Hành trình tìm lại Xá-lợi Đức Phật: Bậc Giác ngộ - Huyền thoại và con người lịch sử
Có những bậc vĩ nhân, cuộc đời và thành tựu của họ lớn lao đến mức, theo thời gian, họ không còn được hậu thế nhìn nhận với vị trí nhân vật lịch sử. Hình bóng của họ bị bao phủ bởi huyền thoại, niềm tin và những lớp truyền thuyết chồng chất qua bao thế hệ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có phải là một nhân vật như vậy?
Theo những ghi chép trong kinh điển, Đức Phật là một bậc Đại Giác ngộ đã khai mở con đường giải thoát cho nhân loại suốt hơn hai thiên niên kỷ. Thế nhưng, liệu rằng Ngài có thực sự từng tồn tại như một con người bằng xương bằng thịt không? Hay Ngài chỉ là một biểu tượng của niềm tin tôn giáo? Khoảng một thế kỷ trước, các nhà sử học đã đối mặt với vấn đề nan giải này. Bởi những ghi chép về Ngài xuất hiện sau khi Ngài nhập diệt, và chỉ dựa trên truyền khẩu hay niềm tin.
Chính vì thế, việc tìm thấy xá-lợi của Đức Phật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong dòng chảy của lịch sử. Nếu những gì còn lại của kim thân Ngài thực sự tồn tại, điều đó chứng tỏ rằng Ngài không phải một vị thần, không phải một thực thể siêu nhiên, mà là một con người thực sự đã từng hiện hữu trong lịch sử.
Bí ẩn của Piprāhwā
Những manh mối đầu tiên về xá-lợi của Đức Phật xuất hiện trong các ghi chép của triều đại Maurya. Theo kinh điển, sau khi Đức Phật nhập diệt, tro cốt của Ngài được phân chia thành 8 phần và đặt trong các bảo tháp tại nhiều nơi trên tiểu lục địa Ấn Độ. Sau đó, một trong những vị vua vĩ đại nhất của lịch sử Ấn Độ - Đại đế Asóka - đã ra lệnh mở các bảo tháp ấy để phân chia tiếp 8 phần xá-lợi thành những phần nhỏ hơn, rồi xây dựng hàng loạt tháp mới nhằm tôn trí xá-lợi của Đức Phật để những người dân khắp nơi có cơ hội để chiêm bái.
Việc tìm thấy xá-lợi của Đức Phật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong dòng chảy của lịch sử. Nếu những gì còn lại của kim thân Ngài thực sự tồn tại, điều đó chứng tỏ rằng Ngài không phải một vị thần, không phải một thực thể siêu nhiên, mà là một con người thực sự đã từng hiện hữu trong lịch sử.
Thế nhưng, trong suốt nhiều thế kỷ sau đó, cùng với những biến cố lịch sử, Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ, những bảo tháp này cũng dần bị lãng quên. Không ai biết chính xác xá-lợi của Đức Phật đang ở đâu. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, mọi thứ bắt đầu thay đổi.
Tại một ngôi làng nhỏ tên Piprāhwā ở Uttar Pradesh, Ấn Độ, cách biên giới Nepal chưa đầy một cây số, một gò đất bí ẩn đã thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ người Anh. Đây là khu vực nằm rất gần Lumbinī, nơi Đức Phật đản sinh. Không chỉ vậy, một trụ đá của Asóka cũng đã được tìm thấy ở một địa điểm gần đó đã khẳng định rằng vùng đất này có mối liên hệ sâu sắc với cuộc đời của Đức Phật.
Vincent Smith, một học giả người Anh chuyên nghiên cứu về lịch sử Ấn Độ, tin rằng gò đất này có thể là một bảo tháp cổ được xây dựng từ thời của đại đế Asóka1. Vì vậy, ông khuyến khích William Claxton Peppé - một kỹ sư người Anh đang sở hữu khu đất đó - tiến hành khai quật để tìm hiểu về những thứ được vùi lấp dưới mặt đất. Và rồi, vào tháng 1-1898, những nhát cuốc đầu tiên đã chạm vào lịch sử.

