Hành trình 'theo con chữ' ở Tả Lèng
Đôi bàn tay vốn chai sạn vì hàng ngày cầm cuốc, trồng ngô thì nay lại được cầm bút, tỉ mẩn viết từng nét chữ của tên mình lên trang vở…!
Mỗi tối tại điểm trường Pho Xin Chải
Mỗi tối, lớp học vùng cao tại điểm trường Pho Xin Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu lại vang lên tiếng đọc bài đồng thanh của các bà, các chị. Lớp học đặc biệt này chủ yếu là phụ nữ đồng bào Mông đã từng không biết viết, không biết đọc tiếng phổ thông.
Vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo, chúng tôi cũng đến được điểm trường Pho Xin Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường. Từ xa đã nghe tiếng đánh vần, đọc chữ vang lên giữa không gian im ắng của núi rừng. Bước vào lớp học, dưới ánh điện lập lòe, những học viên độ tuổi từ 20 – 60 đang chăm chú, say sưa nghe giáo viên giảng bài.
Cô Ngô Lệ Thúy, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Tả Lèng, huyện Tam Đường cho biết: “Lớp học xóa mù tại điểm trường Pho Xin Chải, xã Tả Lèng được mở từ ngày 6/3. Đến nay, lớp học có 26 học viên, 100% là đồng bào Mông”.
Cũng như nhiều học viên khác trong lớp, hàng ngày chị Ma Thị Ly, ở bản Pho Lao Chải đều cố gắng hoàn thành hết công việc nhà, ruộng nương để tối đến theo học lớp xóa mù chữ.
Qua câu chuyện của chị Ly chúng tôi được biết: Khi còn nhỏ, do nhà nghèo nên chị không được đi học. Lớn lên, chị lại là lao động chính trong gia đình, phải ở nhà làm nương giúp bố mẹ, nuôi các em. Ước mơ đến trường học chữ từ đó mà dang dở…
Dẫu vậy, khi cán bộ xã Tả Lèng đến tuyên truyền vận động đi học lớp xóa mù chữ, chị lại không dám đăng ký. Phần xấu hổ vì 30 tuổi mới đi học, phần sợ không thu xếp được công việc đồng áng, gia đình để theo học.
Thế nhưng, may mắn đã mỉm cười với chị Ly khi có được “hậu phương” động viên chị đi học. “Chồng và con đã khuyên tôi đi học để biết chữ để sau này còn dạy con, dạy cháu. Chính vì vậy, tôi đã mạnh dạn đăng ký đi học lớp xóa mù chữ này” – chị Ly chia sẻ.
Gác cây bút sau khi vừa hoàn thành dòng chữ, chị Ly lật từng trang vở khoe với chúng tôi: “Ngày đầu mới đi học, chữ viết còn lóng ngóng, sai lệch nhiều lắm. Nhưng được cô giáo tận tình dạy bảo, giờ chữ viết đã tròn, đẹp hơn trước. Giờ tôi còn có thể đọc được sách, báo và cả tin nhắn trong điện thoại”.
Cô Ngô Lệ Thúy chia sẻ: “Học viên rất phấn khởi khi được đi học ngay tại bản nên tỷ lệ chuyên cần luôn đảm bảo. Sau khoảng thời gian học, các học viên đã nắm được kiến thức, biết đọc, viết và tính toán cơ bản và giao tiếp với nhau bằng tiếng phổ thông”.
Ông Đầu Thanh Tùng, Cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Tam Đường chia sẻ: “Việc mở lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện đã giúp cho bà con nâng cao trình độ dân trí. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”.
Đôi bàn tay chai sạn… cầm bút!
Phụ nữ người Mông ở Tả Lèng là lao động chính trong gia đình. Những đôi bàn tay chai sạn vốn chỉ quen cầm cuốc, trồng ngô nay lại mềm mại cầm bút tỉ mỉ tô từng nét chữ, câu văn hay làm các phép tính đơn giản... Những ánh mắt ánh lên niềm vui khi họ đã tự viết, đọc được tên của chính mình.
Từ năm 2022 đến nay, huyện Tam Đường đã mở được 17 lớp xóa mù chữ với 356 học viên. Để các học viên mạnh dạn, tự tin đến lớp, Phòng GD&ĐT huyện Tam Đường đã lựa chọn những giáo viên đứng lớp có kinh nghiệm giảng dạy, am hiểu về phong tục tập quán để gần gũi, động viên học viên đến lớp đều đặn.
Cô Nguyễn Lệ Thúy cho biết: “Tôi thường sử dụng tiếng dân tộc và tiếng phổ thông lồng ghép trong bài giảng để học viên dễ học, dễ hiểu và nắm chắc được kiến thức. Từ đó, học sinh tự tin hơn mỗi khi đến lớp”.
Chị Hảng Thị Phê, bản Pho Lao Chải, xã Tả Lèng rất hào hứng và chăm chỉ tham gia học lớp xóa mù chữ. Dù bận rộn với ruộng nương nhưng chị chưa nghỉ buổi học nào. Bởi với chị, được đi học là khoảng thời gian rất bổ ích.
“Trước đây, sáng ra chúng tôi chỉ cầm cuốc, cầm liềm lên ruộng, nương rồi tối về cơm nước. Nhưng giờ được tạo điều kiện, thầy cô đến tận bản dạy học nên tôi đã đăng ký tham gia. Đến lớp, được cô giáo dạy đọc, viết, tính toán. Học được hơn 1 tháng, chúng tôi đã biết đọc, biết viết và làm phép tính đơn giản” - chị Hảng Thị Phê tâm sự.
Học được chữ, chị Phê thấy tự tin hơn. Tối đến đọc sách cùng con, vui nhất khi cần làm giấy tờ, chị đã biết ký tên mình thay vì điểm dấu vân tay. Biết tính toán, chị có thể mua bán thuận lợi hơn.
“Không chỉ tự tay viết được những dòng chữ, làm các bài toán, mà khi về nhà học viên có thể học bài, trả lời câu hỏi cùng con. Việc tiếp nhận chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hay học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cũng trở nên dễ dàng hơn” – ông Phạm Chiến Công, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tam Đường chia sẻ.
Với sự cần cù, chịu khó và tinh thần quyết tâm "theo con chữ", người dân xã Tả Lèng đã và đang nỗ lực học để từng bước nâng cao trình độ, sự hiểu biết và cách làm kinh tế. Từ đó, góp phần xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hanh-trinh-theo-con-chu-o-ta-leng-post662734.html