Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: 'Còn sức, còn đóng góp'
Dù đã nghỉ hưu gần 20 năm, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa vẫn miệt mài chăm lo cho cộng đồng với tinh thần 'còn sức, còn đóng góp'.
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa từng hoạt động cách mạng và phải trải qua 11 năm ở tù chính trị, bị đày qua 6 nhà lao ở miền Nam, trong đó có chuồng cọp Côn Đảo.Hòa bình, bà tiếp tục góp sức xây dựng đất nước.
Không chỉ mang trong mình ký ức lịch sử, bà Trương Mỹ Hoa còn là người thắp lên hy vọng cho hàng ngàn học sinh dân tộc thiểu số thông qua Quỹ học bổng Vừ A Dính suốt hơn 25 năm qua với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”.
Với bà, lời hứa năm xưa với đồng đội chưa từng phai nhạt: "Còn sức, còn đóng góp".

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa sau ngày đất nước thống nhất (bên trái) và hiện tại. Ảnh: NVCC
Chưa thể nghỉ ngơi khi đồng bào vẫn cần
. Phóng viên: Bà từng phải trải qua 11 năm ở tù chính trị, bị đày qua 6 nhà lao ở miền Nam, trong đó có chuồng cọp Côn Đảo. Hòa bình, bà tiếp tục góp sức xây dựng đất nước. Điều gì thôi thúc bà miệt mài cống hiến suốt gần 20 năm qua sau khi về hưu?
+ Bà Trương Mỹ Hoa: May mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, tôi sớm hiểu công việc của cha mẹ, các cô chú như gác lính, đưa thư... nên tuổi thơ tôi đã gắn bó với cách mạng khi mới 6 tuổi. Năm 1960, khi mới 15 tuổi, tôi chính thức rời khỏi gia đình để tham gia cách mạng.
Ngày 21-5-1962, khi chưa tròn 17 tuổi, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam với lời hứa “Cống hiến, chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng”. Lời hứa đó trở thành kim chỉ nam suốt hành trình sống, chiến đấu và phụng sự của tôi.
Vào năm 2007, tôi được về hưu ở tuổi 62.Tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều việc cần làm cho đất nước, nên đã bắt tay thực hiện những công việc nằm trong khả năng của mình, với mong muốn góp phần vào những việc mà Tổ quốc đang cần sự chung tay của mọi người.
Dân còn thương, mình còn sức, còn đóng góp. Khi đất nước hòa bình, nhiều người từng vào sinh ra tử trong chiến tranh vẫn tiếp tục cống hiến âm thầm. Dù không còn trong tổ chức nào, họ vẫn lặng lẽ góp từng thùng mì, nồi chè, nồi phở mang đến trại phong, giúp người khó khăn. Tôi gọi họ là “những người không nghỉ hưu với đất nước”.
Năm 1954, tôi còn là một cô bé, cùng bạn bè đứng ở bờ tre làng tiễn các chú bộ đội lên đường tập kết. Ai đi ngang qua cũng xoa tay lên đầu chúng tôi và dặn dò phải học tập thật tốt, chăm ngoan, chú đi 2 năm chú về...
Tôi không nhớ bao nhiêu cánh tay đã đặt lên đầu mình. Nhận những lời động viên ấy, chúng tôi đã cố gắng làm theo. Nhưng chờ mãi đến 2 năm sau, các chú vẫn không về, đám thiếu nhi chúng tôi lại theo các chú đi làm cách mạng.


Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao học bổng cho học sinh vùng biển đảo. Ảnh: TL
. Đó chính là lý do bà chọn đến với vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ cho cộng đồng, chọn làm "người không nghỉ hưu với đất nước"?
+ Năm 1999, khi còn đang là Phó Chủ tịch Quốc hội, tôi nhận lời làm Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính. Trong suy nghĩ của tôi, các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, những vùng phên dậu của Tổ quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhưng bà con đồng bào dân tộc vùng cao vẫn cần thêm sự chung tay từ góp sức từ cộng đồng để cải thiện đời sống. Đây cũng là một cách góp phần thực hiện mong muốn Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi”.
Ở vùng hải đảo, biên cương, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, trẻ em còn thiếu thốn về điều kiện học hành. Nếu mình có thể vận động, giúp đỡ để các cháu được học hành đến nơi đến chốn, các cháu sẽ trở thành những công dân có năng lực góp phần xây dựng đất nước.
Tôi luôn có niềm tin các em nhỏ ngày hôm nay sẽ trở thành những trụ cột trong tương lai để bảo vệ và giữ gìn vững chắc biên cương, hải đảo. Trước mắt, cần hỗ trợ cha mẹ các cháu yên tâm bám biển, giữ đảo. Về lâu dài, các cháu sẽ là những người tiếp nối giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Tôi chọn ‘cõng chữ lên non’, ‘chở chữ ra biển’, tiếp tục hành trình vun bồi nhân lực cho đất nước.
Toàn bộ tâm huyết của tôi từ đó đến nay đều dành cho việc chăm lo trẻ em nghèo, đặc biệt là con em vùng cao, hải đảo thông qua Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu".