Kỹ sư Peppé và hình ảnh chiếc hòm bằng đá được khai quật - Ảnh: Gia đình của Peppé cung cấp cho The Piprāhwā Project
Theo những chỉ dẫn của ông Smith, sau khi dọn sạch bụi cỏ và rừng rậm, nhóm của Peppé bắt đầu đào một rãnh sâu xuyên qua gò đất. Khi đào xuống độ sâu khoảng 18 feet (khoảng 5,5m), họ chạm đến một hòm đá sa thạch lớn bên dưới một bảo tháp bằng gạch nung. Khi mở hòm, bên trong là năm chiếc hộp nhỏ, bao gồm một chiếc hộp pha lê và bốn hộp steatite (đá xà phòng) hình bầu dục có nắp đậy và được chạm khắc tinh xảo. Điều quan trọng nhất là các hộp này không chỉ chứa nhiều hiện vật quý giá, bao gồm đồ trang trí bằng vàng, đồ trang sức, và những vật hiếm thấy mà còn có cả những mảnh xương có niên đại lâu đơì2. Những mảnh xương này, về sau, được xác định là xá-lợi của Đức Phật Thích Ca lịch sử.
Manh mối lịch sử trên dòng văn khắc
Những người khai quật khi ấy cũng không thể ngờ rằng mình sắp chạm vào một bí ẩn đã ngủ vùi hơn hai nghìn năm. Khi phủi những lớp đất phủ trên bình đá steatite, một dòng văn khắc bằng ký tự Brāhmī xuất hiện: “Sukiti-bhatinaṃ sabhaginikanam sa-puta-dalanam iyaṃ salila-nidhane Budhasa bhagavate sakiyanam”3 với nội dung tạm dịch như sau: “Hòm đựng xá-lợi này của Đức Phật đáng kính của dòng tộc Sá̄kya, (là sự cúng dường) của những người anh em của Sukīrti, cùng với các chị em, các con trai và những người vợ của họ”4.
Thông tin tưởng như đơn giản nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó khẳng định rằng xá-lợi của Đức Phật đã từng được chính dòng tộc Sá̄kya, những người cùng huyết thống với Ngài, cung kính thờ phụng. Điều này trùng khớp với những gì được ghi chép trong Mahāparinibbāna Sutta (DN.16), rằng sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, xá-lợi của Ngài được phân chia thành tám phần, trong đó, dòng tộc Sá̄kya ở Kapilavastu cũng nhận được một phần và xây dựng bảo tháp để tôn thờ.

Các báu vật và trang sức được tìm thấy cùng với xá-lợi tại Piprāhwā - Ảnh: The Piprāhwā Project
Hơn thế nữa, theo ghi chép của nhà chiêm bái Pháp Hiển (thế kỷ IV-V), Lumbinī - nơi Đức Phật đản sinh - nằm cách kinh thành Kapilavastu cổ đại 9 dặm về phía Đông. Điều đáng kinh ngạc là khoảng cách này chính xác với khoảng cách từ Lumbinī (nơi đã phát hiện ra trụ đá Asóka trước đó) đến di tích Piprāhwā5, nơi phát hiện ra xá-lợi của Đức Phật. Với những bằng chứng này, nhiều học giả tuyên bố: Piprāhwā chính là Kapilavastu cổ đại, thủ đô của dòng tộc Sá̄kya. Nếu đúng như vậy, thì vùng đất này không chỉ là nơi lưu giữ xá-lợi của Đức Phật mà còn là nơi Ngài từng sinh ra và lớn lên.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình. Nhiều nhà nghiên cứu từ Nepal phản đối quan điểm này, cho rằng Kapilavastu thực sự nằm ở vùng Tilaurākoṭ, cách đó không xa. Tranh luận vẫn tiếp tục, nhưng điều không thể phủ nhận là dòng chữ khắc trên hộp đá đã thắp sáng một phần lịch sử tưởng chừng đã bị lãng quên.
Không chỉ có văn khắc, nhóm khai quật còn phát hiện hơn 1.800 viên đá quý, bao gồm pha lê, ngọc trai, vỏ sò, san hô, vàng và bạc, được chôn cùng với xá-lợi. Đây là một trong những khối bảo vật lớn nhất từng được tìm thấy trong một bảo tháp Phật giáo, minh chứng cho lòng thành kính vô biên của những người con Phật thời đó dành cho Đức Phật.
