Hành trình rời bản đi học của 8 đứa trẻ Phá Kháo
Năm học 2020 – 2021, lần đầu tiên Trường Tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) đưa 8 học sinh người Mông ở bản Phá Kháo xuống điểm chính ở nội trú. Rời bản, xa nhà, xa bố mẹ và ở lại đi học, là trải nghiệm lạ lẫm đối với những đứa trẻ người Mông vốn rụt rè, chưa giao tiếp nhiều với thế giới bên ngoài.
Ở lại trường đi học, là cố gắng của chính các em, của bố mẹ và cả các thầy cô giáo ở xã biên giới tận cùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ này.
Những đứa trẻ Mông rời bản
Cách đây 3 năm, vào dịp đầu năm học mới, 2 trận mưa lũ liên tiếp đã làm hư hỏng, nút và sụt lún điểm trường Phá Kháo (Tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An). Để đảm bảo an toàn cho học sinh, các phòng học tại điểm trường trên không được sử dụng nữa.
Chính quyền địa phương, bà con dân bản dựng 5 phòng học tạm bằng tre nứa. Sau đó, UBND huyện Tương Dương đã khảo sát, cấp kinh phí xây dựng 3 phòng học lắp ghép ở Phá Kháo cho học sinh tiểu học.
Năm học này, điểm trường Phá Kháo có hơn 20 em, chia làm 3 lớp ghép 1 - 2, 3 và lớp 4. Riêng 7 em lớp 5 không có phòng học, cũng không thể ghép học chung với 4 vì quá sĩ số, được nhà trường vận động phụ huynh đưa về trường chính ở bản Huồi Tố.
Phá Kháo cách trường chính chỉ hơn 15km, nhưng đường cheo leo, dốc đứng. Nếu trời nắng, đi xe máy phải hơn 1 tiếng đồng hồ, còn trời mưa chỉ có cách đi bộ. Vậy là những đứa trẻ Mông rời bản, xa bố mẹ, bắt đầu hành trình dài ở nội trú đi học khi mới 9, 10 tuổi.
Già Bá Dờ là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em. Bố mẹ đi làm ăn xa, Dờ ở nhà cùng ông bà. Tuổi cao, gánh nặng cuộc sống khiến ông bà cũng không thể chăm sóc đầy đủ, quan tâm hết đến việc học của mấy đứa cháu. Anh em Dờ cũng đã sớm tự lập, tự đi học. Vì vậy, khi xuống trường chính, cậu bé tỏ ra chững chạc, tự giác và sớm làm quen với cuộc sống tập thể, nội trú.
Trong số 8 đứa trẻ Phá Kháo, Già Kiều Trang nhỏ nhất, năm nay mới học lớp 3. Bố của Trang chính là thầy Già Bá Già, giáo viên người Mông của Trường Tiểu học Mai Sơn. Nhưng xã biên giới tận cùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ này quá rộng lớn, địa hình chia cắt, đường sá hiểm trở, và có tới 5 điểm trường tiểu học.
Mỗi năm, bố Trang dạy một điểm trường. Nói là giáo viên bản địa, nhưng cũng chẳng khác giáo viên cắm bản. Vậy là, cô con gái nhỏ được gửi theo các anh chị lớp 5 trong bản xuống trường chính, gửi đồng nghiệp của bố để thuận lợi học hành.
Hỏi có nhớ nhà không, Trang gật đầu: - Có, nhớ bố mẹ, nhớ em, nhưng không khóc! Thầy Đào Xuân Hải – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn kể: “Dù lạ lẫm, bỡ ngỡ nhưng không em nào khóc đòi về. Cuối tuần bố mẹ xuống đón, rồi đầu tuần lại đem gửi thầy cô.
Có mẹ ra về, nhìn con qua cổng trường thì khóc vì nhớ và thương. Nhưng các con ở đây rất ngoan, nghe lời, mới chỉ hơn 2 tuần chuyển xuống trường chính mà đã tự lập, theo nề nếp sinh hoạt quy củ”.
