Hành trình 'về quê mẹ' của thiếu nhi kiều bào Hàn Quốc

Chuyến đi về Việt Nam không chỉ là cơ hội để các thiếu nhi kiều bào tìm hiểu những nét văn hóa, lịch sử đặc sắc, mà còn giúp các em thêm yêu quý quê hương của mình.

Chiều 4/8, đoàn đại biểu kiều bào tại Hàn Quốc, gồm các giáo viên và thiếu nhi độ tuổi 10-13, đã có mặt tại Hà Nội, bắt đầu chương trình “Đoàn thiếu nhi, giáo viên kiều bào tại Hàn Quốc về thăm Việt Nam 2024” kéo dài 5 ngày tại Hà Nội, Ninh Bình và Quảng Ninh

Trong 2 ngày đầu tiên ở Việt Nam, Đoàn giáo viên và thiếu nhi kiều bào Hàn Quốc đã tham quan các danh thắng nổi tiếng của thủ đô. Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là chùa Trấn Quốc nằm giữa Hồ Tây với tuổi đời trên 1.500 năm. Tại đây, Đoàn không khỏi choáng ngợp trước lịch sử lâu đời, cũng như trầm trồ trước vẻ đẹp độc đáo của nơi được trang web du lịch nổi tiếng Wanderlust đưa vào danh sách “10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới”.

Đoàn giáo viên, thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thăm chùa Trấn Quốc tại Hà Nội. Ảnh: Việt Anh

Đoàn giáo viên, thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thăm chùa Trấn Quốc tại Hà Nội. Ảnh: Việt Anh

Hôm sau (5/8), Đoàn có mặt tại Quảng trường Ba Đình từ sớm đế được vào thăm quan Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng khu di tích Phủ Chủ tịch. Xa quê hương đã lâu, nay mới có dịp về nước viếng Hồ Chủ tịch, các thành viên đoàn đều xúc động khi xem những kỷ vật, tư liệu và nghe những câu chuyện về sự nghiệp vĩ đại của Người. Đặc biệt, các thiếu nhi kiều bào đều thích thú trong lần đầu được đi thăm nhà sàn Bác Hồ, cho cá ăn và được nghe kể về tình yêu thương của Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng.

Đoàn giáo viên, thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và di tích Phủ Chủ tịch. Ảnh: Việt Anh

Đoàn giáo viên, thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và di tích Phủ Chủ tịch. Ảnh: Việt Anh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người tài giỏi và mạnh mẽ. Con rất thích Bác Hồ và hay được cô giáo dạy bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng", một thiếu nhi kiều bào nói bằng tiếng Việt cho biết. Dù sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc, các em vẫn được bố mẹ dạy tiếng Việt và có thể tự giao tiếp bằng vốn tiếng mẹ đẻ. Xúc động nhất là khoảnh khắc các em cùng hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và đọc to khẩu hiệu “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa độc lập” bằng tiếng Việt.

Đoàn giáo viên, thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và di tích Phủ Chủ tịch. Ảnh: Việt Anh

Đoàn giáo viên, thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và di tích Phủ Chủ tịch. Ảnh: Việt Anh

Rời Phủ Chủ tịch, Đoàn dừng chân tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Lần đầu đến thăm và nghe giới thiệu về trường đại học đầu tiên của Việt Nam, các bạn thiếu nhi kiều bào không khỏi ngỡ ngàng, thán phục trước truyền thống khoa cử của quê hương. Lê Trang, một thiếu nhi kiều bào, hào hứng chia sẻ nhờ có cô hướng dẫn viên và cô giáo phiên dịch, em mới biết đây là nơi ngày xưa con các vua chúa Việt Nam từng học, và giáo dục Việt Nam thời xưa cũng rất phát triển.

Các thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc đọc to khẩu hiệu "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa độc lập" ở tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Anh

Các thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc đọc to khẩu hiệu "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa độc lập" ở tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Anh

Kết thúc 2 ngày tại Hà Nội, Đoàn đã đến chào lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và thăm Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Tại đây, các thiếu nhi kiều bào được xem nghệ nhân trình diễn làm nón lá và say mê với việc tự tay đan, bện những chiếc nón lá của riêng mình.

