Hành trình tri ân đầy trách nhiệm từ thu nhận ADN thân nhân liệt sĩ
Sau 1 năm thực hiện Kế hoạch số 356/KH-BCA về thu nhận mẫu ADN từ thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, cả nước có hơn 57.000 mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ đã được thu nhận, mở ra hy vọng tìm lại danh tính cho những người con đã ngã xuống. Đây không chỉ là câu chuyện của kỹ thuật, mà còn là hành trình đầy nhân văn, kết nối huyết thống và ký ức, nơi trái tim và trách nhiệm thắp lên ngọn lửa tri ân, trả lại tên cho những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Khi dữ liệu thắp lên hy vọng đoàn tụ
Nhằm xác định danh tính cho hàng nghìn liệt sĩ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang trên khắp cả nước nhưng vẫn còn thiếu thông tin, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 356/KH-BCA về việc thu nhận mẫu ADN từ thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Kế hoạch được triển khai từ tháng 7/2024, không đơn thuần là một chương trình quy mô lớn, mà còn là một sứ mệnh nhân văn sâu sắc. Đây là một hành trình đặc biệt, nơi công nghệ được đưa về để phụng sự ký ức, biến những dòng dữ liệu vô tri thành hy vọng đoàn tụ, kết nối những trái tim người còn sống với hình bóng người đã khuất.

Nhiều thân nhân liệt sĩ tìm lại mối liên hệ huyết thống qua thu nhận mẫu ADN
Đến ngày 20/7/2025, cả nước đã thu nhận được 57.273 mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ. Con số này là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng Công an cơ sở, họ đã không quản ngại khó khăn, đến tận từng nhà để gặp gỡ các cụ già, những Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người đã dành gần trọn cuộc đời trong khắc khoải chờ mong tìm lại được con em mình.
Theo Cục trưởng C06, Thiếu tướng Vũ Văn Tấn cho biết, đã có hơn 500 buổi thu nhận mẫu được tổ chức, không chỉ là công việc chuyên môn đơn thuần, mà còn là những cuộc "gõ cửa ký ức", gom từng giọt sinh phẩm quý giá để chắt chiu cơ hội đoàn tụ thiêng liêng. Nhiều đơn vị như Công an tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa đã mở các chiến dịch đặc biệt, cho thấy sự vào cuộc quyết liệt để những mẫu ADN này sớm được đưa vào giám định, tiến gần hơn đến việc "gọi đúng tên" các Anh hùng.
Đáng chú ý, từ nền tảng 696.908 thông tin liệt sĩ do Cục Người có công cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương rà soát, xác minh và làm sạch dữ liệu. Kết quả ban đầu rất đáng khích lệ: 336.243 trường hợp liệt sĩ chưa xác định danh tính và 284.329 thông tin thân nhân đã được cập nhật. Mỗi dòng dữ liệu được làm rõ là một bước tiến quan trọng, giúp ghép lại từng mảnh ký ức rời rạc thành một bản thể đầy đủ về tên tuổi, quê hương, huyết thống của các liệt sĩ.
Công tác phân tích ADN cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực: hơn 11.000 mẫu thân nhân đã được giám định, trong đó hơn 10.000 mẫu đã được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước, tạo ra một nền tảng dữ liệu đồng bộ, phục vụ lâu dài cho việc đối sánh. Trong tổng số 17.726 mẫu hài cốt được bàn giao, đã có 5.493 mẫu được phân tích. Từng lát cắt gen đang dần soi sáng những bí ẩn lịch sử bị chôn vùi theo năm tháng. Và, những kết quả ban đầu đã mang lại nhiều xúc động. Tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ (Gia Lai), đã có 16 liệt sĩ được xác định danh tính, 27 thân nhân tìm lại được mối liên hệ huyết thống. Hình ảnh các gia đình ôm chặt nhau trong nước mắt khi tìm thấy tên tuổi người thân sau hàng chục năm chờ đợi đã cho thấy ý nghĩa lớn lao của chương trình này.
Sức mạnh từ sự đồng lòng và lời cam kết thiêng liêng
Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Thiếu tướng Vũ Văn Tấn cho biết: Kế hoạch số 356/KH-BCA-C06 không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành công an, mà đó còn là sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Không chỉ vậy, sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa lên đến 39,4 tỷ đồng, tương ứng với hơn 17.500 mẫu xét nghiệm ADN đã giúp cho việc tìm kiếm tên các liệt sĩ chưa xác định được danh tính thuận lợi hơn. Tỉnh Hà Nam là một điểm sáng, khi vận động được gần 18 tỷ đồng, đủ để phân tích ADN cho 100% thân nhân liệt sĩ trên địa bàn.
Tuy nhiên, hành trình này vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sự chậm trễ trong việc ban hành kế hoạch phân công nhiệm vụ đã gây lúng túng cho công tác phối hợp. Một số địa phương còn thiếu chủ động, hạ tầng kỹ thuật phục vụ đối sánh dữ liệu ADN chưa hoàn thiện, làm chậm quá trình trả kết quả. Đáng lo ngại, nhiều mẫu đã được phân tích nhưng chưa được thanh toán do vướng mắc về cơ chế tài chính. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, mà còn tạo áp lực lớn cho các đơn vị thực hiện, đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các thân nhân liệt sĩ.
Trước thực trạng này, Bộ Công an đã kiến nghị Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện kế hoạch, thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu ADN để tạo nên một hệ sinh thái dữ liệu thống nhất, minh bạch; đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính sớm bố trí kinh phí để giải ngân kịp thời, duy trì tiến độ và chất lượng chương trình.
Nhấn mạnh, ADN chính là “chìa khóa” để phục hồi ký ức lịch sử, là công cụ kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch số 356/KH-BCA, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Đảng, Nhà nước xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh danh tính liệt sĩ là nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
Tuy nhiên, để chương trình trong thời gian tới thực hiện có hiệu quả, Thủ tướng kêu gọi toàn thể hệ thống chính trị và toàn xã hội phải "chạy đua với thời gian, thần tốc hơn nữa" để không một liệt sĩ nào bị lãng quên, không một gia đình thân nhân nào phải chờ đợi. Chúng ta cũng xác định ADN là “chìa khóa” để phục hồi ký ức lịch sử cho người thân, cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Đây cũng là công cụ quan trọng để kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, đáp ứng mong mỏi của người thân, của những người gia đình liệt sĩ.