Hành trình tìm lại bình yên cho bệnh nhân tâm thần

(QTO) - Đập phá, la hét, kích động, nói những câu vô nghĩa... là hình ảnh thường thấy ở phía sau khung sắt phòng chăm sóc đặc biệt của Khoa Tâm thần kinh (Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị). Trên hành trình tìm lại bình yên cho những người mắc bệnh tâm thần, các bác sĩ không chỉ điều trị bằng thuốc mà còn xoa dịu nỗi đau tinh thần của họ bằng sự chăm sóc và kiên nhẫn lắng nghe. Bởi, chỉ có lắng nghe, mới có thể thấu hiểu thế giới của những người không may mắc căn bệnh này…

 Bác sĩ Hoàng Đại Nhân kiên nhẫn trò chuyện, lắng nghe câu chuyện của bệnh nhân -Ảnh: K.L

Bác sĩ Hoàng Đại Nhân kiên nhẫn trò chuyện, lắng nghe câu chuyện của bệnh nhân -Ảnh: K.L

Lắng nghe để thấu hiểu

Đã gần 2 năm kể từ ngày về công tác tại Khoa Tâm thần kinh, bác sĩ Hoàng Đại Nhân (30 tuổi) vẫn nhớ như in cảm giác ngỡ ngàng của ngày đầu tiên bước vào khoa. Khi ấy, anh vừa tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội. Tận mắt chứng kiến các bệnh nhân ở đây đang trong trạng thái kích động, phải xích tay chân lại, anh cảm thấy có chút sợ hãi. Tuy nhiên, cảm giác đó qua đi rất nhanh, bác sĩ Nhân đã mau chóng làm quen với công việc của mình. Trong chiếc áo blouse trắng, với ống nghe và máy đo huyết áp trên tay, bác sĩ Nhân đưa tôi tới khu vực của bệnh nhân. Lướt qua những khuôn mặt “ngây thơ”, đi đi, lại lại trong phòng bệnh với đôi mắt vô định, tôi không khỏi sợ hãi. Thi thoảng, từ một góc lại vang lên tiếng cười khanh khách, hay tiếng hát của một bệnh nhân nào đó.

Bác sĩ Nhân cho biết hiện nay Khoa Tâm thần kinh đang điều trị cho 14 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần từ các thể nhẹ đến nặng. Đặc biệt, khoa có 3 phòng chăm sóc đặc biệt dành cho những bệnh nhân thường xuyên kích động. Vì lý do an toàn nên 3 phòng bệnh này được đóng kín bởi cửa sắt. Các nhân viên y tế giữ chìa khóa cẩn thận, bất cứ ai ra vào cũng phải khóa cửa. Triệu chứng bệnh lý tâm thần rất đặc biệt, nếu bệnh nhân không chia sẻ thì không một loại máy móc nào có thể nhìn ra. Vì vậy, bác sĩ phải coi bệnh nhân như người thân mới có thể khai thác bệnh tật và đưa ra những chẩn đoán đúng. Muốn điều trị khỏi cho bệnh nhân, bác sĩ phải chiếm được lòng tin của họ, phải làm cho họ cảm nhận được sự chân thành của thầy thuốc. Bác sĩ Nhân bộc bạch: “Nghề này cũng giống như diễn viên, lắm lúc chúng tôi phải nhập vai theo câu chuyện của những bệnh nhân, phải trò chuyện, lắng nghe, từ đó mới biết tình trạng của bệnh nhân như thế nào. Những câu chuyện của họ thường mông lung, rời rạc nhưng chúng tôi phải cố gắng nghe họ nói vì khi tâm tư được giải bày, cũng là lúc chúng tôi tạo được sự tin tưởng và cảm giác an toàn đối với bệnh nhân, như thế họ mới hợp tác với mình”.

 Bệnh nhân Nguyễn Thị Huệ được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt đã trở về trạng thái ổn định -Ảnh: K.L

Bệnh nhân Nguyễn Thị Huệ được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt đã trở về trạng thái ổn định -Ảnh: K.L

Chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân tâm thần không có quy tắc chung trong quy trình chữa bệnh. Bởi lẽ mỗi người bệnh là một câu chuyện, bác sĩ chữa bệnh không chỉ bằng những viên thuốc mà còn bằng liệu pháp tâm lý để chữa lành căn bệnh trong tâm hồn bệnh nhân. Điều này đòi hỏi người thầy thuốc phải tận tâm với nghề. Những bệnh nhân tâm thần lúc tỉnh, lúc mê và có thể “lên cơn” bất cứ lúc nào. Họ dễ xúc động, nóng nảy và rất manh động. Bởi thế, chuyện điều dưỡng, bác sĩ bị bệnh nhân đánh, chửi không có gì lạ ở đây. Chị Lê Thị Mỹ Châu, điều dưỡng viên, tâm sự: “Tôi đã nhiều lần bị bệnh nhân giật tóc, cào mặt, hay tấn công bất ngờ. Khi đi lại, mắt và tai phải hoạt động tối đa. Chỉ cần nghe tiếng chân thình thịch, gấp gáp là phải vội né ngay kẻo trúng đòn. Nhưng chúng tôi vẫn luôn kiên nhẫn điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Bởi vì “dứt cơn” là họ hiền như cục đất và sống rất tình cảm”. Được biết, đối với các bệnh nhân tâm thần điều trị tại khoa có hoàn cảnh khó khăn, các y bác sĩ thường xuyên giúp đỡ họ, khi thì ít tiền mặt, khi thì đồ ăn thức uống, khi thì những bộ quần áo cũ... Cảm nhận được tấm lòng của những người thầy thuốc nơi đây, nhiều gia đình bệnh nhân không giấu được sự xúc động và biết ơn.

