Hành trình tri ân về với mảnh đất thiêng Quảng Trị
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), tôi có dịp trong hành trình tri ân cùng đoàn công tác của tỉnh về với mảnh đất thiêng Quảng Trị. Tháng 7, những dòng người ở khắp mọi miền đất nước nối nhau về đây để thành kính dâng hương, tri ân những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc. Để có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc hôm nay, mỗi chúng ta không thể nào quên những năm tháng bi hùng của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Hơn 6 giờ sáng, từ thành phố Hưng Yên, đoàn công tác bắt đầu hành trình về nguồn, hoạt động thường niên được duy trì từ nhiều năm nay. Sau một hành trình dài gần 600km, đoàn đặt chân đến mảnh đất lửa linh thiêng, huyền thoại Quảng Trị để dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn... Dù quãng đường khá xa nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi bởi khi đặt chân đến đây, ai cũng thấy bồi hồi, xúc động, lắng đọng trong không gian linh thiêng. Trên mảnh đất Quảng Trị có hàng nghìn người con Hưng Yên đã anh dũng, chiến đấu kiên cường. Và cũng tại nơi đây nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại, mãi mãi tuổi đôi mươi… Giữa di tích Thành cổ hôm nay, mỗi thành viên trong đoàn công tác đều rưng rưng khi nghe thuyết minh về 81 ngày đêm rực lửa của mùa hè năm 1972. Đã có 328.000 tấn bom đạn giặc Mỹ dội xuống, trọng điểm đánh vào tòa Thành cổ và thị xã Quảng Trị rộng chưa đầy 3km2 - Một trận chiến kinh hoàng trong lịch sử chiến tranh thế giới. Thành cổ được xem là “nghĩa trang không nấm mồ”, là ngôi mộ chung của hàng vạn anh hùng, liệt sĩ.
Cách Thành cổ Quảng Trị khoảng 1km là bến sông Thạch Hãn. Trong 81 ngày đêm năm 1972, hàng nghìn chiến sĩ đã vượt sông Thạch Hãn từ bờ Bắc vào bờ Nam chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Nhiều người con của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, máu xương hòa vào dòng Thạch Hãn. Sự hy sinh cao cả ấy đã tô thắm trang sử vàng chói lọi về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, giữ cho non sông gấm vóc mãi trường tồn. Các anh đã đi xa, nhưng linh hồn vẫn còn mãi nghìn năm. Các anh vẫn còn mãi như “sóng nước” không ngừng nghỉ trên sông, “vỗ yên bờ bãi” quê hương.
Không ở nơi đâu trên đất Việt Nam có nhiều nghĩa trang, nhiều mộ phần liệt sĩ như ở Quảng Trị: 72 nghĩa trang với hơn 7 vạn mộ liệt sĩ. Trong đó có hai nghĩa trang quốc gia lớn nhất là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh là nơi an nghỉ của 10.263 liệt sĩ, trong đó có 332 liệt sĩ quê Hưng Yên. Sau khi dâng nén tâm hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đoàn công tác đã thành kính tìm đến từng phần mộ liệt sĩ là người con quê hương để làm lễ tri ân. Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, phần mộ của những liệt sĩ quê Hưng Yên được quy hoạch thành khu vực riêng. Thắp nén hương thơm lên phần mộ của những người con quê hương đã yên nghỉ mãi nơi đây, tận đáy lòng mỗi thành viên trong đoàn công tác đều trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ là niềm thương tiếc, xót xa, sự khâm phục, biết ơn mà còn xen lẫn lòng tự hào dân tộc.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9, chiến trường Quảng Trị và đất bạn Lào trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây cũng là nơi yên nghỉ của 133 người con quê hương Hưng Yên. Những phần mộ vuông vắn, được chăm sóc chu đáo dưới bàn tay ăm ắp nghĩa tình của đội ngũ quản trang. Lần theo từng phần mộ, những cái tên bình dị, những dòng địa chỉ quê quán: Văn Lâm, Khoái Châu, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ… sao mà thân thương quá đỗi. 133 liệt sĩ quê Hưng Yên, người trẻ nhất có lẽ chỉ tầm mười tám, đôi mươi mang theo nhiệt huyết và tình yêu quê hương, đất nước đã chiến đấu can trường cho nền độc lập, thống nhất hôm nay.
Trong cuộc hành trình về “vùng đất lửa”, mỗi một địa danh, mỗi một di tích đi qua đều để lại cho mỗi thành viên trong đoàn niềm cảm xúc vô tận về "những bài ca không bao giờ quên”, về lớp lớp thế hệ cha anh đi trước sẵn sàng gác lại ước mơ của mình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Qua chuyến đi đầy ý nghĩa này, mỗi thành viên đã thực sự thấu hiểu được những mất mát, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, từ đó tự nhủ với lòng mình phải có trách nhiệm hơn, phấn đấu nhiều hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/hanh-trinh-tri-an-ve-voi-manh-dat-thieng-quang-tri-3173989.html