Hành trình tìm giải pháp sinh học xử lý rác thải nhựa của nữ sinh trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM)
Huỳnh Ngọc Quế Anh (trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. HCM) đã xuất sắc giành giải Nhất lĩnh vực Sinh học, Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 26. Với đề tài 'Khảo sát khả năng phân hủy polystyrene của một số loài nấm đảm', Quế Anh tìm ra giải pháp sinh học tiềm năng để xử lý rác thải nhựa.
Thách thức từ một loại nhựa khó phân hủy
Polystyrene – loại nhựa được sử dụng phổ biến trong thực phẩm có khả năng tồn tại trong môi trường hàng trăm năm, đã trở thành đối tượng nghiên cứu chính của Quế Anh. "Nhựa thường được xử lí bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường. Trong khi các vi sinh vật đã được xác định có khả năng phân hủy nhựa như: nấm mốc, vi khuẩn, tảo, xạ khuẩn thì 'nấm đảm' vừa đa dạng vừa thân thiện với môi trường nên mình muốn tìm ra một giải pháp sinh học bền vững hơn”, Quế Anh chia sẻ về động lực bắt đầu dự án.
![Chân dung Huỳnh Ngọc Quế Anh (trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. HCM).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_176_51428265/fb72e6cfdc8135df6c90.jpg)
Chân dung Huỳnh Ngọc Quế Anh (trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. HCM).
Với nấm đảm – một nhóm vi sinh vật có tiềm năng phân hủy nhựa nhưng chưa được khai thác sâu, Quế Anh đã đặt ra mục tiêu phân lập, tuyển chọn những chủng nấm có khả năng sử dụng polystyrene làm nguồn cơ chất để phát triển. Quế Anh cho biết: “Dự án sẽ phân lập những loài nấm đảm tiềm năng để chọn ra chủng có khả năng phân hủy nhựa polystyren. Sau đó đánh giá hiệu quả phân hủy polystyrene của các chủng tuyển chọn được. Tiếp theo sẽ ứng dụng trồng nấm thu quả thể trong hai trường hợp: Thứ nhất là dùng polystyrene như nguồn cơ chất trồng nấm; thứ hai là phân hủy polystyrene trong môi trường tự nhiên”.
Dự án không chỉ tập trung vào việc xác định chủng nấm phù hợp mà còn thử nghiệm hai hướng ứng dụng thực tế: Sử dụng polystyrene để trồng nấm thu quả thể hoặc phân hủy nhựa trong môi trường tự nhiên.
Tự mình tạo ra cơ hội sáng tạo
Khi nhận được hướng nghiên cứu từ giảng viên hướng dẫn, không có đội nhóm đồng nghĩa với việc Quế Anh phải tự chủ động trong mọi việc, từ nghiên cứu lý thuyết, làm thí nghiệm và xử lý kết quả rồi điều chỉnh thí nghiệm sao cho phù hợp: "Làm đề tài cá nhân, mình có thêm nhiều cơ hội để sáng tạo và không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến trái chiều. Mặc dù đề tài cá nhân nhưng mình cảm thấy may mắn khi được sự chỉ dạy tận tình của giảng viên hướng dẫn là cô Nguyễn Thị Mỹ Lan và cô Lê Thị Thanh Loan, đã giúp mình có thể đánh giá kết quả thí nghiệm và bước tiếp trong đề tài này”.
![Dự án của Quế Anh giành giải Nhất lĩnh vực Sinh học tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 26.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_176_51428265/510e47b37dfd94a3cdec.jpg)
Dự án của Quế Anh giành giải Nhất lĩnh vực Sinh học tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 26.
Thời gian là một trong những thách thức lớn nhất với Quế Anh. Nấm không thể vội vàng vì quá trình phân hủy polystyrene diễn ra chậm, đôi khi mất hàng tháng để thấy được kết quả đáng kể.
"Việc theo dõi, kiểm tra mẫu liên tục trong thời gian dài là một áp lực lớn. Có những lúc mình lo lắng liệu nghiên cứu có đi đúng hướng hay không, nhưng niềm tin vào tiềm năng của dự án và sự chỉ dạy, động viên từ cô Lan và cô Loan đã giúp mình kiên trì đến cùng”, Quế Anh bày tỏ. Nhờ đó, cô đã tìm ra các chủng nấm có khả năng phân hủy polystyrene.
Bước đột phá với Pleurotus pulmonarius
Sau hàng loạt thử nghiệm, Quế Anh đã tìm ra một loài nấm đảm có tiềm năng phân hủy polystyrene tốt nhất – Pleurotus pulmonarius. Loài nấm này không chỉ có khả năng làm suy giảm cấu trúc nhựa mà còn có thể sử dụng polystyrene như nguồn dinh dưỡng để tạo quả thể.
![Dành lời khuyên cho những bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, Quế Anh nhắn nhủ: "Hãy hết mình với đam mê. Nếu bạn không nỗ lực, bạn sẽ không biết bản thân có thể tuyệt vời như thế nào".](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_176_51428265/1236078b3dc5d49b8dd4.jpg)
Dành lời khuyên cho những bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, Quế Anh nhắn nhủ: "Hãy hết mình với đam mê. Nếu bạn không nỗ lực, bạn sẽ không biết bản thân có thể tuyệt vời như thế nào".
Nghiên cứu của Quế Anh không chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm. Bằng cách tận dụng khả năng phân hủy của nấm, dự án hướng đến việc kết hợp xử lý nhựa với sản xuất nấm ăn hoặc tạo ra nguồn hữu cơ tái sử dụng làm phân bón, thức ăn gia súc. "Đây là một giải pháp "hai trong một": Vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, vừa mang lại giá trị kinh tế thực tiễn”, Quế Anh nhấn mạnh.