Hành trình từ đỉnh cao đến vực sâu của Pedro Castillo
Ngày 8/12, Thẩm phán Tòa án Tối cao Peru Juan Carlos Checkley đã ký lệnh tạm giam 7 ngày đối với cựu Tổng thống Pedro Castillo để điều tra sau khi chính trị gia này có ý định giải tán Quốc hội một cách vi hiến.
Lệnh tạm giam trên được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan công tố để có thể mở rộng điều tra và xác định xem có những ai đã tham gia cùng với ông Castillo trong việc ra quyết định giải tán Quốc hội, thành lập một “chính phủ ngoại lệ trong trường hợp khẩn cấp” và kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp mới. Hiện ông Castillo đã bị chuyển tới giam giữ tại trụ sở Cục Tác chiến đặc biệt của lực lượng cảnh sát Peru.
Từ giáo viên trở thành tổng thống
Pedro Castillo sinh ngày 19/10/1969 trong một gia đình nông dân nghèo ở Puna, vùng Cajamarca, miền Bắc Peru. Ông là con thứ ba trong gia đình có 9 người con. Thời thiếu niên, Castillo phải đi làm để kiếm tiền đi học. Từ năm 12 tuổi, Castillo và cha mỗi năm đi bộ khoảng 140 km để làm công việc thời vụ trong các đồn điền cà phê ở vùng Peruvian Amazonia. Castillo cũng từng đi bán kem, bán báo và làm nhân viên dọn dẹp khách sạn ở thủ đô Lima.
Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, Castillo theo học ngành giáo dục tiểu học tại Viện Nghiên cứu giáo dục cấp cao Octavio Carrera và sau đó lấy bằng thạc sĩ tâm lý học giáo dục tại Đại học Cesar Vallejo.
Từ năm 1995, Castillo làm giáo viên tiểu học, rồi trở thành Hiệu trưởng Trường 10465 ở Puna. Ngoài giảng dạy, ông còn làm công việc nấu ăn cho học sinh và dọn dẹp lớp học. Trường học của ông do người dân tự bỏ tiền xây dựng vì không nhận được ngân sách từ chính phủ.
Là giáo viên ở một vùng nông thôn nghèo, Castillo rất được tôn trọng và có ảnh hưởng cao trong cộng đồng địa phương và giúp ông có nền tảng ủng hộ chính trị tốt.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP tháng 2/2021, Castillo cho biết, động lực để ông tham gia chính trị là việc phải chứng kiến học sinh đến trường trong tình trạng đói khát và không được hưởng bất kỳ phúc lợi gì, trong khi kinh tế Peru tăng trưởng mạnh nhờ nguồn khoáng sản dồi dào.
Castillo trở thành lãnh đạo công đoàn giáo viên trong cuộc đình công năm 2017 nhằm đòi tăng lương và ngân sách giáo dục. Cuộc đình công lan rộng khắp miền Nam Peru buộc Bộ trưởng Giáo dục Marilu Martens, Thủ tướng Ferrnando Zavala cùng các quan chức chính phủ khác nhất trí công bố gói tăng lương và xóa nợ vay, nhưng phong trào đình công không lắng xuống.
Khi các giáo viên từ khắp Peru tới Lima tuần hành và biểu tình, chính phủ ban hành sắc lệnh tối cao về các điều khoản đàm phán, cảnh báo sa thải nếu giáo viên không trở lại lớp học trước ngày 28/8/2017. Castillo sau đó tuyên bố ngừng phong trào đình công.
Nhiều đảng chính trị ở Perusau đó đã tiếp cận Castillo để mời ông trở thành ứng viên tranh cử vào quốc hội, nhưng ông từ chối. Castillo quyết định tranh cử tổng thống năm 2021 sau khi được các công đoàn khuyến khích. Castillo đã vận động tranh cử trên lưng ngựa trong phần lớn chiến dịch, bày tỏ nỗi thất vọng về tình cảnh khó khăn của những người dân Peru giữa đại dịch và tự coi mình là người phụng sự nhân dân.
