Hành trình thăm mẹ liệt sĩ Gạc Ma đầy xúc động
37 năm đã trôi qua, kể từ Sự kiện Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2025), nhưng với những người mẹ của các liệt sĩ Gạc Ma, niềm đau thương ấy chưa bao giờ là chuyện của 'ngày xưa'. Trong những ngày tháng tư lịch sử, Hội Biển đảo Việt Nam đã đến thăm, tặng quà, chuyện trò cùng các mẹ với niềm xúc động khôn nguôi.

Đại diện Hội Biển đảo Việt Nam thăm và tặng quà mẹ Lê Thị Lan, thân sinh liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc.
Nhắc về người con nằm lại nơi đầu sóng, cảm xúc trong lòng các mẹ liệt sĩ Gạc Ma luôn trào dâng trong ánh mắt đã nhòa, nghèn nghẹn hơi thở nén sâu trong lồng ngực. Tình yêu, niềm tin của các mẹ mà vẫn hướng về biển đảo Tổ quốc - những chấm nhỏ bâng khuâng trên tấm bản đồ thiêng liêng mỗi ngày mẹ đều ngước nhìn.
Mẹ Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc đón chúng tôi trong căn hộ nhỏ trên tầng cao một chung cư cũ. Khác với bức ảnh tôi chụp mẹ cách đây tám năm, khi còn ở nhà dưới phố, tóc mẹ hãy còn muối tiêu, ánh mắt còn đượm nét hồ hởi của một người quen hàng xóm, thân phố phường, thì nay mẹ đã khác đi nhiều. Mái tóc bạc trắng, đôi chân do tiểu đường mà gần như hoại tử, bệnh tật vây quanh. Nhưng khi chúng tôi nhắc tới con trai, mẹ lại như trẻ ra đến chục tuổi, mắt sáng, tay mân mê cỗ tràng hạt đã nhẵn, nụ cười như mang theo cả niềm an ủi nơi cõi Phật.

Mẹ Lê Thị Lan, thân sinh liệt sĩ Gạc Ma Nguyễn Hữu Lộc.
Mẹ Lan kể: "Mấy năm nay mẹ tụng kinh, niệm Phật. Ngày nào cũng lần tràng, niệm A di đà. Mẹ mong sao cho em nó siêu thoát, về cõi an vui". Chúng tôi lặng im. Không ai muốn cắt ngang giây phút ấy. Có điều gì đó thật sâu lắng, thật linh thiêng mà quá đỗi gần gũi trong cách mẹ gọi con - "em nó". Phải rồi, đối với mẹ, dù là người con út hay người con đã hy sinh, thì vẫn là một phần máu thịt chưa bao giờ tách rời.
Mẹ đã 83 tuổi, 37 năm qua vẫn nhớ con trai mỗi ngày. Trong mỗi giấc mơ, mỗi lần tụng niệm, con trai vẫn như hiện diện trong nhà. Mẹ không mong sự trả lại, chỉ mong "em nó" được bình yên nơi nào đó, và mẹ - người trụ lại giữa trần thế - vẫn vững chãi như một cây bồ đề, ngày ngày thầm nhủ: mẹ chưa ngã xuống, bởi còn một niềm tin cần giữ.

Mẹ Đặng Thị Nhung, thân sinh liệt sĩ Lê Văn Xanh.
Mẹ Đặng Thị Nhung, 83 tuổi, thân sinh liệt sĩ Lê Văn Xanh là người mẹ ân cần chúng tôi từng có dịp ghé thăm trước đây. Khi ấy, mẹ sinh sống trong một ngôi nhà ấm áp, con cháu đông đúc, thành đạt, không khí gia đình đầm ấm, rộn ràng. Một mái nhà ăm ắp tiếng cười, thơm hương khói bếp, ríu rít những đứa cháu nhỏ vây quanh bà. Vậy mà lần này trở lại, khung cảnh đã đổi thay. Con trai mẹ đã phải bán căn nhà cũ để có tiền chữa trị cho cháu nội mới 11 tuổi nhưng đã phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo và chờ ghép thận.