Con người giác ngộ được xác tín
Lúc bấy giờ, tin tức về việc phát hiện xá-lợi đã lan nhanh. Những tờ báo lớn lần lượt đưa tin về những phát hiện chấn động trong lĩnh vực khảo cổ Phật giáo; những phát hiện tại Piprāhwā cũng được báo chí chú ý khai thác và được cộng đồng Phật giáo quan tâm, trong đó có hoàng tử Prisdang, còn gọi là Jinavaravaṃsa, từng là đại sứ của Thái Lan (Siam) và là anh em họ của vua Rama V. Sau khi rời bỏ con đường chính trị, ông xuất gia tại Sri Lanka và cống hiến cuộc đời mình cho Phật giáo. Khi nghe tin về việc phát hiện các di tích của Đức Phật tại Piprāhwā, ông lập tức đến đó để tìm hiểu.

Năm chiếc bình đựng bảo vật, được chụp lại bởi Peppé vào năm 1898 - Ảnh: W.C.Peppé
Tuy nhiên, ông phát hiện rằng W.C. Peppé đã giao các mảnh xá-lợi khai quật được cho Chính phủ Anh. Với mong muốn đưa xá-lợi trở lại với cộng đồng Phật giáo, hoàng tử Prisdang đã đưa ra những lập luận thuyết phục chính quyền Anh trao chúng cho vua Rama V của Thái Lan, để từ đó chia sẻ cho các quốc gia Phật giáo khác. Ông không chỉ nói về giá trị tôn giáo của xá-lợi, mà còn chỉ ra ý nghĩa sâu xa hơn: xá-lợi không thuộc về một cá nhân hay một quốc gia nào, mà chúng thuộc về tất cả những ai đi theo con đường của Đức Phật. Điều này không chỉ giúp xoa dịu sự bất mãn của Phật tử, đặc biệt khi Bồ Đề Đạo Tràng vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ giáo, mà còn là một động thái ngoại giao khôn ngoan trong bối cảnh các cường quốc như Pháp, Nga và Hà Lan đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á6.
Năm 1899, chính quyền Anh đồng ý với đề xuất này, và một buổi lễ chính thức được tổ chức để trao xá-lợi cho sứ giả của vua Rama V. Sau khi về Thái Lan, các mảnh xá-lợi được chia sẻ đến nhiều địa điểm quan trọng và có nhiều người hành hương đến chiêm bái7. Ở Thái Lan, xá-lợi được thờ ở Wat Saket tại Bangkok. Hai phần xá-lợi được gửi đến Mandalay và Rangoon (ở Myanmar). Ba phần khác được đưa đến Sri Lanka (Anuradhapura, Kandy và Colombo).
Xá-lợi không chỉ dừng lại với ý nghĩa là một bảo vật tôn giáo. Khi những chiếc hộp đá được mở ra tại Piprāhwā, thế giới không chỉ chứng kiến một di tích khảo cổ mà còn đứng trước một sự thật quan trọng: Đức Phật không là một huyền thoại, mà một con người bằng xương bằng thịt đã thành bậc Giác ngộ hoàn toàn nhờ công phu tu tập với ý chí phi thường.
Trong khi đó, những hiện vật bằng vàng và trang sức được tìm thấy cùng với xá-lợi được giữ lại tại Ấn Độ và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Ấn Độ ở Kolkata. Ngày nay, chỉ có một bản sao của chiếc bình đựng xá-lợi được trưng bày tại đây, nhưng những hình ảnh về các di tích này có thể được xem tại Bảo tàng Kapilavastu ở Piprāhwā - một điểm đến linh thiêng thu hút nhiều người hành hương.
Những phần xá-lợi của Đức Phật, khi đến với các quốc gia Phật giáo, đã trở thành biểu tượng của sự kết nối tâm linh sâu sắc giữa các cộng đồng Phật tử khắp nơi. Tại Thái Lan, Myanmar và Sri Lanka, hàng nghìn Phật tử thành kính đảnh lễ khi xá-lợi của Ngài được rước vào những ngôi chùa linh thiêng. Những buổi lễ trang nghiêm và những tiếng tụng kinh vang vọng không chỉ thể hiện lòng tôn kính với Đức Phật mà còn khẳng định niềm tin vào giáo pháp của Ngài.
Tuy nhiên, xá-lợi không chỉ dừng lại với ý nghĩa là một báu vật tôn giáo. Khi những chiếc hộp đá được mở ra tại Piprāhwā, thế giới không chỉ chứng kiến một di tích khảo cổ mà còn đứng trước một sự thật quan trọng: Đức Phật không là một huyền thoại, mà một con người bằng xương bằng thịt đã thành bậc Giác ngộ hoàn toàn nhờ công phu tu tập với ý chí phi thường.
