Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam: 15 năm giữ lửa tri ân

15 năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam kiên trì kết nối nghĩa tình, hỗ trợ tìm kiếm, chăm lo quan tâm hàng vạn gia đình liệt sĩ.

Hành trình tri ân bền bỉ

Mỗi tấc đất Tổ quốc hôm nay đều thấm đẫm máu xương của những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất nhưng hơn một triệu gia đình liệt sĩ vẫn day dứt vì thiếu thông tin về nơi an nghỉ của người thân. Nhiều ngôi mộ vô danh, bia mộ sai lệch. Dù công tác tri ân luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, vẫn còn nhiều việc cần sự chung tay.

Xuất phát từ thực tiễn ấy, ngày 17/9/2010, theo Quyết định số 1081/QĐ-BNV, Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam được thành lập. Ngay từ những ngày đầu, Hội đã nhận được sự quan tâm, động viên của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Với tôn chỉ tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ, hỗ trợ thân nhân tiếp cận chính sách, thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN, Hội trở thành điểm tựa tin cậy.

Cán bộ, hội viên Hội HTGĐLS Việt Nam đón hài cốt liệt sĩ vận chuyển theo đường tàu hỏa tại ga Hà Nội. Ảnh: Đăng Khoa

Cán bộ, hội viên Hội HTGĐLS Việt Nam đón hài cốt liệt sĩ vận chuyển theo đường tàu hỏa tại ga Hà Nội. Ảnh: Đăng Khoa

Trong 15 năm, Hội đã xây dựng mạng lưới rộng khắp với 16 Hội và 4 Chi hội cấp tỉnh, 2 Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, hơn 120 Chi hội cấp huyện, hơn 40 đơn vị liên kết và gần 1 vạn hội viên, đa phần là cựu chiến binh và sĩ quan quân đội về hưu.

Nhiệm vụ trọng tâm của Hội là hỗ trợ tìm kiếm, xác minh thông tin và giám định ADN để trả lại danh tính cho liệt sĩ. Từ năm 2010, Hội và các tổ chức trực thuộc đã tiếp nhận, thụ lý 40.000 hồ sơ, tư vấn hơn 36.800 lượt thân nhân, đăng tải thông tin hơn 207.000 liệt sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hội đã xác minh, chỉnh lý thông tin bia mộ cho 667 liệt sĩ; hướng dẫn 1.258 hồ sơ giám định ADN, trong đó 488 trường hợp xác định chính xác danh tính.

Thực hiện Đề án quốc gia 515, Hội trực tiếp khai quật, lấy mẫu 273 hài cốt, tổ chức 33 buổi trao kết quả ADN cho gia đình. Hơn 1.750 mẫu sinh phẩm của thân nhân trên 63 tỉnh, thành đã được thu thập, trong đó hơn 1.000 mẫu thuộc thân nhân liệt sĩ từng hy sinh tại Lào. Hội cũng phối hợp tìm kiếm, cất bốc, di chuyển 1.527 hài cốt từ các chiến trường xưa về quê nhà. Đặc biệt, năm 2024, Hội phối hợp Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức vận chuyển miễn phí 33 hài cốt liệt sĩ và 66 thân nhân đi cùng trên các chuyến tàu từ ga Sài Gòn về miền Bắc và ngược lại.

Lan tỏa nghĩa tình, vun đắp niềm tin

Không chỉ dừng ở việc tìm kiếm, Hội còn chăm lo thiết thực cho thân nhân liệt sĩ, đặc biệt là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, vợ liệt sĩ neo đơn, con cháu liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. 15 năm qua, toàn hệ thống đã vận động 180 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, xây mới và sửa chữa hơn 3.000 nhà tình nghĩa, trao hơn 20.000 suất quà, hàng nghìn học bổng, sổ tiết kiệm cho con, cháu liệt sĩ hiếu học.