Mẹ vẫn luôn giữ niềm tin trong cuộc sống.
Chúng tôi lặng đi khi chạm vào ánh mắt mẹ. Không hẳn là buồn tủi, dường như đó là nỗi trống trải ngấm sâu trong từng nếp nhăn. Nhà mới nằm ở xa hơn, ít người chuyện trò, hàng xóm chẳng ai thân, những câu chuyện đời thường cũng không còn được chia sẻ như xưa. Có những nỗi buồn lặng lẽ, không thành lời, chỉ hiện lên trong ánh nhìn quạnh quẽ.

Các liệt sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
"Ở đâu cũng là sống thôi con ạ! Nhưng ở đây mẹ vẫn chưa quen...", mẹ bần thần tâm sự. Câu nói tưởng chừng nhẹ tênh mà như rơi bẫng vào khoảng lặng cõi lòng. Mẹ từng chịu nhiều đau thương, cũng từng yên tâm phần nào nơi đất cũ, giờ lại phải chứng kiến con mình nhọc nhằn vì cháu. Thời gian không chỉ bào mòn sức khỏe mà còn khiến lòng người chênh vênh khi mất đi những gắn bó vốn dĩ thân quen.
Mọi người nhìn nhau, không ai dám hỏi thêm. Nhưng có một điều chắc chắn - dù ở nơi nào, dù không còn tiếng cười đông vui như trước, trái tim người mẹ ấy vẫn luôn có một khoảng trống dành cho người con đã ngã xuống nơi đầu sóng ngọn gió.

Trong bốn người mẹ mà chúng tôi đến thăm, mẹ Trần Thị Huế - thân sinh liệt sĩ Lê Thế - là người có sức khỏe tốt nhất. 83 tuổi, mẹ vẫn đều đặn hai thời tụng kinh niệm Phật mỗi ngày. Mỗi sáng sớm, khi phố phường còn mơ ngủ, mẹ đã ngồi thẳng lưng trước bàn thờ con, tay lần tràng hạt, miệng đọc đều đặn lời kinh. Tối đến, lại thêm một thời như thế.
"Mẹ chẳng mong gì cao sang. Mẹ chỉ nguyện cầu cho con mẹ siêu sinh tịnh độ, hay ở cảnh giới nào cũng được an lạc", mẹ nói, rồi chắp tay cúi đầu, ánh mắt trầm tĩnh mà sáng lạ kỳ.

Ký ức về con luôn khắc sâu trong trái tim của mẹ.
Ở mẹ, chúng tôi không gặp những dòng nước mắt. Mẹ không than trách, không kể lể mà trong mẹ dường như là niềm tin sâu đậm - rằng người con ra đi khi còn quá trẻ ấy đang ở một cõi nào đó, thanh thản và vẹn tròn.
Người mẹ già ấy không ở gần con gái, cũng chẳng có điều kiện vật chất khá giả, nhưng mỗi lần Hội đến thăm, mẹ vẫn mỉm cười, vẫn thủ thỉ vài câu chuyện về con. Mỗi câu chuyện lại như một nén tâm nhang, một lời nguyện ước âm thầm thắp lên giữa cuộc đời.

Mẹ Huỳnh Thị Kế, 92 tuổi, thân sinh liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn.
Mẹ Huỳnh Thị Kế - thân sinh liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn - lại minh chứng cho một phép màu lặng lẽ trong cuộc sống. Sáu năm trước, khi chân mẹ đau dữ dội, bác sĩ từng bảo nếu không cắt bỏ sẽ không sống được. Nhưng mẹ kiên quyết từ chối: "Từng này tuổi rồi, chết cũng được chứ không cắt chân".
Mẹ chuyển về ở với con gái trong căn chung cư nhỏ, cũ kỹ, cuộc sống không dư giả nhưng tình cảm đầy đủ. Mẹ được chăm sóc bởi bàn tay con gái, con rể - những người không giàu tiền bạc nhưng giàu tình nghĩa. Và điều kỳ diệu đã xảy ra: chân mẹ tự hồi phục. Giờ đây, ở tuổi 92, mẹ vẫn tự đi lại được, vẫn có thể tự bưng bát cơm, rót chén trà... như thể sự sống đã hồi sinh một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ trong con người mẹ.