"Sẽ không còn người nghèo ở một đất nước giàu có", ông nói khi vận động cho đảng Peru Tự do. Ông tuyên bố sẽ không nhận lương tổng thống và tiếp tục sống bằng thu nhập từ công việc dạy học, tự mô tả bản thân là "người đàn ông của công việc và hy vọng".
Với thông điệp tranh cử này, ngày 19/7/2021, Castillo đã đánh bại ứng viên cánh hữu Keiko Fujimori để trở thành Tổng thống Peru. Chiến thắng sít sao của ông trong cuộc bỏ phiếu trước đối thủ Fujimor diễn ra sau khi giới tinh hoa chính trị Peru vấp phản đối dữ dội của cử tri vì tình trạng tham nhũng và đại dịch.
"Đây là lần đầu tiên đất nước này được lãnh đạo bởi một người nông dân, một người thuộc tầng lớp bị áp bức", Castillo nói. Ông hứa hẹn mang tới những thay đổi căn bản để cải thiện cuộc sống của nhiều người Peru, những người phải đối mặt với suy thoái nghiêm trọng do đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói gia tăng. Vào thời điểm đó, ông cam kết về một đất nước không có tham nhũng.
Tổng thống Castillo cam kết đại diện cho quyền lợi của người nghèo, cải cách giáo dục y tế và nhiều dịch vụ công, nhưng chính phủ của ông nhiều tháng sau đó vẫn loay hoay tìm ủng hộ từ các phe nhóm chính trị đối lập trên cả nước. Sau khi giữ chức, ông lại tỏ ra không mấy quan tâm đến việc thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử và nhanh chóng phải đối mặt với hàng loạt trở ngại khiến chính quyền của ông bị tê liệt, bao gồm các vụ bê bối tham nhũng cấp cao, điều tra tội phạm và thay đổi nội các.
Trong một năm rưỡi nắm quyền, cựu Tổng thống Castillo đã phải thay đổi và bổ nhiệm tới 5 thủ tướng. Hầu hết thủ tướng có nhiệm kỳ kéo dài chỉ vài tháng, và có người làm thủ tướng chỉ 8 ngày. Ông đã để các đồng minh chính trị thiếu kinh nghiệm giữ nhiều chức vụ. Một số người trong đó thậm chí phải đối mặt với cuộc điều tra về tham nhũng, bạo lực gia đình và giết người. Hầu hết các bộ trưởng trong chính phủ được ông lựa chọn từ nhiều vùng trên cả nước. Các bộ trưởng của Castillo chủ yếu từ các đồng minh cánh tả hoặc tổ chức độc lập, trong khi 3 bộ trưởng thuộc đảng Peru Tự do và 3 người khác là giáo viên thân cận với Castillo.
Công tố viên cũng cáo buộc cựu Tổng thống Peru lãnh đạo một tổ chức tội phạm với các nhà lập pháp và thành viên gia đình, để trục lợi từ hợp đồng chính phủ và liên tục cản trở việc thực thi công lý. Chẳng hạn, con gái ông Castillo đã “bốc hơi" khỏi dinh tổng thống khi cô đối mặt với lệnh bắt giữ.
Trước tình trạng đó, tỷ lệ ủng hộ ông Castillo đã giảm xuống 19% ở Lima, mặc dù ở vùng nông thôn, tỷ lệ này vẫn ở mức 45%, chỉ thấp hơn 4% so với một năm trước, theo cuộc thăm dò vào tháng 11 của Viện Nghiên cứu Peru.
Bị luận tội và phế truất
Đầu tháng 12/2022, Quốc hội đã lên lịch bỏ phiếu luận tội Tổng thống Castillo lần thứ 3 sau khi ông đe dọa giải tán cơ quan này. Thế nhưng, chỉ vài giờ trước cuộc bỏ phiếu đó, ông Castillo tuyên bố giải tán Quốc hội và thành lập chính phủ khẩn cấp để điều hành bằng sắc lệnh, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm quốc gia ngay lập tức.
