Hành trình tuổi 30
Hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày ActionnAid chính thức hoạt động tại Việt Nam (2002 - 2022), chúng tôi có một hành trình về lại những vùng đất mà ActionAid Việt Nam (AAV) từng có mặt, tạm gọi một cách giản dị là 'Hành trình tuổi 30'.
Đó là một hành trình đầy ấn tượng, cảm xúc về những con người, sự việc đã qua 3 thập kỷ nhưng vẫn còn tươi rói như mới hôm nào, dù đó là những câu chuyện diễn ra ở làng người Chăm vùng biển Ninh Phước hay thôn xóm vùng núi Vụ Quang, Can Lộc thuộc Hà Tĩnh…
Người AAV
Ấn tượng đầu tiên là về những con người, mà tôi thích nói đến họ với danh xưng “Người AAV”. Người AAV, dù đang là những cán bộ của ActionnAid Việt Nam hôm nay hay gần ba chục năm trước, gặp nhau là tay bắt mặt mừng. Và hơn cả thế, là những vòng tay thân thiết, những ánh mắt, nụ cười đầy sẻ chia, ấm áp.
Câu chuyện giữa những cán bộ AAV hôm nay như Hoàng Phương Thảo, Chu Thị Hà, Mai Thị Thanh Nhàn… với các chị em ở Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển huyện Ninh Phước như chị Nguyễn Thị Luyện, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt…, hay chị Từ Thị Phương Nga ở Trung tâm phát triển vì người nghèo Can Lộc, rồi ông Lê Văn Định, bà Phan Thị Lan… ở Trung tâm phát triển cộng đồng Hà Tĩnh, những người AAV một thời đã giúp tôi hình dung phần nào những chặng đường mà AAV đã đồng hành với người dân, cộng đồng ở những vùng đất này.
Và không chỉ có thế, tôi còn thấy hình ảnh người AAV qua những nông dân người Chăm ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, Ninh Phước một trong những vùng sản xuất măng tây nổi tiếng của Ninh Thuận và cả khu vực cực Nam Trung bộ, mà tất cả bắt đầu từ dự án sinh kế của AAV mấy chục năm trước. Tố chất người AAV cũng thấp thoáng ở bà Lê Thị Nhị, Đại biểu HĐND xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc người đã tạo dựng cơ ngơi từ những đồng vốn ban đầu chỉ 300.000 được vay từ AAV.
Điều đáng nói là những con người ấy, dù ở cương vị nào, một Bí thư Huyện ủy như bà Nguyễn Thị Luyện, một Giám đốc Quỹ như bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt hay Giám Đốc Trung tâm như ông Lê Văn Định, bà Từ Thị Phương Nga, một doanh nhân Tín dụng vi mô như bà Lê Thị Nhị, một ông chủ vựa măng tây như Hứa Văn Sắn… đều khẳng định một điều: Sự trưởng thành, ăn nên làm ra của mình và gia đình hôm nay, ít nhiều, thậm chí là phần lớn do đã từng là người AAV.
Nhờ những kiến thức, kỹ năng, và quan trọng nhất là niềm tin có được khi tham gia các chương trình, dự án mà AAV thực hiện ở cộng đồng, địa phương mình mà họ đạt được những thành công trong công tác, làm ăn, nuôi dạy con cái. Phải chăng đó là yếu tố góp phần tạo nên sự phát triển bền vững, một mục tiêu mà các chương trình dự án do AAV hướng tới và đã đạt được ở những vùng đất này?
Từ những tiếp xúc, sẻ chia với những cán bộ của ActionnAid hôm qua và hôm nay, tôi cứ hình dung một phẩm chất con người AAV: Hết lòng vì công việc, vì cộng đồng, vì người nghèo, dám nghĩ, dám làm, kiên định với mục tiêu mà mình đề ra.
Dấu ấn AAV
Sẽ là thiếu sót, nếu trong "Hành trình tuổi 30", không nhắc đến những Dấu ấn từ những hoạt động của AAV. Cũng có thể nói rằng, dấu ấn rõ nét nhất, và có tác động lớn nhất là đội ngũ những người AAV mà tôi kể trên. Và từ cái dấu ấn ấy, hiện hữu những dấu ấn trong cuộc sống cộng đồng của những vùng đất này hôm nay.