Hội cũng chú trọng lan tỏa tinh thần tri ân trong xã hội, nhất là thế hệ trẻ. Các hoạt động hội thảo, về nguồn, tham quan chiến trường xưa, tọa đàm với nhân chứng, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử và gương anh hùng liệt sĩ đã góp phần khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm. Tạp chí điện tử Tri ân, cơ quan ngôn luận của Hội, thường xuyên đăng tải gương điển hình, mô hình tốt trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Với phương châm “Chính xác, Nhân văn, Hiệu quả, Minh bạch”, Hội trở thành cầu nối tin cậy giữa gia đình liệt sĩ với các cơ quan Nhà nước, tổ chức trong và ngoài nước. Hội không làm thay, mà đồng hành, bổ trợ, góp phần giảm tải cho các cơ quan quản lý, đồng thời phát huy hiệu quả của nguồn lực xã hội hóa.

Đằng sau những con số là sự bền bỉ và lặng lẽ của hàng nghìn cán bộ, hội viên, phần lớn là cựu chiến binh và sĩ quan quân đội. Họ dành trọn thời gian, công sức, tiền bạc để làm công tác tri ân, không quản nắng mưa, vượt hàng trăm cây số xác minh thông tin, tìm kiếm mộ liệt sĩ, thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng, vận động mạnh thường quân.

Đại tá Đoàn Việt Phương, Trưởng ban Tuyên truyền, Hội HTGĐLS Việt Nam, cho biết: “Hầu hết cán bộ, hội viên của Hội đều từng khoác áo lính, thấm thía nỗi đau mất mát của đồng đội. Vì vậy, mỗi chuyến đi xác minh, mỗi lần trao thông tin hay đưa hài cốt về quê nhà không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm và tình cảm tri ân. Với chúng tôi, đây là sứ mệnh, là cách tiếp tục trả nghĩa cho những người đã ngã xuống, dù có phải vượt qua bao gian khó”.

Không thể không nhắc đến những cộng tác viên cơ sở, những người bám sát địa bàn, thấu hiểu từng gia đình. Chính họ là “cánh tay nối dài” của Hội, đưa sự hỗ trợ đến đúng nơi, đúng người, trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhiều gia đình từng gần như tuyệt vọng. Có những chuyến đi xuyên đêm để đưa hài cốt về quê nhà; có những buổi gặp gỡ, khi thân nhân liệt sĩ òa khóc vì cuối cùng cũng biết nơi yên nghỉ của người thân. Những khoảnh khắc ấy chính là động lực để những người làm công tác tri ân tiếp tục bền bỉ cống hiến.

Những nỗ lực ấy đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận với Huân chương Lao động hạng Ba (2023) cùng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng... Nhưng với những người trong Hội, phần thưởng lớn nhất là niềm tin yêu từ hàng triệu gia đình liệt sĩ, những người đã tìm lại hy vọng, tìm lại thông tin và tìm lại cả một điểm tựa tinh thần.

Trong chặng đường sắp tới, Hội xác định kiên trì mục tiêu “tri ân đúng, đủ, nhân văn và hiệu quả”. Tiếp tục mở rộng, kiện toàn tổ chức tại các địa phương còn thiếu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quản lý dữ liệu liệt sĩ và phần mộ; mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với các cựu binh Hoa Kỳ để thu thập thông tin về các mộ tập thể; phát triển đội ngũ cộng tác viên trẻ để kế thừa, lan tỏa truyền thống tri ân; tăng cường truyền thông để đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” thấm sâu trong xã hội.

15 năm là một chặng đường nhiều thử thách nhưng đong đầy nghĩa tình. Hội HTGĐLS Việt Nam cùng các tổ chức Hội trên cả nước tiếp tục là ngọn đuốc giữ lửa tri ân, kết nối những người còn sống với những người đã khuất, để đạo lý ấy luôn sống động trong lòng mỗi người dân Việt.

Đăng Khoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-ho-tro-gia-dinh-liet-si-viet-nam-15-nam-giu-lua-tri-an-412418.html