyện khai hoang, trị thủy của bậc tiền nhân hàng trăm năm trước.
1. 12 năm sống ở vùng đồng bằng cũng là chừng ấy năm tôi có dịp đi về các tỉnh miền Tây không biết bao nhiêu lần. Và lần nào cũng vậy, tôi khá ngạc nhiên và thường hỏi đồng nghiệp mỗi khi bắt gặp một dòng kênh thẳng tắp ven đường. Trong suy nghĩ của tôi, đó chắc chắn là dòng kênh được tạo nên bởi bàn tay con người, có thể tôi chưa biết tên hay lịch sử hình thành của nó.
Những nơi chúng tôi đi qua khi thực hiện loạt bài đều có một điểm chung: Những dòng kênh này có vai trò thông thương, đưa nước ngọt vào đồng ruộng. Thế nhưng, trải qua hàng trăm năm, những dòng kênh này đang bị “ngủ quên”, mặc dù có Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhưng ngân sách đầu tư cho đường thủy nội địa còn hạn chế, chưa tương xứng với những tiềm năng mà đường thủy mang lại.
Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình của chúng tôi là TP.Cần Thơ. Hẹn với soạn giả Nhâm Hùng (một người con của đất Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) để tìm hiểu về kênh xáng Xà No nối Cần Thơ - Kiên Giang được ví là “con đường lúa gạo” miệt Hậu Giang. Ông rất bận bởi đang tất bật chuẩn bị cho Lễ hội bánh dân gian ở Cần Thơ. Từ Cần Thơ, chúng tôi xuôi về Hậu Giang, dự tính ở lại 2 ngày để khám phá “thủy lộ” lớn nhất xứ Nam kỳ, thế nhưng kế hoạch có sự thay đổi khi có thêm nhiều thông tin quan trọng.
Khi gặp Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Hậu Giang - Lê Minh Dũng, ông cho hay tỉnh có nhiều đổi mới, nhất là khai thác du lịch đối với kênh Xà No. “Chúng tôi muốn tái hiện lại cung đường mà tiền nhân đã đi qua hàng trăm năm trước bằng cách khai thác du lịch trên kênh Xà No” - ông Dũng nói. Ban ngày đi tìm tư liệu, đêm đến, chúng tôi đợi tàu chở khách du lịch trên dòng kênh này để lắng nghe chia sẻ của họ.
Qua những gì thu thập được, dòng kênh này không chỉ phục vụ tưới tiêu cho diện tích lớn trồng lúa ở Hậu Giang mà còn giữ nước, vận chuyển cho khóm Cầu Đúc - một đặc sản có lịch sử gần 100 năm đã được bảo hộ độc quyền. Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi tìm đến nhà của một lão nông nổi tiếng về trồng khóm Cầu Đúc đúng dịp cả nhà đang thu hoạch nhưng phải đợi gần tối ghe mới cập bến. Làm việc xong trong đêm, khi chúng tôi trở ra, trời đổ mưa lớn, đường tối mịt, rất khó di chuyển. Chật vật hàng giờ đồng hồ, chúng tôi đến TP.Long Xuyên (An Giang) khi trời bắt đầu sang ngày mới.
2. Tại đây, chúng tôi tìm gặp học giả Trần Văn Đông, Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh An Giang, để tìm thêm thông tin tư liệu. Và hành trình di chuyển liên tục từ Long Xuyên đi huyện biên giới Tịnh Biên và TP.Châu Đốc được diễn ra khoảng vài ngày để tìm hiểu về dòng kênh Vĩnh Tế.
Giữa cái nắng như thiêu đốt cả da thịt ở miệt biên giới và cả những cơn mưa bất chợt, dòng kênh Vĩnh Tế vẫn chở nặng những giá trị theo năm tháng. Đó không chỉ là tuyến đường giao thông huyết mạch, thông thương hàng hóa và phục vụ tưới, tiêu nông nghiệp, kênh Vĩnh Tế còn là sự khẳng định chắc chắn chủ quyền của Tổ quốc, không phải ngày này mà đã từ 200 năm trước.
Nhìn dòng kênh Vĩnh Tế dài gần 90km nằm sát Quốc lộ N1 thẳng tắp khó có thể tưởng tượng dòng kênh huyền thoại này được đào tay chỉ với cuốc, thuổng bởi hơn 80.000 người trong suốt 5 năm, là kênh đào quy mô nhất thời phong kiến.
Hàng trăm năm trước, khi đây còn là vùng đất biên ải hoang vu, cỏ mọc um tùm, sình lầy không cách gì tới được, quyết định đào một con kênh dài cả trăm cây số nối liền Châu Đốc và Hà Tiên, 2 thủ phủ kinh tế lớn của miền Tây thời đó của danh tướng Thoại Ngọc Hầu là quyết định thay đổi cả lịch sử. Nếu không có dòng kênh từng là nơi phân chia biên giới này, có lẽ tới tận bây giờ cũng không có những làng mạc, thị trấn phồn thịnh đến miền biên ải xa xôi. Nhưng dòng kênh Vĩnh Tế không chỉ có tên tuổi trong chính sử, nó còn gắn bó với vô vàn những câu chuyện dã sử của người dân vùng biên giới An Giang, Kiên Giang.
Khi hoàn thành, để thưởng cho công lao danh tướng Thoại Ngọc Hầu, triều đình đã cho ông tự chọn tên dòng kênh và ông lấy tên vợ mình, Châu Thị Vĩnh Tế để đặt cho dòng kênh này.
Giữa trưa nắng, chúng tôi ngược hành trình đến lăng Thoại Ngọc Hầu (còn gọi là Sơn lăng) tại phường Núi Sam, TP.Châu Đốc trùng dịp có đoàn khách từ Hà Nội đến thăm viếng, thắp hương. Ngoài ngôi mộ Thoại Ngọc Hầu cùng 2 phu nhân, chúng tôi còn chú ý đến những mộ vô danh. Nghe người dân trong vùng nói, họ là những binh lính đã theo Thoại Ngọc Hầu đào kênh mở cõi, bỏ xác nơi hoang vắng nên ông đưa về an táng tại khu đất mà sau này chính ông cũng nằm lại vĩnh viễn.
Câu chuyện thủy chung sống chết bền chặt giữa người danh tướng và những tùy tùng của mình bây giờ vẫn được lưu truyền. Nhìn những ngôi mộ ấy, nhớ lại khoảnh khắc nhìn dòng kênh Vĩnh Tế thẳng tắp hun hút in hình mây trắng, trời xanh trong một trưa vắng, chúng tôi bất giác bùi ngùi...
Trong lịch sử khai phá phương Nam, những kênh đào có vai trò quan trọng, nhất là trong phân chia địa giới, lãnh thổ. Những con kênh mang tên Vĩnh Tế, Chợ Gạo, Bảo Định, Xà No,... cho tới tận bây giờ vẫn là tuyến đường giao thông cũng như trị thủy huyết mạch của dải đất châu thổ.
Hàng trăm năm trước, các bậc tiền nhân đã khổ công đào những dòng kênh huyền thoại, mở mang bờ cõi, hành trình này vừa mang tính trải nghiệm, vừa là sự tri ân./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hanh-trinh-nguoc-dong-song-hau-a137434.html