Tuyên bố của ông Castillo đã đẩy nền dân chủ mong manh ở Peru vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều năm. Nhưng tuyên bố của ông không nhận được sự ủng hộ. Ngay sau động thái này, nhiều quan chức nội các đã từ chức, cáo buộc ông cố nắm quyền bất hợp pháp. Hàng loạt đơn tố cáo từ các đối thủ chính trị cùng chuyên gia hiến pháp, cũng như tuyên bố chung từ lực lượng vũ trang và cảnh sát cho thấy ông thiếu quyền hợp pháp để thực hiện sắc lệnh của mình.
“Chúng tôi phản đối việc vi phạm trật tự hiến pháp và kêu gọi người dân tôn trọng hiến pháp chính trị, giữ bình tĩnh cùng tin tưởng vào các thể chế nhà nước”, lực lượng ra tuyên bố riêng.
Tuyên bố của Castillo dường như gây sốc cho cả những đồng minh thân cận nhất của ông. “Tôi là người bảo vệ trật tự dân chủ, Hiến pháp và tôi tin tưởng sâu sắc rằng chính trị không thể đứng trên luật pháp”, Benji Espinoza, luật sư riêng của ông Castillo cho đến khi ông bị luận tội hôm 7/12, nói với hãng tin RPP.
Trên thực tế, ông Castillo dường như đã cân nhắc động thái này trong một thời gian. Tháng trước, ông công khai đe dọa giải tán Quốc hội và đã âm thầm cố gắng khảo sát các nhà lãnh đạo quân sự về việc ủng hộ ông, theo phương tiện truyền thông địa phương.
Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng từ chức với lý do cá nhân, tin đồn về cuộc đảo chính quân sự đã lan truyền trên mạng xã hội, khiến một số nhà lập pháp đối lập ở lại Quốc hội qua đêm vào hôm 4/12 vì lo ngại các lực lượng vũ trang có hành động bạo lực để đóng cửa phòng họp Quốc hội. Nhưng không có bất cứ động thái nào như vậy diễn ra.
Peru trong vòng xoáy khủng hoảng
Ngày 7/12, Quốc hội Peru đã thông qua quyết định phế truất Tổng thống Pedro Castillo với tỉ lệ 101 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 10 phiếu trắng. Ngay sau đó, Cảnh sát Quốc gia Peru (PNP) đã thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Castillo và cựu Thủ tướng Anibal Torres. Hai chính trị gia này đã được đưa về trụ sở cơ quan an ninh ở thủ đô Lima với sự chứng kiến của Tổng Công tố Patricia Benavides.
Sau khi ông Castillo bị phế truất vài giờ, Phó tổng thống Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời tại trụ sở Quốc hội Peru, trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử của quốc gia Nam Mỹ này. Ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Boluarte kêu gọi Peru ngừng xung đột chính trị và thiết lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. "Những gì tôi yêu cầu là không gian và thời gian để giải cứu đất nước", bà Boluarte nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc ông Castillo bị phế truất khiến tình hình Peru thêm rối ren. Những ngày qua các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của tân Tổng thống Dina Boluarte và đòi trả tự do cho cựu Tổng thống Pedro Castillo diễn ra tại thủ đô Lima và nhiều thành phố khác của Peru.
Chiều 11/12, Quốc hội Peru đã triệu tập phiên họp khẩn cấp để thảo luận về cuộc khủng hoảng nhưng đã phải tạm dừng sau khi các cuộc xung đột nổ ra. Trong khi đó, các hiệp hội nông dân và các tổ chức đại diện cho người dân kêu gọi "đình công vô thời hạn" bắt đầu từ ngày 13/12 để ủng hộ ông Castillo.