Hành trình tri thức 25 năm xây dựng xã hội học tập từ cơ sở

Những người xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam đã tiếp cận tài liệu của hàng trăm nhà khoa học, từ đó cùng nhân dân thiết kế và thi công một mô hình xã hội học tập ở Việt Nam với những đặc trưng riêng. Nói cách khác, mô hình xã hội học tập ở Việt Nam không giống bất cứ quốc gia nào.

Phát triển cách học mọi lúc mọi nơi đang được coi trọng tại Việt Nam. Minh họa: TTGDCD

Phát triển cách học mọi lúc mọi nơi đang được coi trọng tại Việt Nam. Minh họa: TTGDCD

Hành trình xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam - lối đi riêng độc đáo và sáng tạo

Để nhìn nhận lại con đường xây dựng xã hội học tập ở nước ta trong 25 năm qua (2000-2024), tôi sơ kết đôi nét về hành trình tri thức mà Hội Khuyến học Việt Nam đã thực hiện, và tôi là thành viên trong hành trình này.

Ý tưởng đầu tiên là tôi nghĩ tới một lối tư duy tăng trưởng hay còn gọi là lối tư duy phát triển (Growth Mindset) mà nhà Tương lai học, ông John Naisbitt, đã gieo vào đầu óc tôi: "Phải hiểu được sức mạnh của việc tạo ra lối đi riêng".

Ở tuổi thanh niên, chàng trai Albert Einstein là sinh viên Khoa Vật lý học của Trường đại học Bách khoa Zurich. Đồ án tốt nghiệp của anh bị đánh trượt. Vị giáo sư đánh giá đồ án đó nói với anh rằng: "Anh khá thông minh, nhưng anh có một nhược điểm lớn. Anh không bao giờ chịu lắng nghe".

Lời nhận xét này đã không tạo cơ hội cho Einstein tìm kiếm được việc làm có tính hàn lâm.

Phải lắng nghe? Phải làm theo người đi trước đã hiểu và đã làm? Với Einstein, anh chấp nhận bị coi là kẻ cứng đầu, bởi vì, phải lắng nghe và làm theo người khác tức là "làm nô lệ cho quyền lực", là kẻ thù lớn nhất của sự thật.

Với Einstein, vấn đề không phải là ai đúng, mà là cái gì đúng. Nếu thấy ai đó đúng rồi mà mình dừng lại, mình ra khỏi sự chìm đắm suy tưởng về cái tương lai sẽ có thì không còn là công việc hàn lâm.

Khi viết về tương lai, tôi không thể lo liệu một ngày nào đó những kết luận của mình có thể bị chứng minh là sai... Nhưng ngay từ đầu phải đúng thì không bao giờ có thể tưởng tượng và gợi ý cho mọi thứ.

Albert Einstein

Sự "cứng đầu" của Einstein đã giúp ông trở thành một thiên tài vĩ đại trong ngành vật lý học thế kỷ XX.

Tôi lại liên tưởng đến việc các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam mang pháo phản lực Katyusha (Cachiusa) của Nga (tác giả là Georgy Langemak) vào chiến trường miền Nam. Do không có phương tiện chuyển dàn phóng loại Rocket này, bộ đội ta chỉ mang các quả đạn bằng sức người theo dọc đường Trường Sơn vào các trận địa ở miền Nam. Bài toán đặt ra là phải thay thế dàn phóng bằng phương tiện nào. Các kỹ sư của ta đã đắp dàn phóng bằng đất sét, miết thật nhẵn, thật mịn. Cuối cùng, trong tay Quân đội nhân dân Việt Nam, Cachiusa đã gây kinh hoàng cho kẻ địch, chẳng khác gì nó đã làm cho bọn lính phát xít của Hitler năm nào, cứ nghe tiếng nổ của Cachiusa là hồn bay, phách lạc.

Tôi là thành viên Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các sản phẩm khoa học - kỹ thuật, và tôi đã trân trọng để một lá phiếu của mình cho cách ứng dụng Rocket Cachiusa trên chiến trường miền Nam năm ấy.

Điều này đã giúp tôi củng cố lối tư duy về "con đường đi riêng" trong khoa học, trong cách giải quyết những vấn đề của đời sống. Có thể coi, tìm ra lối đi riêng là có được ông thần hộ mệnh cho sự sáng tạo.

Xây dựng xã hội học tập là một Megatrend trong cuộc cách mạng giáo dục cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Đứng trước các ngã ba, ngã bảy theo xu thế vĩ mô này, vấn đề là đi theo con đường nào là hợp lý, là hiệu quả nhất. Sự lựa chọn đó đòi hỏi một cách nhìn vào tương lai của chính mình, vào sự kiên trì và niềm tin vào cách tiếp cận khoa học (Approach) của việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn về xã hội học tập.

Trung tâm học tập cộng đồng phường Him Lam (thành phố Điện Biên Phủ) phối hợp với Trường Tiểu học Him Lam tổ chức hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” cho học sinh nhà trường. Ảnh: Báo ĐBP

Trung tâm học tập cộng đồng phường Him Lam (thành phố Điện Biên Phủ) phối hợp với Trường Tiểu học Him Lam tổ chức hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” cho học sinh nhà trường. Ảnh: Báo ĐBP

Những đặc điểm của lối đi riêng trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam

Trong quá trình nghiên cứu hướng Việt Nam trở thành một xã hội học tập, những người làm Đề án "Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam ở nước ta cần có một cái nhìn mới với tầm nhìn hướng ngoại, với lối tư duy cởi mở, với tinh thần sáng tạo một mô hình giáo dục bảo đảm cho mỗi công dân học tập suốt đời vì một đất nước phát triển bền vững, vì một thế giới hòa bình, hòa hợp, khoan dung và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc.

Việt Nam khởi công xây dựng xã hội học tập khi Chính phủ ban hành Quyết định 112/20025/QĐ-TTG. Tính đến nay, từ khi đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng cho ngôi nhà "Xã hội học tập", chúng ta đã đi qua 3 giai đoạn với một hành trình 20 năm đầy nỗ lực.

Giai đoạn 1 - Thực hiện Quyết định 112/2005/QĐ-TTg, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010. Trong giai đoạn này, mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học là cơ sở nền tảng của việc vận động toàn dân tham gia học tập thường xuyên theo hình thức giáo dục không chính quy là chủ yếu.

Giai đoạn 2 - Thực hiện Quyết định 89/QĐ-TTg, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, hình thành mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập, định dạng xã hội học tập trên địa bàn hành chính cấp xã.

Giai đoạn 3 - Thực hiện Quyết định 1373/QĐ-TTg, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh những mô hình học tập đã xây dựng trong giai đoạn II, cả nước bắt tay vào mô hình công dân học tập, coi đây là yếu tố chất lượng của các mô hình học tập trên địa bàn xã. Đến giai đoạn này, chủ trương xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính cấp xã đã được hoàn thiện về cơ bản.

Mô hình thành phố học tập theo tiêu chí đánh giá do UNESCO đề xuất đã bắt đầu được một số địa phương xây dựng. Có 5 thành phố của Việt Nam được công nhận là thành viên của mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" do UNESCO điều hành: Vinh, Cao Lãnh, Sa Đéc, Sơn La và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến đây, hành trình xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam đã hòa nhập vào dòng chảy toàn cầu hóa giáo dục đang ngày càng dâng cao và lôi cuốn nhiều quốc gia vào xu thế phát triển của nó.

Trong quá trình xây dựng xã hội học tập, Việt Nam đã tìm cho mình một lối đi riêng, không đi theo vết xe của những nước đã đi trước, không sao chép mô hình xã hội học tập của bất kỳ quốc gia nào, không coi kinh nghiệm của các quốc gia khác như một tín điều, mặc dù rất quý trọng và đánh giá cao của mọi kinh nghiệm mà mình đã tiếp cận.

5 vấn đề khác biệt của các mô hình xã hội học tập ở Việt Nam

1. Tất cả các quốc gia tham gia chương trình xây dựng xã hội học tập đều đang chuyển nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Dưới áp lực của kinh tế tri thức, xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời là giải pháp hợp lý và hiệu quả nhất đối với họ.

Việt Nam bắt tay xây dựng xã hội học tập khi chưa hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa. Nền kinh tế nông nghiệp vẫn đang là chủ đạo. Học tập suốt đời là giải pháp tiếp cận nhanh với kinh tế tri thức, và rồi đến lượt nó, kinh tế tri thức trở thành điều kiện để xây dựng xã hội học tập.

2. Trong khi các quốc gia khác tham gia chương trình xây dựng xã hội học tập bằng chiến lược phát triển các thành phố học tập (Learning cities), các vùng công nghiệp học tập (Learning Industrial Regions) thì Việt Nam lại xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, đặc biệt là trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, nơi mà hàng chục triệu nông dân có trình độ học vấn khá thấp. Xóa mù chữ cơ bản cho những đối tượng chưa có trình độ đào tạo trung học đi đôi với xóa mù chữ chức năng (Functional illiteracy), xóa mù chữ trực dụng (Direct Illteracy) và xóa mù kỹ năng (Skill Illiteracy) cho cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp là 2 việc mà Việt Nam phải làm đồng thời. Đây là cách làm hợp lý và thiết thực.

3. Tất cả các nước tham gia xây dựng xã hội học tập đều dựa vào việc huy động các nguồn lực do chính quyền thực hiện. Việt Nam là nước duy nhất có tổ chức Hội Khuyến học, được lãnh đạo của Đảng Cộng sản giao trách nhiệm giữ vai trò nòng cốt trong việc gắn kết, phối hợp với các lực lượng xã hội, lực lượng kinh tế, lực lượng an ninh quốc phòng.

Đến cuối năm 2024, Hội Khuyến học đã có 26 triệu hội viên. Nếu hội viên nào cũng coi học tập suốt đời là nhiệm vụ quan trọng thì cả nước đã có ¼ dân số học tập thường xuyên.

4. Một trong 6 yêu cầu xây dựng xã hội học tập do UNESCO đề xuất là phải phục hồi việc học tập tại gia đình và cộng đồng. Đây là yêu cầu cao nên tại Hội nghị quốc tế về xây dựng Thành phố học tập tại Bắc Kinh, vấn đề học tại gia đình đã được đưa vào tuyên bố chung.

Ở Việt Nam, vấn đề học tại gia đã được đặt ra sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề tìm những cách học có hiệu quả mà không tốn nhiều tiền như "Gia đình học hiệu" và "Tiểu giáo viên". Khi Việt Nam bắt tay xây dựng xã hội học tập, mô hình "Gia đình hiếu học" và sau đó là mô hình "Gia đình học tập" đã được đưa vào kế hoạch. Đến nay, số lượng gia đình học tập đã lên tới hơn 15 triệu gia đình. Đây cũng là nét riêng, rất độc đáo chỉ thấy ở Việt Nam.

Tập thể những người xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam đã tiếp cận và truy cập những sách báo, những tài liệu của hàng trăm các nhà khoa học, từ đó đã cùng nhân dân thiết kế và thi công một mô hình xã hội học tập ở Việt Nam với những đặc trưng riêng, hoàn toàn phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau một phần tư thế kỷ xây dựng xã hội học tập, Việt Nam đã có 5 thành phố là thành viên của mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu". Năm 2024, tại Hội nghị quốc tế về thành phố học tập được tổ chức ở Jubail (Saudi Arabia), đại biểu của thành phố Vinh và Sơn La đã chia sẻ với các đại biểu quốc tế về kinh nghiệm xây dựng các cộng đồng học tập và những sáng kiến thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững. Những sáng kiến này thể hiện rõ tính sáng tạo và cách tiếp cận linh hoạt của những nhà khoa học Việt Nam đối với xu thế xây dựng thành phố học tập trên thế giới.

5. Trong báo cáo "Học tập - Một kho báu tiềm ẩn", Jacques Delors có nói đến 4 trụ cột của học tập: Học để biết (Learning to know), học để làm (Learning to do), học để chung sống (Learning to live together) và học để làm người (Learning to be). Nhiều quốc gia đã coi Learning to be như một triết lý. Với Việt Nam, trong giáo dục truyền thống, "học để làm người" đã được coi là mục đích tối thượng của giáo dục và đào tạo. Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói đến mục đích này khi bàn về giáo dục: Nền giáo dục phải đào tạo ra những người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt và người cán bộ tốt. Cho nên, ở Việt Nam, học để làm người được thể hiện ở mục tiêu đào tạo con người có thể đóng được các vai trò trên đây bằng những năng lực của họ.

Hành trình 25 năm xây dựng xã hội học tập bắt đầu từ khi nhận thức phải tạo ra một mô hình giáo dục mở đến khi có được những thành phố đứng trong danh sách "Những thành phố học tập toàn cầu" không phải là quá dài.

Bắt đầu từ năm 2025, với tinh thần vươn mình của cả dân tộc, có thể chúng ta sẽ nhanh chóng có nhiều thành phố học tập được UNESCO công nhận, nhiều tỉnh học tập theo tiêu chí thi đua trong nước.

Con đường đi riêng có sức mạnh là vậy!

GS.TS Phạm Tất Dong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hanh-trinh-tri-thuc-25-nam-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-tu-co-so-179250110145215992.htm