Quận Ba Đình: Giao lưu các nhân chứng lịch sử kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Chiều 7-10, quận Ba Đình tổ chức giao lưu các nhân chứng lịch sử kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến ôn lại những ngày tháng lịch sử cách đây 70 năm. Trong đó nhấn mạnh, chặng đường vẻ vang 70 năm qua của Thủ đô anh hùng - Thành phố vì hòa bình, các thế hệ nhân dân quận Ba Đình thật tự hào vì ngay trong những ngày đầu tháng 10-1954 lịch sử ấy đã luôn đoàn kết một lòng, cần cù trong lao động, anh dũng trong chiến đấu, đóng góp công sức, trí tuệ để Hà Nội ngày một phát triển...
Chương trình gặp mặt, giao lưu với các nhân chứng lịch sử là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân quận càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, các bậc lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã cống hiến xương máu, tài năng, sức lực; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc; bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng Thủ đô Hà Nội thân yêu.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, trước khó khăn, vận hội mới, song hành với sự phát triển của Thủ đô và đất nước, với hào khí được hun đúc từ hơn nửa thế kỷ qua, quận Ba Đình sẽ phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của địa phương và những thành tựu đã đạt được; triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thiết thực chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Tại chương trình, thông qua những câu chuyện chân thực, ký ức hào hùng từ chính những nhân chứng lịch sử, những người đã làm nên thời khắc trọng đại 10-10-1954, đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ.
Bồi hồi xúc động nhớ lại kỷ niệm sâu sắc khi vào tiếp quản Thủ đô, ông Nguyễn Hữu Tài, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Thủ đô vẫn nhớ như in toàn thành phố, già, trẻ, gái, trai, ăn mặc đẹp, mặt như hoa đón đoàn quân trở về.
“Đó là niềm vinh dự hạnh phúc vô cùng, bởi khi ra đi chúng tôi chỉ mong có ngày trở về Hà Nội, nhưng không phải ai cũng được bình yên trở về, rất nhiều người đã ngã xuống cho ngày chiến thắng...”, ông Nguyễn Hữu Tài nói.
Nhớ lại ký ức hào hùng, ông Nguyễn Chí Nguyện, nguyên cán bộ Trung đoàn 36 (Bắc Ninh - Bắc Giang) không giấu được niềm tự hào khi vinh dự được là những người lính đầu tiên của Đại đoàn Quân tiên phong về tiếp quản Thủ đô. Ông chia sẻ về 3 lần gặp Bác Hồ: “Tôi rất xúc động mỗi lần nhớ lại khi gặp Bác. Người luôn ân cần, quan tâm, chu đáo với mỗi cán bộ, chiến sĩ”.
Là một trong những chiến sĩ thanh niên xung phong tham gia làm đường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phạm Xuân Đào, Đội 38, Đại đội 279 sau đó tiếp tục về tiếp quản Thủ đô.
Ông Đào chia sẻ: “Chúng tôi đã thao thức cả đêm khi biết tin được về tiếp quản Thủ đô. Nhiệm vụ của chúng tôi khi vào Hà Nội là làm công tác dân vận, tuyên truyền cho nhân dân chính sách của Đảng và Nhà nước; nhiệm vụ nữa là xuống phà Đen làm đường điện. Thấy chúng tôi là lính trẻ vào tiếp quản Thủ đô, dân Hà Nội rất yêu mến…”.
Trân trọng biết ơn những hy sinh của thế hệ đi trước, đoàn viên Đặng Việt Trinh, đại diện thế hệ trẻ quận Ba Đình nhận thức rõ những giá trị lịch sử và cơ đồ mà cha ông ta để lại, đồng thời bày tỏ sẽ nỗ lực phấn đấu, tiếp nối truyền thống hào hùng của cha anh, quyết tâm xây dựng quận Ba Đình, Thủ đô tươi đẹp.