Ngài đã từng đi trên mảnh đất này, đối diện với những nỗi đau của kiếp nhân sinh và tự mình tìm ra con đường vượt qua chúng. Điều đó có nghĩa là giác ngộ không phải là một điều huyễn hoặc, chỉ dành cho những bậc siêu nhiên xa vời, mà là một con đường có thật - một con đường dành cho tất cả chúng ta.
Hành trình tìm kiếm kim thân của Đức Phật
Tuy vậy, hành trình tìm kiếm dấu tích của Đức Phật chưa bao giờ dừng lại. Sự xuất hiện của xá-lợi tại Piprāhwā đặt ra một câu hỏi lớn: Nếu đây chỉ là một phần xá-lợi trong số những phần đã được phân chia, vậy những phần còn lại đang ở đâu? Điều này đã thôi thúc các nhà nghiên cứu tiếp tục cuộc truy tìm kéo dài hơn một thế kỷ, mở ra những phát hiện khác và làm sáng tỏ thêm bức tranh lịch sử về sự tồn tại của Đức Phật.

Bình đựng xá-lợi tại bảo tháp Piprāhwā
Tin tức về khám phá của Peppé nhanh chóng lan rộng, chạm đến tai của Thomas W. Rhys Davids - một trong những nhà Phật học danh tiếng nhất thời bấy giờ. Là người dành cả đời nghiên cứu về kinh điển Pāli, ông hiểu rõ tầm quan trọng của phát hiện này. Nếu những mảnh xương được tìm thấy thực sự là xá-lợi của Đức Phật, điều đó có thể trở thành một trong những bằng chứng khảo cổ mạnh mẽ nhất về sự hiện diện lịch sử của Ngài. Để kiểm chứng tính xác thực của di vật, ông đã trực tiếp đến Ấn Độ tiến hành điều tra một cách cẩn thận.
Vào ngày 10-4-1900, Rhys Davids trình bày kết quả nghiên cứu của mình trước Hội Á Đông Hoàng gia, với sự có mặt của Peppé. Trong bài phát biểu, ông khẳng định: “Tôi cho rằng các xá-lợi được tìm thấy rất có thể là một phần xương và tro cốt được thu thập sau lễ trà-tỳ của Đức Phật; và chúng đại diện cho một trong 8 phần xá-lợi đã được phân chia theo các tài liệu Phật giáo cổ.”
Giả thuyết này càng được củng cố bởi sắc lệnh trên cột đá của vua Asóka, được phát hiện gần địa điểm khai quật. Trước những bằng chứng thuyết phục, Hội Á Đông Hoàng gia đã chấp nhận kết luận của Rhys Davids và thông qua một nghị quyết đề nghị Chính phủ Ấn Độ cấp kinh phí để Peppé tiếp tục nghiên cưú8.
Đến năm 1970, dựa vào những phát hiện của Peppé, nhà khảo cổ học Ấn Độ K.M. Srivastava đã lãnh đạo một cuộc thám hiểm của Hiệp hội Khảo cổ học Ấn Độ đào sâu hơn Peppé và đã phát hiện ra những hiện vật quý giá khác ở ngôi tu viện bị chôn vùi, nằm phía Đông của bảo tháp, mở ra một hành trình khai quật lớn hơn ở Piprāhwā để tìm lại xá-lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
-----------------------
1 William Claxton Peppé and Vincent A. Smith, “Art. XXIII: The Piprāhwā Stūpa, Containing Relics of Buddha”, Journal of the Royal Asiatic Society 30, no. 3 (July 1898): 573-88, https://doi.org/10.1017/s0035869x00025739.
2 Ibid.
3 J. F. Fleet, “VIII. The Inscription on the Piprahwa Vase”, Journal of the Royal Asiatic Society of Great Britain & Ireland 39, no. 1 (January 1907): 106, https://doi.org/10.1017/s0035869x00035541.
4 “This receptacle of relics of the blessed Buddha of the Sá̄kyas (is the pious gift) of the brothers of Sukīrti, jointly with their sisters, with their sons and their wives”, bản dịch sang tiếng Anh của Auguste Barth, người có bản dịch được nhiều người ủng hộ.
5 Krishna Murari Srivastava, Buddha’s Relics from Kapilavastu, Delhi: Agam Kala Prakashan, 1986, 20.
6 Himanshu Prabha Ray, The Return of the Buddha, Routledge, 2014, 108-109.
7 Ibid. 109.
8 Ibid. 110.