Hành trình sáng tạo: Làm chủ khí tài... trên mô hình

Lữ đoàn 215 (Binh chủng Tăng thiết giáp) đang khai thác, huấn luyện xe tăng T-54Ƃ cải tiến, có nhiều tính năng kỹ chiến thuật vượt trội so với khí tài cũ, đặc biệt là hệ thống thông tin được trang bị trên xe tăng.

Nhằm giúp bộ đội nhanh chóng sử dụng thành thạo khí tài, Thiếu tá Đỗ Huy Bằng, Trợ lý Thông tin, Phòng Tham mưu Lữ đoàn 215 cùng đồng nghiệp đã có sáng kiến “Mô hình huấn luyện hệ thống thông tin trên xe tăng T-54Ƃ cải tiến”. Sáng kiến vừa góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, khai thác làm chủ khí tài, vừa tiết kiệm nhiên liệu, kéo dài tuổi thọ của xe tăng T-54Ƃ cải tiến.

Sơ đồ kết nối hệ thống thông tin trên xe tăng T-54Ƃ cải tiến.

Sơ đồ kết nối hệ thống thông tin trên xe tăng T-54Ƃ cải tiến.

Hệ thống thông tin trên xe tăng T-54Ƃ cải tiến có cấu tạo phức tạp với 4 máy nói thành viên, bộ điều khiển trưởng xe, hộp chuyển mạch thông tin, trụ nối máy bộ binh, ăng ten thu phát, máy thu phát, máy nói phía sau... Mỗi bộ phận liên kết nhiều thành phần có chức năng riêng biệt. Bởi vậy, để giúp cho người học nắm được cấu tạo, nguyên lý làm việc của các trang bị thông tin được lắp đặt trên xe, sơ đồ hóa cách đấu nối và hoạt động của từng trang bị... thì sáng kiến phải được mô phỏng như hệ thống thông tin thật trên xe tăng T-54Ƃ.

Quá trình xây dựng mô hình này, Thiếu tá Đỗ Huy Bằng đã nghiên cứu rất kỹ từng chi tiết có trong hệ thống, tham khảo tài liệu. Ban đầu, Thiếu tá Đỗ Huy Bằng chỉ xây dựng sơ đồ kết nối, chức năng làm việc của các bộ phận. Sau khi được chỉ huy và đồng đội đóng góp ý kiến, anh đã điều chỉnh, bổ sung thêm nội dung tính năng kỹ chiến thuật của các bộ phận, giúp người học không phải phụ thuộc vào tài liệu.

Với cách thể hiện khéo léo bằng hình ảnh 3D và đèn LED, mô hình giúp người học dễ nắm bắt sơ đồ, cấu tạo, tính năng của từng bộ phận. Chẳng hạn, đài RF2050 được thể hiện đầy đủ thông số của tần số công tác, chế độ công việc trong dải tần, công suất máy phát, độ nhạy máy thu, cự ly liên lạc, kích thước, trọng lượng... Hay việc giải thích tính năng kỹ chiến thuật, như: Bộ điều khiển trưởng xe cho phép bộ điều khiển xe điều khiển các máy thu phát, hiển thị các chế độ vận hành và kiểm tra hệ thống cơ bản. Chức năng điều khiển và hiển thị của bộ điều khiển trưởng xe được điều khiển bởi 2 bộ phím bấm chính và phụ. Rồi bộ phận chuyển mạch trung tâm (CS) là trái tim của hệ thống thông tin và cung cấp giao diện cho tất cả luồng thông tin, chuyển mạch cho các tín hiệu âm thanh đến các thành viên kíp xe và phân đội; cho phép kiểm tra toàn bộ các thiết bị vô tuyến của hệ thống... đều được thể hiện cụ thể trên mô hình.

Không chỉ có sáng kiến nêu trên, Thiếu tá Đỗ Huy Bằng còn nghiên cứu, chế tạo nhiều sáng kiến, mô hình được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

LÊ SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hanh-trinh-sang-tao-lam-chu-khi-tai-tren-mo-hinh-722931