Hành trình từ quá khứ đến tương lai

Châu Thành vốn là vùng đất giàu truyền thống, quê hương của nhiều trí thức yêu nước, nhà cách mạng lừng danh. Những người con Châu Thành không ngại cống hiến máu xương cho sự nghiệp bảo vệ quê hương. Tiếp nối truyền thống đó, huyện chú trọng việc gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của địa phương, làm nền tảng xây dựng và phát triển địa phương.

Vùng đất giàu truyền thống

Nhắc đến huyện Châu Thành, tỉnh Long A, nhiều người nghĩ ngay đến Lễ hội Làm Chay - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - được tổ chức vào giữa tháng Giêng hàng năm. Ở đó, ngoài các hoạt động lễ hội vui tươi là câu chuyện “Uống nước nhớ nguồn” đầy tính nhân văn được người dân Châu Thành, gìn giữ hàng trăm năm qua. Lễ hội Làm Chay cầu cho “quốc thái, dân an” cũng là lễ tưởng nhớ 2 nhà yêu nước: Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự và các nghĩa sĩ trận vong trong phong trào chống thực dân Pháp. Ngày nay, Lễ hội Làm Chay trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần và là niềm tự hào của người dân Châu Thành.

Theo một số giả thuyết, “châu thành” trước đây vốn là danh từ chung, chỉ các trung tâm hành chính, nơi có chợ, các cơ quan của hạt tham biện trú đóng. Sau này, khi các thị xã được thành lập từ một phần diện tích của “châu thành”, phần diện tích còn lại vẫn giữ tên cũ là quận Châu Thành, sau này là huyện Châu Thành. Điều đó phần nào khẳng định vị trí quan trọng cũng như sự phát triển của huyện Châu Thành trong lịch sử.

Tổ viên Tổ thuyết minh các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Tuyết Hằng thuyết minh về Khu lưu niệm Nguyễn Thông cho đoàn viên, thanh niên

Tổ viên Tổ thuyết minh các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Tuyết Hằng thuyết minh về Khu lưu niệm Nguyễn Thông cho đoàn viên, thanh niên

Huyện Châu Thành là quê hương của nhiều danh nhân, nhà yêu nước, nhà cách mạng tài ba. Nguyễn Thông - sĩ phu yêu nước, nhà văn, nhà sử học nổi danh cũng là người con của huyện Châu Thành. Khu lưu niệm Nguyễn Thông (xã Phú Ngãi Trị) là nơi được nhiều người tìm đến tham quan, tìm hiểu.

Tại xã Dương Xuân Hội, Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu là điểm đến thu hút và là niềm tự hào của người dân huyện Châu Thành. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, được gia đình chăm lo việc học hành, Giáo sư sớm trở thành một trí thức yêu nước, nhà cách mạng nổi bật. Giáo sư là người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và lịch sử nước nhà. Trong sự nghiệp của mình, Giáo sư để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cho thế hệ sau. Các quỹ học bổng, trường học lưu dấu Giáo sư tại huyện Châu Thành vẫn được giữ gìn và ngày càng phát triển.

Huyện Châu Thành còn là nơi sinh ra nhà yêu nước Phan Văn Đạt, nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cũng là nơi ghi dấu rất nhiều chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Toàn huyện có gần 3.000 liệt sĩ, gần 3.000 người có công được tặng huân chương, 516 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 8 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 9 xã anh hùng, trong đó xã Hòa Phú và xã Thuận Mỹ 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Giữ gìn và phát huy

Thông tin từ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu Thành, trên địa bàn hiện có 12 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh. Phần lớn các di tích đều gắn liền với công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm: Bia chiến thắng Miễu Bà Cố (xã Phú Ngãi Trị); Phân khu 3 (xã Thuận Mỹ); Bia Cù Tròn (xã Thanh Phú Long); Khu lưu niệm Đền thờ liệt sĩ Tiểu đoàn 263 (xã An Lục Long);... Ngoài ra, huyện còn có 1 nhà truyền thống, 1 nhà ghi ơn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhà bia Trung đội nữ Pháo binh (xã Phước Tân Hưng), nhà bia tưởng niệm (xã Phú Ngãi Trị) và 13 nhà bia ghi tên liệt sĩ của các xã, thị trấn.

Những năm qua, công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa luôn được các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương và nhân dân quan tâm. Công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa được quan tâm thực hiện thường xuyên. Hầu hết các di tích trên địa bàn huyện đều có hợp đồng người quản lý, chăm sóc các di tích.

“Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị các di tích luôn được huyện quan tâm thực hiện. Ban quản lý các di tích phối hợp các ban, ngành, đoàn thể huyện và xã, thị trấn, đặc biệt là các trường học tổ chức các hoạt động về nguồn giới thiệu các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn nhằm giáo dục truyền thống anh hùng, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương cho nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên, học sinh. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện thường có bài viết tuyên truyền liên quan đến các di tích trên địa bàn. Các xã, thị trấn đưa nội dung về bảo vệ, phát huy giá trị di tích vào quy ước ấp, khu phố để nhân dân cùng tham gia thực hiện” - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu Thành - Võ Thành Thật cho biết.

Năm 2024, huyện Châu Thành tiến hành các bước theo quy định, sẵn sàng cho việc xây dựng Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại xã Thuận Mỹ.

Bên cạnh đó, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, huyện trùng tu, xây mới đình Bình Lục (xã Phước Tân Hưng). Huyện cũng đang soạn thảo hồ sơ đề xuất công nhận đình Bình Lục là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Công tác số hóa và tạo mã QR tại các di tích cũng đã hoàn tất, tạo thuận lợi cho khách tham quan tìm hiểu ý nghĩa lịch sử, quá trình hình thành của các di tích trên địa bàn. Trong đó, ngoài các thông tin bằng văn bản, còn có nhiều hình ảnh, video về các di tích do đoàn viên, thanh niên các địa phương thực hiện.

Đặc biệt, bên cạnh Tổ thuyết minh các di tích lịch sử - văn hóa do UBND huyện thành lập thì Huyện Đoàn Châu Thành còn có Đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền giới thiệu khu di tích trên địa bàn, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống tại địa phương.

“Đội hình của chúng tôi có thành viên là đoàn viên ở các xã, thị trấn. Hầu hết người thuyết minh là bí thư đoàn xã, thị trấn hoặc người có năng khiếu thuyết trình, chịu trách nhiệm thuyết minh cho các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Thông tin thuyết minh do đoàn viên, thanh niên tìm hiểu, được cấp trên phê duyệt, thông qua nội dung trước khi sử dụng” - Phó Bí thư Huyện Đoàn Châu Thành - Nguyễn Thị Kim Yến chia sẻ.

Từ việc chú trọng gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống, huyện Châu Thành từng bước vun bồi tinh thần tự lực, tự cường trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, hướng đến mục tiêu “Phát triển bền vững huyện Châu Thành vì mục tiêu ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc người dân”./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hanh-trinh-tu-qua-khu-den-tuong-lai-a179017.html