Tôi hỏi bác sĩ Nhân: “Anh có bao giờ nổi nóng, mất kiên nhẫn với bệnh nhân và áp lực đến mức muốn từ bỏ nghề này không?”. “Đã xác định công tác trong môi trường này thì phải đặt tình yêu thương lên trên hết và nhờ đó, mình có thể vượt qua được mọi khó khăn để gắn bó với nghề”, anh trả lời.

Chăm sóc bệnh nhân bằng cả tấm lòng

Đối với những bệnh nhân tâm thần ở đây, họ vẫn cảm nhận được cuộc sống trôi qua từ một lăng kính khác. Đó là một thế giới với những cõi riêng sâu lắng ít ai hiểu được. Trong cõi mê ấy, lúc chợt tỉnh, khát vọng lớn nhất với họ là về lại với cuộc sống bình thường. Chị Trần Thị Hiền, ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, là người nhà của bệnh nhân Đặng Thị Thu Diệu, cho biết: “Con gái tôi năm nay 21 tuổi. Lúc trước, con hiền lành, dễ thương, lanh lợi biết bao. Nhưng cách đây 5 năm, Diệu phát bệnh, thường xuyên cáu gắt, nóng tính, ném đồ đạc lung tung, trong mắt con toát lên vẻ giận dữ vô thức. Những lúc ấy, một mình tôi không đủ sức để ôm và canh giữ con. Sau này, bệnh con ngày mỗi nặng lên nên tôi cho con nhập viện, điều trị tại Khoa Tâm thần kinh. Trong quá trình khám chữa bệnh ở đây, con tôi nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các y bác sĩ nên bệnh tình tiến triển tốt hơn.Diệu giờ đã trở về với trạng thái hòa đồng, thân thiện với mọi người. Một điều ngạc nhiên là cháu có thể quên tên những người thân trong gia đình, nhưng tên của các điều dưỡng, bác sĩ thì lại nhớ rất rõ, lại còn biết nói cảm ơn sau mỗi lần điều trị”.

Đặc biệt, trong khoa có bệnh nhân Nguyễn Thị Huệ (26 tuổi) hoàn cảnh hết sức đáng thương. Mẹ mất sớm, để lại 2 chị em sinh đôi đều mắc bệnh tâm thần, ba Huệ là người nuôi dưỡng 2 chị em. Người em sinh đôi của Huệ đã được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị nhận chăm sóc. Còn Huệ suốt 11 năm qua đều được ba đưa đến điều trị tại khoa. Trong gia đình Huệ, ba là lao động chính, nếu cứ mãi chăm con thì không có tiền để trang trải cuộc sống. Chính vì vậy, những y bác sĩ ở đây luôn hỗ trợ chăm sóc Huệ như con cháu trong gia đình, để ba em yên tâm làm những công việc mưu sinh như phụ thợ hồ, làm nông…Nơi đây không khác gì ngôi nhà thứ hai của Huệ.

 Những bệnh nhân tâm thần được điều trị, chăm sóc bằng sự tận tụy, yêu thương của đội ngũ y, bác sĩ -Ảnh: K.L

Những bệnh nhân tâm thần được điều trị, chăm sóc bằng sự tận tụy, yêu thương của đội ngũ y, bác sĩ -Ảnh: K.L

Trong những năm tháng gắn bó với Khoa Tâm thần kinh, các y bác sĩ ở đây đều có những câu chuyện buồn, vui khác nhau, mang theo nhiều trăn trở nhưng cũng có những niềm hạnh phúc rất đỗi giản đơn trong nghề. Bác sĩ Nguyễn Truyền, Trưởng Khoa Tâm thần kinh chia sẻ: “Trong quá trình làm việc, được tiếp xúc, nói chuyện và chứng kiến câu chuyện của người bệnh tâm thần, chúng tôi luôn cảm thông với họ. Làm cái nghề luôn căng thẳng và nhiều khó khăn nhưng động lực thôi thúc chúng tôi cố gắng làm việc trong môi trường này là khi nghe hai tiếng “cảm ơn” của bệnh nhân. Vì lúc ấy, sau khi được điều trị thì bệnh nhân đủ tỉnh táo mới nói lên lời nói đó. Thật khó để diễn tả niềm hạnh phúc ấy!”.

Theo bác sĩ Truyền, đối với nghề y, chữa trị cho những bệnh nhân có tâm lý bình thường vốn đã khó khăn vất vả, việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần còn khó khăn bội phần. Bệnh nhân tâm thần tùy tình trạng bệnh, nếu điều trị đúng phác đồ thì vẫn có cơ hội hòa nhập với xã hội. Chính vì vậy, ngoài phạm vi chuyên môn, bằng tình thương giữa người với người, các y, bác sĩ luôn cố gắng giúp đỡ bệnh nhân trở lại trạng thái ổn định. Vượt qua nỗi vất vả của công việc, đội ngũ y, bác sĩ của Khoa Tâm thần kinh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Mỗi người đến với nghề đều có lý do riêng, song tất cả đều có một suy nghĩ chung là chăm sóc cho bệnh nhân bằng cả tấm lòng.

Đối với nhiều người, nhắc đến bệnh nhân tâm thần, ai cũng mang một chút tâm lý ái ngại, sợ sệt. Thế nhưng đối với các y, bác sĩ làm việc tại đây, họ đã luôn tận tụy, đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh của người bệnh. Họ đã và đang làm những việc ít người dám làm, gieo niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường cho những bệnh nhân tâm thần.

Võ Khánh Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=158409&title=hanh-trinh-tim-lai-binh-yen--cho-benh-nhan-tam-than