Hành trình phục hồi dáng đi của 2 bệnh nhi vòng kiềng nặng
PGS.TS.BS Lê Văn Đoàn, Viện Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ quá trình phục hồi của 2 bé gái, 12 và 13 tuổi, phải phẫu thuật cắt xương để chỉnh lại trục chân do bị bệnh lý vòng kiềng nặng, có nguy cơ tàn tật.
Ca đầu tiên là bệnh nhi 12 tuổi bị vòng kiềng từ nhỏ. Từ lúc 8 tuổi, bố mẹ đã đưa em đi can thiệp chỉnh hình và phẫu thuật nhiều lần ở bệnh viện chuyên về nhi khoa, tuy nhiên bệnh trạng không được cải thiện. Bệnh có dấu hiệu ngày càng nặng hơn, nhất là chân trái cong nhiều, dáng đi tập tễnh.
Bố mẹ bệnh nhi cũng tìm hiểu nhiều bác sĩ chuyên khoa, nhưng các bác sĩ khác đều e ngại không dám nhận mổ. Sau khi tìm hiểu bệnh viện Trung ương quân đội 108 có nhiều kinh nghiệm trong chỉnh hình, nên họ tìm đến khám. Các bác sĩ ở Bệnh viện 108 đã chuyển BS. Đoàn tư vấn và điều trị.
Ca thứ hai là bệnh nhi 13 tuổi, bị vòng kiềng từ nhỏ. Do không được điều trị nên tình trạng bệnh ngày càng nặng cộng thêm việc có chiều cao hạn chế (1m38) khiến dáng đi của bệnh nhi rất xấu. Điều này ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống.
Em trở nên tự ti, xấu khổ, không dám đi đến chỗ đông người, đi học luôn ngồi một chỗ, không muốn giao tiếp với ai. Bố mẹ bệnh nhi đã tìm kiếm nhiều biện pháp chữa trị nhưng không hiệu quả. BS. Đoàn đã thăm khám và tư vấn cần can thiệp phẫu thuật.
Theo BS. Đoàn, cả hai ca bệnh này đều phải can thiệp bằng phẫu thuật. Nếu không, khi lớn chân sẽ càng nặng hơn và làm biến dạng cả khớp gối, khớp cổ chân và khớp háng, sau này để lại di chứng, có thể dẫn tới việc không thể tự đi lại được, càng khó điều trị.
Phương pháp được BS. Đoàn áp dụng là cắt xương chỉnh trục và ghép xương, kết xương bằng nẹp khóa với các ưu điểm. Khi cắt xương chỉnh trục, làm ở vị trí ngay dưới mâm chày, không can thiệp vào khớp gối nên sau mổ cơ bàn chỉnh được hết biến dạng.
BS. Đoàn cho biết, khi cắt xương chỉnh trục và ghép xương vào chỗ khuyết xương thì làm tăng chiều cao của xương lên từ 1,5 - 2,5cm. Kết xương bằng nẹp khóa vững chắc nên không phải bó bột, sau 2 tuần cắt chỉ là tập phục hồi chức năng, sau 3 tuần tập đi được bằng nạng, sau 6 tuần đã đi lại bình thường.
Theo BS. Đoàn, nguyên tắc cơ bản là phải cắt xương, chỉnh lại trục chân, kết hợp xương sao cho đủ vững. Đối với trẻ đang phát triển cần hết sức chú ý về kỹ thuật, sao không để gây tổn thương sụn phát triển ở các đầu xương. Phải cân nhắc thời điểm nào là phẫu thuật cho phù hợp với mức độ biến dạng cũng như tuổi của bệnh nhi.
Ca mổ cần có dụng cụ chuyên biệt để mổ với đường mổ nhỏ, can thiệp tối thiểu, ít gây tổn thương phần mềm, sẹo nhỏ, không gây tổn thương mạch máu, thần kinh và cần phải có máy C-arm để quan sát được vị trí cắt xương, bắt vít không gây tổn thương sụn phát triển.
BS. Đoàn cũng khuyến cáo cha mẹ khi phát hiện con mình bị chân vòng kiềng nên đi khám các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình nhi để được tư vấn tìm nguyên nhân, điều trị thích hợp với từng lứa tuổi và tùy theo mức độ. Trường hợp bị biến dạng nặng thì vẫn phải can thiệp phẫu thuật.
BS. Lê Văn Đoàn đã có hơn 30 năm kinh nghiệm với chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình. Thế mạnh của bác sĩ là phẫu thuật kéo dài chân, đặc biệt phẫu thuật kéo dài chân cải thiện chiều cao cho bệnh nhân có nhu cầu và phẫu thuật chỉnh chân vòng kiềng.
Qua thời gian nghiên cứu, thực hành và tham khảo các kinh nghiệm phẫu thuật trên thế giới, BS. Đoàn đã liên tục cải tiến dụng cụ và kỹ thuật phẫu thuật phù hợp với điều kiện kinh tế và nhân trắc học của người Việt Nam, góp phần mang lại kết quả phẫu thuật nhanh hồi phục chức năng và thẩm mỹ.