Có 2 câu thơ mà tôi rất tâm đắc: “Hỏi tuổi, tuổi khuyên nên dừng lại/ Hỏi lòng, lòng bảo cứ xung phong”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chụp hình lưu niệm cùng học sinh được trao học bổng ở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TL
‘Tôi vẫn trăn trở vì chưa lo được cho nhiều cháu hơn nữa…’
. Hơn hai thập kỷ gắn bó với Quỹ Vừ A Dính, câu chuyện nào từ những vùng đất bà đã đến, những người bà từng gặp, khiến bà không thể quên?
+ Tôi đã từng có nhiều chuyến công tác đến vùng cao, gặp không ít những mảnh đời khó khăn nhưng ký ức năm 2017 ở xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) vẫn là điều mà tôi chẳng thể nào quên. Năm đó, một trận lũ quét kinh hoàng đã cuốn trôi cả bản làng, để lại khung cảnh tan hoang và đau xót.
Tôi gặp em Giàng A Xoài – một cậu bé người Mông (13 tuổi). Bố mẹ em làm nghề hái thảo quả thuê, đã bị cuốn đi trong lũ. Xoài trở thành trẻ mồ côi, chỉ còn một người anh trai đã lập gia đình, sống ở bản khác và may mắn thoát nạn.
Em không khóc, không nói, chỉ lặng im với ánh mắt trống rỗng và mỗi ngày ngồi lặng lẽ nhớ bố mẹ. Cuộc sống khó khăn đến mức bữa cơm cũng là điều xa xỉ, việc trở lại trường với em là một giấc mơ xa vời.
Tôi hỏi: “Cháu có muốn vào thành phố học không? Nếu cháu đồng ý, bác sẽ đưa cháu vào TP.HCM theo học theo chương trình học bổng Vừ A Dính”.
Anh Bí thư huyện đứng bên cạnh tôi, xúc động kể rằng chính anh ngày xưa cũng từng được nhận học bổng và giờ đây, con em trong bản lại có cơ hội đó. Như được tiếp thêm sức mạnh, Giàng A Xoài khẽ gật đầu đồng ý. Chúng tôi hiểu: Nếu không đưa em đi, em sẽ sớm phải bỏ học, rồi lại theo nương, theo rẫy… như bố mẹ năm nào.
Vào TP, em được sắp xếp học tại Trường Tiểu học Nhựt Tân (thuộc hệ thống Trường THCS-THPT Hồng Hà, là đơn vị đồng hành cùng Quỹ trong dự án “Ươm mầm tương lai”).
Lẽ ra em đã học lớp 6, nhưng do những năm tháng theo bố mẹ lên nương, việc học gián đoạn nên phải học lại từ lớp 5.
Lúc đầu, thầy cô nghĩ em không biết tiếng Kinh vì em chỉ cúi đầu nhưng thực ra, đó là sự thu mình của một đứa trẻ mất cả cha lẫn mẹ, bơ vơ giữa thành phố lạ.

Giàng A Xoài cùng 3 người mẹ của Xoài. Ảnh: TL
Tôi nhớ lần đầu vào trường thăm Xoài, mỗi em được một phần lagu bánh mì. Xoài quan sát cách bạn ăn rồi cũng rụt rè làm theo. Em ăn hết phần của mình nhưng vẫn chẳng nói lời nào. Nhìn em, ai cũng nghẹn ngào.
Những ngày đầu, Xoài sống khép kín, lặng lẽ đến lớp rồi về phòng. Thầy cô kiên nhẫn bên em, bạn bè từ từ xích lại gần em, chia sẻ từng chiếc bánh, từng quyển sách, từng lời hỏi han nhỏ nhất. Dần dần nụ cười đã nở trên môi em.
Em tự tin giơ tay phát biểu, chơi đá bóng cùng bạn bè hay ăn bữa trưa ngon lành như bao bạn bè cùng trang lứa. Đó là những ngày khiến tất cả chúng tôi rơi nước mắt vì hạnh phúc.
Tết năm ấy, em được về quê. Tại sân bay Nội Bài, anh trai em từ bản xuống đón. Hai anh em đứng lặng giữa sân bay đông đúc, không nhận ra nhau. Chỉ đến khi có người gọi tên, họ mới òa khóc, ôm chầm lấy nhau. “Mày là thằng Xoài đấy hả? Mày khác quá rồi!” – tiếng gọi ấy khiến những người chứng kiến cũng xúc động.
Sáu tháng ở thành phố, Xoài đã không còn là cậu bé gầy gò, đen nhẻm ngày nào. Em trắng trẻo, gọn gàng, mặc đồng phục sạch sẽ, ánh mắt sáng lên niềm tin và hy vọng. Sau kỳ nghỉ, trở lại trường, em bắt đầu hòa nhập.
