Hành trình phi thường của nữ tiến sĩ khiếm thị đầu tiên ở Trung Quốc
Một nữ nghiên cứu sinh khiếm thị, truyền cảm hứng với những video sống tích cực, thu hút 430.000 người theo dõi.
Một nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ khiếm thị tại Trung Quốc thu hút sự ngưỡng mộ từ cư dân mạng. Các video của cô khiến mọi người kinh ngạc trước sự lạc quan và khả năng tự lập trong việc xử lý các công việc hằng ngày.
Được biết, cô tên là Huang Ying, 29 tuổi, sống ở Ninh Hạ, bị khiếm thị từ năm 2 tuổi do biến chứng của cơn sốt, theo thông tin từ tờ China Youth Daily.
Huang là nữ tiến sĩ khiếm thị đầu tiên ở Trung Quốc.
Năm 2015, cô đã xuất sắc vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học khắc nghiệt của Trung Quốc, được biết đến với tên gọi gaokao. Sau đó, cô theo học tại Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) ở tỉnh Hồ Bắc. Đặc biệt, cô là người khiếm thị đầu tiên tại Trung Quốc trúng tuyển vào một trường đại học hàng đầu thông qua kỳ thi gaokao, mở ra một cánh cửa mới cho những học sinh khuyết tật, thường chỉ có cơ hội học tại các trường trung học hoặc trường dạy nghề.
Với thành tích xuất sắc trong suốt quá trình học đại học, cô đã được giới thiệu vào chương trình sau đại học tại Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) mà không cần phải thi đầu vào. Hiện tại, cô là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa quản lý của trường.
Trong những năm qua, Huang đã sống chung ký túc xá với một sinh viên tên là Che Meng, người này bày tỏ sự ngưỡng mộ trước khả năng tự lập đáng kinh ngạc của cô trong cuộc sống hằng ngày.
Che Mengcho biết: "Ban đầu, tôi nghĩ mình sẽ phải giúp đỡ cô ấy rất nhiều. Thế nhưng sau một thời gian quan sát, tôi nhận ra rằng, ngoài việc không nhìn thấy gì, cô ấy có thể làm hầu hết mọi thứ".
Huang bày tỏ niềm vui khi có những tương tác tích cực với bạn cùng phòng. Cô cho biết: "Hầu hết mọi người thường cẩn trọng khi tiếp xúc với người khiếm thị nhưng Che Meng lại không như vậy. Cô ấy luôn sẵn sàng làm mọi thứ cùng tôi và cùng tôi ra ngoài".
Trên nền tảng Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc) Huang đã thu hút được 430.000 người theo dõi. Cô thường xuyên chia sẻ các video ghi lại những hoạt động hằng ngày của mình, từ việc đi ra ngoài, băng qua đường, mua sắm, trang điểm cho đến việc đến bệnh viện để điều trị. Ngoài ra, một số video còn nổi bật tình bạn giữa cô và người bạn cùng phòng, với những khoảnh khắc họ cùng nhau chạy bộ trên sân chơi và chơi đàn piano.
Một đoạn clip ghi lại cảnh cả hai cùng đạp xe đạp đôi đã nhận được khoảng 150.000 lượt thích. Huang chia sẻ: "Hôm nay, Meng Meng đã đề nghị đưa tôi đi đạp xe để tôi có thể cảm nhận được sự tự do như gió. Tôi thật sự rất cảm động trước lời mời này".
Trong một đoạn video chia sẻ, Huang đã kể lại trải nghiệm của mình khi phát hiện rằng Meng Meng, người ngồi phía trước, đã nghịch ngợm và gần như không đạp xe trong suốt chuyến đi. Huang cho biết: "Cô ấy không nhìn tôi như một người khiếm thị, cô ấy chỉ đơn giản coi tôi là một người bạn".
Huang bày tỏ hy vọng rằng, các video của cô có thể giúp xóa bỏ những hiểu lầm của mọi người về cuộc sống của người khiếm thị.
“Nhiều người nghĩ rằng người khiếm thị chẳng làm được gì ngoài việc ở nhà suốt ngày”, cô nói.
Câu chuyện của Huang đã nhận được phản hồi tích cực từ người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc.
Một người dùng trên nền tảng Douyin chia sẻ: "Những video của bạn đã thay đổi cách nhìn nhận của tôi về người khiếm thị. Tôi muốn đề xuất với công ty mình rằng, chúng ta nên tuyển dụng thêm nhiều người khuyết tật". Bình luận này không chỉ thể hiện sự thay đổi trong nhận thức mà còn kêu gọi sự chú ý đến việc tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật.
Một người khác đã bình luận: “Cảm ơn bạn, Huang. Bạn thực sự truyền cảm hứng cho tôi. Tôi nhận ra rằng mình cần phải nỗ lực làm việc chăm chỉ như bạn”.