Những người lính hôm nay kiên trung gác biển trời Tổ quốc.
Chúng tôi hỏi mẹ có nhớ con không? Mẹ bảo: "Nhớ chứ. Nhớ thì tụng kinh... Nhớ thì lại kể chuyện cho cháu nghe... Con mẹ nằm lại ở Trường Sa, giờ mẹ chỉ mong gặp lại nó trong giấc mơ".
Người mẹ ấy đã từ chối dao kéo, từ chối cứu cánh của y học để giữ lại đôi chân - đôi chân từng bao lần đi chợ, dầm mưa nuôi con... Đó không chỉ là một sự lựa chọn dũng cảm, mà còn là cách mẹ giữ niềm tin cuối cùng trước tuổi già, trước nỗi nhớ con như sương khói cứ lan trong lòng.

Với người lính, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vô cùng thiêng liêng.
Bốn người mẹ. Bốn cuộc đời. Bốn dòng sông lặng lẽ. Không phải ai cũng còn khỏe, không ai còn sung túc, nhưng mỗi mẹ đều có một vẻ đẹp rất riêng - vẻ đẹp của tình yêu thương không điều kiện, của niềm tin âm thầm và của nỗi đau không ồn ào mà mênh mang, sâu thẳm.
Hành trình thăm mẹ liệt sĩ Gạc Ma của Hội Biển đảo Việt Nam lần này không giống những lần trước. Mọi thứ dường như chậm hơn, nặng trĩu hơn. Có lẽ bởi các thành viên cũng đã thêm nhiều trải nghiệm, đã vừa đi qua tất cả những điểm cực của biên giới Tổ quốc nên càng thấm thía thêm rằng có những điều không bao giờ cũ: đó là sự mất mát. Là bóng dáng người mẹ ngồi lặng trước bàn thờ con. Là ánh mắt đau đáu nhìn ra cửa sổ, mong một tiếng bước chân không bao giờ trở lại...

Và những chuyến tàu vẫn rẽ sóng ra khơi.
Một món quà nhỏ, vài câu chuyện đơn sơ, cái siết tay ấm áp... đoàn công tác mang theo gặp các mẹ, nhưng điều nhận được thì lớn lao vô kể: những ánh mắt biết ơn, những cái nắm tay nhăn nheo mà ấm áp, và cả sự lặng im thiêng liêng mà chỉ có mẹ mới trao được cho con.

Các đoàn công tác trang nghiêm trong phút giây tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
Có một chi tiết mà mãi về sau chúng tôi vẫn còn nhớ. Đó là khi rời nhà mẹ Lan, bà đứng nhìn theo thật lâu. Mẹ không nói gì, chỉ nhẹ nhàng giơ cỗ tràng hạt lên, miệng lẩm nhẩm. Có lẽ, bà đang tụng cho những người đang sống sự an vui, tốt lành trong hòa bình, độc lập.
Gặp các mẹ lần nào nước mắt cũng rơi bởi lòng biết ơn vô hạn. Hành trình đi tìm ký ức, cũng để được chạm vào hiện tại - nơi những người mẹ vẫn lặng lẽ sống và chờ đợi, như thể cả Tổ quốc đang mượn vai mẹ để gánh lấy phần thiêng liêng nhất của lòng mình.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hanh-trinh-tham-me-liet-si-gac-ma-day-xuc-dong-post872231.html