Mong có chỗ “an cư” cho trò
Mai Sơn là một xã đặc biệt, nằm ở thượng nguồn sông Nậm Sơn. Từ trung tâm huyện Tương Dương, muốn vào đây thì phải đi thuyền gần 3 giờ đồng hồ theo lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Năm 2015, khi đường vành đai biên giới phía Tây Nghệ An hoàn thành, thì đã có đường bộ đi Mai Sơn. Nhưng phải vượt hơn 120km, qua huyện Kỳ Sơn mới tới được xã này.
Bởi vậy, trừ một số giáo viên bản địa, hầu hết các thầy cô vào Mai Sơn dạy học đều ở lại trường đi dạy. Cũng vì giao thông khó khăn nên cơ sở vật chất trường học ở Mai Sơn vẫn còn hạn chế, chưa được kiên cố. Nhà ở công vụ của các thầy cô giáo cũng đang là phòng tạm ghép bằng gỗ.
Khi đón 8 học sinh từ Phá Kháo xuống, các thầy giáo dồn lại ở ghép cùng nhau, nhường lại 1 phòng làm chỗ ở cho các em. Trong phòng kê 3 chiếc giường, mỗi em có một rương nhỏ để đồ cá nhân. Thầy cô cũng ưu tiên, dành 1 chiếc tivi lớp đặt trong phòng ở nội trú của các em.
Bếp ăn của thầy cô cũng là bếp ăn của trò. “Các em học sinh ở Mai Sơn được hưởng chế độ 116 của Chính phủ, mỗi tháng có 15kg và trợ cấp gần 600 nghìn. Thầy cô trồng thêm rau, chăn nuôi... phụ vào nấu cơm cho các em”, thầy Đào Xuân Hải – Hiệu trưởng nói.
Buổi ngày, các em đi học bình thường như bạn bè trong lớp. Buổi tối, sau khi ăn xong, 8 bạn lên lớp tự học và có thầy cô phụ đạo. Thầy Lương Trung Kiên – giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Mai Sơn cho hay: Dù học đến lớp 5, nhưng do ở trong bản vùng sâu, vùng xa biệt lập, nên kỹ năng tiếng Việt của các em còn hạn chế.
Một điều lưu ý nữa là 8 bạn ở Phá Kháo là học sinh người Mông, khi xuống trường chính lại học cùng với các bạn người Thái. “Vì vậy, chúng tôi tăng cường khả năng nói tiếng Việt, dạy các em cách giao tiếp, chào hỏi... Đáng mừng là chỉ sau 2 tuần, các em đã hòa nhập tốt với các bạn trong lớp, trong trường”, thầy Kiên nói.
9 giờ tối, lũ trẻ được nhắc đến giờ lên giường đi ngủ. Thầy Nguyễn Đình Tuấn tắt tivi, kiểm tra xem có thiếu bạn nào không, rồi cẩn thận đi từng giường ghém màn cho các em. Xong xuôi mới tắt điện ra ngoài. Thầy Tuấn là giáo viên dạy thể dục được giao nhiệm vụ chính quản lý 8 học sinh Phá Kháo ở nội trú. Nhà ở thị trấn Hòa Bình, cách trường hơn 100km nên thầy ở lại cắm bản.
Xa gia đình, thầy giáo trẻ coi những đứa trẻ Mông như con cái mình, cẩn thận chăm sóc từng tý một. Khi những đứa trẻ biết chăm sóc, quan tâm lẫn nhau, và mở lòng hơn với thầy cô, cũng là niềm hạnh phúc lớn đối với những người thêm một lần làm cha, làm mẹ thầm lặng ở ngôi trường vùng biên giới này.
Thầy Đào Xuân Hải – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) cho biết: Theo kế hoạch, từ năm học 2021 – 2022, nhà trường sẽ đưa toàn bộ học sinh lớp 3 đến lớp 5 của 2 điểm trường Phá Kháo, Piêng Coọc về trường chính. Đây cũng là chủ trương của ngành Giáo dục huyện Tương Dương, nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.
Vì theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 trở lên, mà ở các điểm lẻ học sinh không thể tiếp cận được. Sau khi thí điểm năm đầu tiên với 8 học sinh Phá Kháo, chúng tôi khá yên tâm với sự hòa nhập của học sinh và công tác quản lý của giáo viên. Tuy nhiên khó khăn nhất là chưa có nhà ở bán trú riêng cho các em.