Ấn tượng rõ nhất là dòng kênh, mà đến nay người Can Lộc vẫn gọi là kênh AAV. Con kênh dài 19km, chảy qua vùng đất khát xưa của 7 xã huyện Can Lộc, sau bao năm, kể cả khi trải qua cơn lũ lịch sử năm 2002 vẫn mang dòng nước mát tưới cho hơn 700ha lúa, màu, nâng từ một vụ lên hai vụ ăn chắc.
Đó là đập tràn Khe Cấy, nói như ông Trần Văn Bính, một người AAV, thì dù không có biển ghi, người dân ở đây vẫn luôn nhớ đây là công trình tổ chức AAV tài trợ. Chỉ với số vốn đầu tư 500 triệu đồng, từ nhiều năm qua con đập đã góp phần bảo đảm tưới tiêu cho 186ha lúa, màu của xã Ân Phú, huyện miền núi Vụ Quang, Hà Tĩnh. Và không chỉ có thế. Những kinh nghiệm và phong cách làm việc có được trong khi cùng cán bộ AAV giám sát việc thi công công trình đã giúp người dân nơi đây giám sát việc xây dựng các công trình dân sinh như đường sá, cầu cống được xây dựng ở địa phương mình và tự hào tuyên bố: Đường thôn làm tốt hơn đường xã, đường xã tốt hơn đường huyện…
Dấu ấn còn là ở những câu nói mà tôi hay được nghe khi đến thăm những vùng đất này: Giờ thì không còn đói nữa rồi. Phải nghe câu nói đó của những người dân, vùng đất vốn là cái rốn nghèo như An Hải của Ninh Phước, nơi mấy chục năm trước chỉ có gió và cát hay ở Mỹ Lộc của Can Lộc người dân từng đói quay, đói quắt phải ăn cả cây chuối, xơ mít… mới thấu hiểu được cái ý nghĩa vô cùng quý giá của nó.
Và dấu ấn rõ nhất là trong cách làm việc với tinh thần rõ ràng, minh bạch, vì cộng đồng. Nhờ phong cách làm việc và tinh thần của người AAV, mà những người như bà Từ Thị Phương Nga, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ông Lê Văn Định… đã là những người đứng mũi chịu sào, đưa tổ chức của mình đứng vững, phát triển sau khi được AAV bàn giao.
Điển hình như Trung tâm phát triển vì người nghèo Can Lộc. Nguồn vốn mà AAV bàn giao từ Chương trình phát triển nông thôn tổng hợp năm 2004 là 800 triệu đồng, đến nay được bảo tồn và nâng lên hơn 1,2 tỷ đồng. Tổng tài sản từ gần 5 tỷ đồng, đã nâng lên gần 44 tỷ đồng, số vốn quay vòng là hơn 59 tỷ đồng với trên 5.000 thành viên tham gia.
Cha ông ta có câu Tam thập nhi lập. "Hành trình tuổi 30" là cơ hội để ActionnAid Việt Nam nhìn lại quãng đường đồng hành cùng cộng đồng trong sứ mệnh xóa đói giảm nghèo, vì một xã hội công bằng. Những bài học, kinh nghiệm rút ra từ những thành công và cả chưa thành công sẽ là niềm tin và nội lực để hướng tới trong hành trình tiếp theo.
Không phải ngẫu nhiên mà trong các cuộc tiếp xúc, dù ở Ninh Phước, Can Lộc, hay Vụ Quang, Giám đốc AAV Hoàng Phương Thảo cùng các cộng sự luôn dành thời gian thảo luận với những người một thời cùng chung lưng đấu cật về những điều có thể chung tay thực hiện trong tương lai. Điều đó vừa nói lên sự gắn kết giữa những người AAV, xưa và nay, cũng là thể hiện trách nhiệm của ActionnAid Việt Nam ở tuổi 30 với những vùng đất, cộng đồng và con người mình đã đồng hành.
ActionAid là một Liên đoàn Quốc tế có sứ mệnh góp phần chấm dứt nghèo đói và bất công, có các chương trình dài hạn tại hơn 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á -Thái Bình Dương. Năm 1992, ActionAid bắt đầu đăng ký mở văn phòng Đại diện tại Việt Nam và liên tục hoạt động tích cực từ đó tới nay.
Với tổng số tiền quỹ đạt 49.865.000 bảng Anh (tương đương 2.545 tỷ đồng), ActionAid Việt Nam đã hỗ trợ trực tiếp hàng chục triệu lượt người trên khắp cả nước, đặc biệt tập trung vào các nhóm phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người bị thiệt thòi tại các cộng đồng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hanh-trinh-tuoi-30.html