Nuôi dưỡng lòng yêu nước cho con trẻ kiều bào

“Đoàn thiếu nhi, giáo viên kiều bào tại Hàn Quốc về thăm Việt Nam 2024” là dịp để các thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc trở về thăm quê hương, tìm hiểu và trải nghiệm những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Ngoài ra, chương trình giúp các em hiểu thêm và tự hào về quê hương đất nước, gắn bó với cội nguồn, từ đó xây dựng lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Đoàn giáo viên, thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thăm nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Anh

Đoàn giáo viên, thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thăm nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Anh

“Mục tiêu chuyến đi là để các con thấy quê hương Việt Nam rất đẹp, lịch sử Việt Nam có nhiều cái đáng tự hào, để các con từ đó thêm yêu quê hương hơn. Bên cạnh đó, chuyến đi cũng giúp các con tự chủ hơn trong những hoạt động nhóm và nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt”, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Luyến - giảng viên Đại học Kwang Un, đại diện Đoàn giáo viên, thiếu nhi Việt kiều tại Hàn Quốc, chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Luyến giới thiệu các thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc về di tích Phủ Chủ tịch. Ảnh: Việt Anh

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Luyến giới thiệu các thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc về di tích Phủ Chủ tịch. Ảnh: Việt Anh

Theo anh Đoàn Quang Việt, thành viên đoàn giáo viên kiều bào tại Hàn Quốc, các phụ huynh người Việt rất có ý thức trong việc cho con trẻ tìm hiểu những câu truyện lịch sử, truyền thuyết của Việt Nam. Song phải qua những chuyến đi với trải nghiệm “người thật, việc thật”, các con mới thấm nhuần lòng tự tôn dân tộc để tự tin giới thiệu với bạn bè ở Hàn Quốc những danh nhân, chiến công lịch sử đáng tự hào của quê hương.

Đoàn giáo viên, thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thăm di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Việt Anh

Đoàn giáo viên, thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thăm di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Việt Anh

Là người muốn con mình có thể tìm hiểu, khám phá nhiều địa danh của Việt Nam, anh Việt nhấn mạnh: “Hiểu biết về dân tộc mình chính là công cụ tốt nhất để tránh bị phân biệt đối xử. Nếu chúng ta có ý thức và hiểu biết về dân tộc mình, thì không một ai có thể xem thường chúng ta, bất kể chúng ta là người nước nào”.

Duy trì tiếng mẹ đẻ nơi xứ người

Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc là cộng đồng trẻ, mới được hình thành sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Tuy nhiên, đây là một trong những cộng đồng có tốc độ phát triển nhanh chóng (hiện có gần 277.000 người). Vì thế, nhu cầu học tiếng Việt tại Hàn Quốc ngày càng tăng cao, nhất là đối với các đối tượng là con em kiều bào.

Đoàn giáo viên, thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thăm di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Việt Anh

Đoàn giáo viên, thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc thăm di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Việt Anh

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chị Nguyễn Thị Lệ Hoa, Chủ tịch Hội người Việt tại thành phố Gwangju và tỉnh Jeolla, cho biết cộng đồng đang mở các lớp dạy tiếng Việt miễn phí cho các con, qua cả hình thức online và offline. Theo chị, tiếng Việt là bản sắc của dân tộc Việt Nam, còn tiếng Việt thì mới còn văn hóa Việt. Hơn nữa, con em kiều bào tại Hàn Quốc đều mang 2 dòng máu Việt-Hàn, nên việc các con có thể lưu giữ văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc là vô cùng ý nghĩa.

Thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc trải nghiệm đan nón lá tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam. Ảnh: Tuấn Việt

Thiếu nhi kiều bào tại Hàn Quốc trải nghiệm đan nón lá tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam. Ảnh: Tuấn Việt

Với việc triển khai thực hiện chính sách đa văn hóa, chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ các trung tâm đa văn hóa tại các tỉnh thành phố trên toàn quốc tổ chức dạy tiếng Việt cho con em gia đình văn hóa Hàn - Việt và học sinh Hàn Quốc quan tâm đến tiếng Việt.

Từ năm 2014, Hàn Quốc đã chọn tiếng Việt là ngoại ngữ 2 trong kỳ thi xét tuyển Đại học. Một số trường phổ thông trung học cũng đã đưa tiếng Việt vào môn học chính thức từ năm 2018.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hanh-trinh-ve-dat-me-cua-thieu-nhi-kieu-bao-han-quoc.html