Hành trình tự lập của tân sinh viên
Rời xa gia đình đến với TP Huế học tập, nhiều tân sinh viên đã bắt đầu trang bị cho mình năng lực tự học, sớm thích nghi với cuộc sống tự lập.
Bỡ ngỡ với môi trường mới
Đến nay, hầu hết các trường đại học tại Huế thực hiện xong việc tiếp đón, làm thủ tục nhập học cho tân sinh viên, đồng thời đã xếp thời khóa biểu và lên lịch học chính thức. Điều này đồng nghĩa với việc, các tân sinh viên sẽ bắt đầu một hành trình mới trong việc học tập và sinh hoạt.
Bên cạnh những sinh viên đã quen với môi trường sống tự lập, nhiều sinh viên đến Huế theo học gặp khó khăn khi rời khỏi cuộc sống với gia đình để đến một môi trường mới với nhiều bỡ ngỡ. Từ Khánh Hòa đến Huế đăng ký vào học tại Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế, Cao Huỳnh Trường cho biết, từ nhỏ em đã sống cùng gia đình nên đã quen với cuộc sống ở nhà. Đến Huế học tập, đối với bản thân là một điều khá mới mẻ, phải tự lập mà không có gia đình bên cạnh.
“Đồ dùng ở phòng trọ em cũng phải tự sắm sửa, sắp xếp lại tất cả mọi thứ như: Thau, chậu, nồi cơm điện, gia vị nấu ăn, việc đi chợ, dọn dẹp… nhiều lúc thấy có chút vất vả, em sẽ thích nghi được với môi trường mới”, Huỳnh Trường chia sẻ.
Lê Thị Linh đăng ký học ngành hệ thống thông tin quản lý, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế cho biết: “Hai mẹ con em đến Huế tìm trọ rất vất vả, hầu hết các phòng trọ đều đã có người thuê, may mắn em tìm mãi cũng được phòng trọ để ở. Giờ mẹ em đã về rồi, còn một mình em ở lại phải tự lập với cuộc sống. Thời tiết ở Huế khá nóng so với ở quê, mọi sinh hoạt hiện giờ em cũng phải tự lo cho bản thân, có những đêm em lại khóc vì nhớ gia đình”.
“Một tháng gia đình gửi cho em khoảng 2 triệu đồng, trong đó em chi khoảng 800 nghìn đồng cho phòng trọ, điện, nước. Số tiền còn lại em dùng để ăn uống, mua tài liệu học tập… Em cũng chủ động tính toán chi phí hợp lý cho cả tháng, tránh việc tiêu xài lãng phí”, tân sinh viên Hứa Huỳnh Bích Trâm, Trường Đại học Luật - Đại học Huế cho biết.
Không chỉ thích nghi với cuộc sống sinh hoạt xa gia đình, các tân sinh viên còn phải tìm cho mình cách học tập mới ở môi trường đại học. “Các môn học đại học đối với em cũng như các bạn rất mới lạ, khác rất nhiều so với chương trình mà em được học hồi cấp 3.
Đây cũng là khó khăn chung mà các tân sinh viên chúng em gặp phải, giờ đây chúng em phải tìm phương pháp học tập mới để có thể nắm tốt được kiến thức, sớm làm quen với môi trường học tập tại Huế”, Phú Thị Hải, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế chia sẻ.
Đồng hành cùng tân sinh viên
Để giúp đỡ các tân sinh viên giảm bớt nỗi lo lắng khi phải sống xa nhà hay gặp khó khăn trong việc học tập cũng như sinh hoạt, nhiều trường đại học tại Huế cũng đã có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ và sẵn sàng đồng hành cùng sinh viên.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất để thu hút sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế còn có chính sách học bổng để hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các sinh viên vượt qua được những khó khăn khi đến Huế nhập học. PGS.TS Trương Tấn Quân - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ cho tân sinh viên đầu vào, từng học kỳ nhà trường cũng dành ra 7% ngân sách của trường để cấp học bổng cho các sinh viên đủ điều kiện.
Theo thông tin từ Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, năm 2023, sinh viên thủ khoa của trường sẽ nhận được học bổng với tổng giá trị 20 triệu đồng và nhiều ưu đãi khác đến từ các đơn vị tài trợ.
Tân sinh viên là thủ khoa ngành đào tạo và có điểm từ 25 điểm sẽ được miễn học phí học kỳ đầu tiên. Đối với tân sinh viên là thủ khoa ngành đào tạo có điểm từ 23 - 25 điểm được giảm 50% học phí học kỳ đầu tiên. Tân sinh viên có điểm từ 23 điểm được giảm 25% học phí học kỳ đầu tiên.
Hay Trường Đại học Luật – Đại học Huế cũng đã dành 150 suất ở miễn phí 10 tháng tiền phòng ở ký túc xá cho tân sinh viên nếu thuộc một trong các điều kiện: Con liệt sĩ, con gia đình thương, bệnh binh; gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; sinh viên khuyết tật; sinh viên ở xã đặc biệt khó khăn, mồ côi cả cha và mẹ…
Các trường đại học còn mang đến cho tân sinh viên rất nhiều hoạt động nhằm giúp các em sớm hòa nhập với môi trường đại học và rèn luyện được những kỹ năng cần thiết để tự trang bị cho bản thân.
“Trước khi vào học chính thức, chúng em được nhà trường tổ chức sinh hoạt đầu khóa. Từ những buổi sinh hoạt này, tân sinh viên tự lựa chọn câu lạc bộ phù hợp tham gia. Hoạt động này nâng cao kỹ năng mềm, tạo ra môi trường năng động để giúp chúng em có thể hòa nhập với cuộc sống sinh viên tốt hơn”, sinh viên Hồ Minh Chiến, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế chia sẻ.
Chi phí sinh hoạt cũng là một điều quan trọng mà hầu hết phụ huynh hay sinh viên đều quan tâm đến. Các trường cao đẳng, đại học tập trung ở TP Huế, khu đông dân cư, cho nên chi phí sinh hoạt thường cao hơn so với những vùng nông thôn ở các tỉnh khác, nhất là đối với các tân sinh viên xa nhà.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hanh-trinh-tu-lap-cua-tan-sinh-vien-post654884.html