Bạn bè và thầy cô tiếp tục đồng hành, giúp em học tập và rèn luyện. Dù không học xuất sắc, nhưng điều chúng tôi mong mỏi nhất là em có một cuộc sống đủ đầy tri thức và tình thương.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thăm các chiến sĩ. Ảnh: TL
8 năm trôi qua thật nhanh. Cuối năm học vừa qua, tôi có mặt trong lễ trưởng thành lớp 12 của Xoài. Em bước lên sân khấu, gọi tôi, cô hiệu trưởng Hà Thị Kim Sa và cô Thảo – người đã kèm cặp em suốt nhiều năm là “3 người mẹ”. Em nói ít, nhưng ai nấy đều xúc động.
Em hứa sẽ cố gắng thi tốt, không phụ lòng mọi người. Và rồi… ngày biết tin Xoài đậu đại học, cả trường vỡ òa. Chúng tôi bật khóc vì vui mừng, vì tự hào, vì thương em. Một hành trình dài tưởng chừng không thể vượt qua giờ đây đã trở thành hiện thực.
. Điều gì khiến bà đến nay vẫn trăn trở mà chưa chịu nghỉ ngơi?
+ Điều tôi còn trăn trở nhất là tôi vẫn chưa lo được cho nhiều cháu hơn. Ngoài ra, giá trị cho suất học bổng vẫn chưa được cao với mức trung bình chỉ khoảng 1 triệu đồng/học sinh (mỗi năm khoảng 8.000 suất), còn với sinh viên thì được nhiều hơn một chút.
Xúc động nhất không phải là những lời cảm ơn hay ca tụng mà là khi nhìn thấy các bé bày tỏ mong muốn. Khi phát học bổng, các cháu nhỏ đều nói: “Con mong quỹ phát triển hơn để có thể giúp được nhiều bạn như con”. Các bé không chú ý đến món quà đầu tiên mà lại nghĩ cho quỹ từ thiện, điều đó khiến tôi xúc động.
Do nguồn lực hạn chế, chúng tôi chưa thể mở rộng được như kỳ vọng. Nếu quỹ học bổng có tiềm lực mạnh hơn, suất học bổng cao hơn thì các cháu sẽ càng đỡ khó khăn, có điều kiện để được học hành và trưởng thành hơn. Đây chính là điều tôi mong mỏi nhất hiện nay.
Đến nay, Quỹ đã trao trên 130 nghìn suất học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số. Đồng thời CLB “Vì Hoàng sa - Trường sa thân yêu” đã trao được hơn 3.000 suất học bổng cho con em ngư dân ở các vùng biển đảo và con của cán bộ chiến sĩ hải quân, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng.
. Nếu được gửi gắm một điều đến thế hệ sau, bà muốn nhắn nhủ những lời nào tới các bạn nhỏ?
+ Tôi luôn kỳ vọng các cháu luôn nỗ lực học tập, rèn luyện không ngừng để vừa trở thành người có ích cho gia đình, vừa có thể gánh vác trách nhiệm với đất nước.
Tôi từng nói tri ân không chỉ là biết ơn mà còn là cho cơ hội để tiếp tục sống có ích. Biết ơn là điều đúng đắn và cần phải biết ơn bằng hành động, sống xứng đáng với sự hy sinh to lớn của cha ông ta đã để lại.
Trong suốt chiều dài lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nếu không có những lực lượng kế thừa thì chắc không có được một dòng chảy cách mạng sôi sục như vậy.
Năm nay, tôi đã 80 tuổi nhưng vẫn không ngừng làm việc. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất chính là là những lá thư viết tay của các em học sinh ngày nào nay đã trở về đảo, về bản làng trở thành giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, cán bộ… góp phần dựng xây quê hương.
. Xin cảm ơn bà!
TP.HCM dành gần 149 tỉ đồng chăm lo người có công dịp 27-7
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2025), Sở Nội vụ TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM kế hoạch tổ chức với tổng dự toán hơn 148,4 tỉ đồng.
Trong đó, trọng tâm là chăm lo quà tặng cho người có công, bảo đảm mọi đối tượng chính sách đang sinh sống tại TP.HCM đều được nhận quà.
Mức quà tặng bằng hoặc cao hơn mức chung tại ba khu vực trong cả nước. TP cũng mở rộng đối tượng được nhận quà, phù hợp tình hình thực tế ở các địa phương trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM.
Có 6 mức quà, cao nhất là 3 triệu đồng dành cho Mẹ Việt Nam anh hùng; thấp nhất là 800.000 đồng dành cho: con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huân chương hoặc Huy chương kháng chiến, tử tuất hằng tháng đối với thân nhân thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa.
Song song đó, TP triển khai nhiều hoạt động tri ân như: 47 đoàn lãnh đạo thăm 5 trung tâm điều dưỡng thương binh phía Bắc, Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè và 225 gia đình chính sách tiêu biểu (mỗi phần quà trị giá 2 triệu đồng và 3 triệu tiền mặt).
TP cũng tổ chức họp mặt 185 người có công tiêu biểu, tặng 3 triệu đồng/người; truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 6 trường hợp. Đặc biệt, tổ chức các hoạt động kỷ niệm tại Côn Đảo như viếng nghĩa trang, tặng quà cựu tù, trao sách và tổ chức lễ giỗ tập thể.
Bà NGUYỄN NGỌC HẰNG, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM.