Hành trình trồng loài cây 'hiếm có khó tìm' trên non thiêng Yên Tử
50 cây xích tùng giống đang được Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử trồng vì loài cây này không có khả năng mọc tự nhiên và những cây lớn đang mắc bệnh...
XEM VIDEO:
Thời gian gần đây, bất kể ngày nắng hay mưa Phó phòng quản lý rừng, BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử Bùi Thanh Sơn luôn thoăn thoắt đôi chân băng rừng để tham gia trồng loạt cây xích tùng trên non thiêng Yên Tử.
Ngần ấy năm bám trụ công việc tại đây, anh Sơn cùng nhiều cán bộ trong BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử đau đáu trong lòng việc nhân giống và trồng cây xích tùng, loài cây có sức sống mãnh liệt, trường thọ nhưng khó mọc cây mới.
Cũng từng ấy thời gian, anh nằm lòng ngóc ngách đường rừng, vị trí từng cây xích tùng còn sót lại.
Trên quãng đường từ chân núi lên tới khu trồng cây, anh cho biết, hiện sẽ trồng 50 cây non đầu tiên tại các khu vực trên rừng Yên Tử như chùa Hoa Yên, đường tùng và Am Dược với độ cao gần 700m so với mực nước biển.
Để mang được số cây non này lên tới vị trí trồng, cán bộ tại đây phải gùi cây trên lưng rồi leo bộ, quá trình mang vác phải nhẹ nhàng, cành lá được bọc kỹ càng tránh gãy.
Tới được khu Am Dược cũng là lúc cơn mưa rả rích kéo về, anh Sơn nhanh tay cầm bao phân bón đi rải quanh phần đất của những cây xích tùng đại thụ.
"Bón phân cho cây xích tùng thì không nên bón ngay gốc mà phải bón cách gốc hơn 10m vì loài này tán lá vươn tới đâu thì rễ kéo dài tới đấy, trời mưa sẽ khiến phân bón ngấm nhanh vào đất đưa dưỡng chất đến cây", anh Sơn giải thích.
Tiếp đó, anh tới tham gia cùng mọi người trồng xích tùng, bàn tay cứng cáp của người gác rừng nay thật nhẹ nhàng khi đặt từng bầu cây xuống hố trồng. Xong đâu đấy, anh cẩn thận ghi lại từng vị trí đã được trồng cây mới để hàng ngày tới kiểm tra, chăm sóc, mong sao cây phát triển từng ngày.
Chọn kỹ hạt giống, tỷ mẩn khi trồng
Là người khởi xướng việc nhân giống cây xích tùng, anh Phạm Văn Sự (nguyên Phó BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử) cho đây là đam mê của mình trong những năm tháng làm nghề.
Ý tưởng được anh ấp ủ sau khi đi mòn giày trong những cánh rừng bạt ngàn hùng vĩ, tuy nhiên anh chưa hề thấy một cây xích tùng nào mọc sau mùa rụng quả.
Anh kể, tháng 9 năm 2003, TP Uông Bí phát động cuộc thi nếu ai ươm được giống cây xích tùng sẽ được thưởng 1 chỉ vàng.
Nhận thấy đây cũng là đam mê của mình, anh xách túi rong ruổi khắp các gốc cây xích tùng đại thụ để nhặt quả rụng, sau đó nhanh chóng mang về ươm mầm.
Sau đó, phải ngâm hạt dưới nước để lựa chọn, hạt nào nổi thì đã bị hỏng, hạt chìm thì được đem đi ủ.
"Quá trình ủ hạt, gieo hạt phải có sự kiên nhẫn, dùng chính lá tùng khô dưới gốc cây mẹ để phủ đất giữ ẩm, hạt gieo từ tháng 9 thì phải tới tháng 5 năm sau mới nảy mầm", anh Sự chia sẻ bí quyết.
Giai đoạn cây mọc cần nhiều thời gian chăm sóc, phải trồng thưa cây ra, tưới nước đều đặn. Từ đó đến nay, loạt cây đầu tiên anh trồng mới mọc cao được 1 mét và đủ tiêu chuẩn để giao 50 cây cho BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử trồng.
"Hiện tôi đã có 1 vườn ươm với hàng trăm cây đang trong quá trình chăm sóc sau nảy mầm, phương pháp nhân giống cũng chuyển từ ươm hạt sang giâm cành từ những cây đã mọc cao trước đó", anh Sự nói trong vui mừng.
Việc chọn giống khắt khe là thế việc trồng trên non thiêng Yên Tử càng phải cẩn thận hơn.
Tại khu vực Am Dược, anh Nguyễn Văn Thành (Giám sát trồng cây của Viện nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp nhiệt đới) cùng những cộng sự của mình đang tỷ mẩn hạ những bầu cây xích tùng xuống hố trồng.
Anh phân tích, hố trồng cây phải rộng 1m2, sâu 80cm, được bón phân rồi ủ 15 ngày sau mới được trồng.
Phải dùng đất ở gốc cây mẹ làm đất mồi vì có nấm vi sinh cải tạo đất cây mới bén rễ nhanh. Cây trồng phải được tháo bầu nhựa, trồng xong cần làm giá đỡ, khung bảo vệ xung quanh để tránh thú rừng làm gãy, quan trọng nhất là phải làm rãnh thoát nước tránh ngập úng.
Hiện nay, rừng quốc gia Yên Tử còn khoảng 233 cây xích tùng, mọc ở chùa Hoa Yên, Am Dược, thác Vàng, thác Bạc, nhiều nhất là ở đường tùng (69 cây).
Theo Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, hàng xích tùng ở đây là hàng cây trồng cổ nhất Việt Nam có tuổi đời gần 700 năm.
Năm 2019 có 132 cây mắc bệnh và nguy cơ chết do quá già cỗi, những cây này bị mục rỗng thân, sâu bệnh nghiêng ngọn. Những năm gần đây đã có 20 cây chết.